'Cảo thơm' Nam kỳ khảo lược

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
08/08/2019 06:02 GMT+7

Như 'cảo thơm lần giở trước đèn', 2 tập Nam kỳ khảo lược (NXB Thuận Hóa vừa ấn hành) của nhà nghiên cứu Trần Thành Trung cung cấp nhiều tài liệu quý về vùng đất Nam bộ xưa thông qua những trang viết thú vị.

Đại Việt tập chí và Nam kỳ tuần báo là 2 trong số những tờ báo có các bài nghiên cứu sâu về Nam kỳ trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, giúp truyền bá và phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa lịch sử của vùng đất Nam bộ. Nhà nghiên cứu Trần Thành Trung đã may mắn tình cờ được tiếp cận trọn 2 bộ báo xuất bản trước năm 1945 này, do Hồ Văn Trung (tức nhà văn Hồ Biểu Chánh làm giám đốc). “Ngồi lật từng trang báo nhuốm màu thời gian càng bồi hồi... Thiết nghĩ đây là những tư liệu giá trị, quý hiếm lại xuất bản khá lâu nên hiện nay bạn đọc ít có cơ hội tiếp cận...”, tác giả cho biết. Những tư liệu này được tập hợp trong 2 tập sách Nam kỳ khảo lược.

Các địa danh Sài Gòn xưa

Theo sách của người Pháp và tạp chí Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn thuộc trong vùng từ vòm Bến Nghé chạy theo sông Sài Gòn bây giờ tới vàm rạch Thị Nghè. Vùng này gồm 4 thôn: Hòa Mĩ, Tân Khai, Long Điền và Trung Hòa, nghĩa là giới hạn từ mé sông Sài Gòn lên tới con đường lớn và quan trọng nhất thời bấy giờ là Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay). Những đại lộ như Charner (Nguyễn Huệ), de la Somme (Hàm Nghi), Marchand (Nguyễn Cư Trinh)... hồi trước đều là kinh. Dọc theo mé các sông, rạch và kinh có đắp đường lộ cùng nhà phố lợp ngói hoặc lợp lá. Sau này người Pháp cho sửa sang lại, bắt đầu từ năm 1863 thì dọn dẹp mấy đường đã có sẵn làm thành đường Catinat (Đồng Khởi), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), xây cất công thự bằng cây sơ sài: nhà thương, nhà dây thép, kho bạc, trường học, đồn lính..., nhưng mở mang mau lẹ nhất là thời quan Thủy sư đô đốc de La Grandière. Năm 1866, ban đêm đã có đèn đặt dọc đường đốt bằng dầu dừa, đến năm 1869 số đèn đã lên mấy trăm và sử dụng nhiên liệu dầu lửa.

Dinh Thống đốc Nam kỳ

Ảnh: Tư liệu Xứ Nam kỳ

Trên Nam kỳ tuần báo ngày 30.3.1944, tác giả N.K.T.B còn cho biết: “Địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn” - tên cơ quan cai trị được lập ra trong chỉ dụ và nghị định của quan toàn quyền năm 1931 và 1941, gồm trọn địa phận hai châu thành cũ là Sài Gòn và Chợ Lớn. Đến năm 1944, lại mở rộng thêm ra mấy làng ở tỉnh Gia Định, trong vòng từ Thị Nghè xuống kinh Thanh Đa, qua cầu Bình Lợi, chạy theo đường xe lửa tới xóm Thơm, tẻ lên xóm Thuốc rồi dọc theo đường xe điện Hóc Môn lên gần tới An Hội, tẻ qua Tham Lương và giáp tới ranh Châu Thành Chợ Lớn đã định trước. Ở phía nam, thì gồm mấy làng thuộc tỉnh Gia Định, bắt đầu từ cầu Tân Thuận Đông chạy dài theo sông Sài Gòn xuống tới Nhà Bè rồi tẻ qua rạch Ông Lớn (còn có tên là Đại Phong - ranh giới giữa Q.7 và Q.8 bây giờ). Ngày xưa khu vực này hai bên rạch có nhiều ong mật nên người dân thường lấy mật mang ra buôn bán tại cầu Mật (nay thuộc Q.8).
Còn địa danh Thị Nghè, mà đáng lý phải gọi là Bà Nghè mới trúng, được tác giả Lê Thọ Xuân lý giải trên Đại Việt tập chí, số 9 năm 1943: Tên chữ của nó là Bình Trị Giang vì nó chảy ngang địa phận tổng Bình Trị, kêu là sông Bà Nghè vì trên sông này có cầu Bà Nghè. Hồi đầu thế kỷ 18, bên kia sông có ngôi nhà của một bà nghè tên Nguyễn Thị Khánh, chồng làm chức thơ ký ở phiên Trấn dinh (Sài Gòn) nên quen gọi là bà nghè, chứ không dám gọi tên. Nghè là tên tước hàm của chồng bà, vậy kêu là Bà Nghè mới đúng, chứ đâu phải bà tên Nghè mà gọi là Thị Nghè.

Bìa 2 tập Nam kỳ khảo lược

Gốc tích Giồng Ông Tố

Ở TP.HCM ngày nay có địa danh Giồng Ông Tố là khu vực hai bên sông Giồng (thuộc các phường: An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Q.2 và P.Phú Hữu, Q.9 hiện nay). Tên gọi này được tác giả Nguyễn Văn Nghĩa “giải mã” trên tờ Nam kỳ tuần báo số 31 ngày 15.4.1943 như sau: “Trước kia chỗ này là một cái giồng cây cối rậm rạp với nhiều loài thú dữ. Vào đời Minh Mạng năm thứ bảy (?), có người ở tỉnh Quảng Ngãi tên là Tố, vốn là em vợ của quan Lý Chính hầu Huỳnh Công Lý, vô ở chỗ này và tự mình khai khẩn, kế đó quy tập dân lập ấp, lấy tên ấp là Bình Lâm, nay cải là làng Bình Trưng. Từ khi ông mất, cũng chôn tạm tại giồng nên người dân trong ấp mến đức của ông có lập miễu để phượng thờ. Đương thuở ấy, người ta nói ông có công mở