Xoay tiền cứu di tích

05/10/2015 17:31 GMT+7

Để không bị hụt hẫng khi chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa kết thúc, các địa phương chủ động kiếm nguồn để cứu di tích đang xuống cấp nghiêm trọng và tiếp tục kêu gọi trung ương không “khoán trắng”.

Để không bị hụt hẫng khi chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa kết thúc, các địa phương chủ động kiếm nguồn để cứu di tích đang xuống cấp nghiêm trọng và tiếp tục kêu gọi trung ương không “khoán trắng”.

Các tháp Chăm như cụm tháp Chiên Đàn được phân bổ kinh phí nhiều nhất vơi 6 tỉ đồng/hạng mục - Ảnh: H.X.HCác tháp Chăm như cụm tháp Chiên Đàn được phân bổ kinh phí nhiều nhất vơi 6 tỉ đồng/hạng mục - Ảnh: H.X.H
“Nhiều địa phương đang trong giai đoạn “chép miệng lắc đầu” vì chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cắt vốn trung ương từ năm 2015, nhưng Quảng Nam đã có hẳn đề án cứu di tích”, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam bình luận về nguồn vốn trung hạn 80 tỉ đồng vừa được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt cuối tháng 9.
Vậy là 74 di tích quốc gia và cấp tỉnh xuống cấp nghiêm trọng tạm thoát khỏi nỗi lo thường trực “tiền đâu để tu bổ?”. Trong số đó, có mộ thứ phi vua Quang Trung và các tướng Tây Sơn ở Hội An; các tháp Chăm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, Phật viện Đồng Dương; mộ danh nhân Trần Quý Cáp, Hoàng Diệu, Trương Công Hy; nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu, đình Chiên Đàn, chùa Hải Tạng; các căn cứ lịch sử cách mạng ở Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Duy Xuyên… Chưa kể 89 phế tích khác cần dựng bia, sửa chữa tượng đài.
Từ cuối năm 2014, cán bộ ngành VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đã sớm vào cuộc xoay tiền, trước khi chương trình mục tiêu quốc gia kết thúc. Hàng loạt cuộc khảo sát đánh giá thực trang di tích kỹ lưỡng, làm việc với các chuyên gia để thống nhất phương thức, định mức bảo tồn tùy loại hình di tích… để đến đầu tháng 7.2015, cơ chế tu bổ di tích giai đoạn 2016-2020 đã thuyết phục được HĐND tỉnh. Hơn 2 tháng sau, nguồn vốn chính thức phân bổ, rót cho di tích 16 tỉ đồng/năm, tương đương mức hỗ trợ trước đó của chương trình mục tiêu quốc gia. Ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL thừa nhận nguồn lực tài chính này không thể đáp ứng nhu cầu tu bổ ở Quảng Nam - nơi có đến 3 di tích quốc gia đặc biệt (trong đó UNESCO công nhận 2 di sản văn hóa thế giới), 360 di tích quốc gia và cấp tỉnh. “Tuy nhiên, trong khi đa số địa phương đang “bí” thì chúng tôi đã chủ động tìm được nguồn. Ngân sách tỉnh vẫn ưu tiên cho di tích trong điều kiện khó khăn như hiện nay, để tạm thời lấp chỗ trống trong giai đoạn thiếu hụt kinh phí từ trung ương”, ông Tịnh nói.
Không thể “khoán trắng”
Tỉnh Quảng Nam thực sự hưởng lợi khi 24 hạng mục tại 16 di tích quốc gia được cấp vốn 50,3 tỉ đồng của chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Giai đoạn này, tỉnh Quảng Nam cũng lập một đề án song song để chăm sóc cho hệ thống di tích cấp tỉnh và rót vào đấy 36,5 tỉ đồng. Nhưng từ năm 2016 trở đi, gánh nặng đè lên “hầu bao” ngân sách tỉnh.
Các chuyến khảo sát hiện trạng di tích do Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam thực hiện đã phác họa một diện mạo khá buồn. Vì thiếu nhà bia hay không xây khuôn viên, nên nhiều nơi diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng, cơ sở cách mạng cũ, di tích khảo cổ học… chẳng khác nào bãi đất trống, cỏ mọc hoang vu. Mối mọt xâm hại, sụt nứt móng xuất hiện nhan nhản ở các đình, miếu, nhà thờ trên 100 năm tuổi. Các mảng tường cũng xô lệch, mủn gạch nhiều tại tháp Chăm 1.000 năm tuổi. Những di tích quốc gia đã phải thường xuyên đối diện thiên tai, thời tiết khắc nghiệt như thế, nay lại lâm cảnh bị “cắt” nguồn vốn tu bổ.
Tiếp tục “chạy” nguồn
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An, liệt kê hàng loạt dự án sử dụng nguồn vốn trung ương đang tiếp nối tại phố cổ. Trong đó, đề án trùng tu, tôn tạo phố cổ Hội An gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng được xác định nguồn kinh phí lên đến 1.468 tỉ đồng, nhưng hiện tại mới “cụ thể hóa” bằng dự án kè bảo vệ phố cổ dài 770 mét, được phân bổ 50 tỉ đồng (trong tổng vốn đầu tư dự án 150 tỉ đồng) để chuẩn bị khởi công trong năm 2015. “Nhu cầu trùng tu, tôn tạo ở Hội An lớn lắm, đặc biệt là khu di sản thế giới. Nên chúng tôi phải chạy từ nhiều nguồn. Việc dừng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa sẽ gây thiếu hụt về kinh phí, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng tranh thủ”, ông Dũng nói.
Lo ngại của lãnh đạo TP.Hội An là có cơ sở, vì chỉ có 2 di tích quốc gia ngoài khu vực phố cổ được rót vốn đợt này gồm mộ thứ phi vua Quang Trung (ở xã Cẩm Thanh) và chùa Hải Tạng (Cù Lao Chàm). Khu di tích Chăm Mỹ Sơn ở H.Duy Xuyên cũng tương tự, bởi di sản văn hóa thế giới thực hiện theo quy hoạch riêng. Mấu chốt của “ý tưởng” quy hoạch riêng, theo lý giải của tỉnh Quảng Nam, là để xúc tiến các nguồn khác từ Chính phủ. Tại Mỹ Sơn, trước hiện trạng nghiêng lún và xuống cấp của các tháp B3, F1, không chuyên gia nào dám “đụng” vào trong điều kiện kinh phí ngày càng hạn chế. “Còn đô thị cổ Hội An cần đến vài chục tỉ đồng để trùng tu, thì khoản ngân sách 80 tỉ đồng của đề án tu bổ có ăn thua gì? Đưa các di sản văn hóa thế giới vào đây, coi như hết nguồn cho các di tích khác. Nên tại cuộc họp trực tuyến của Bộ VH-TT-DL vừa tổ chức ở Đà Nẵng, tôi đề xuất trung ương phải quan tâm, phải có trách nhiệm chứ không thể khoán trắng cho địa phương. Tôi tin là xu hướng lâu dài trung ương sẽ phải tính toán”, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL khẳng định.
 
Quảng Nam rót vốn để trùng tu di tích - Ảnh: HXH
Quảng Nam rót vốn để trùng tu di tích - Ảnh: HXH
Trong tổng kinh phí 80 tỉ đồng vừa được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dành cho 4 loại hình di tích (lịch sử, kiến trúc, khảo cổ, danh thắng), các di tích kiến trúc Chăm được đầu tư nhiều nhất với định mức 6 tỉ đồng/hạng mục). Địa phương dành 2 tỉ đồng/hạng mục phục dựng di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia; 1 tỉ đồng/hạng mục tu bổ di tích kiến trúc đình, nhà thờ, đài tưởng niệm cấp quốc gia. Các di tích cấp tỉnh được phân bổ dao động từ 300 – 600 triệu đồng/di tích; riêng di tích khảo cổ học, phế tích được dựng nhà bia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.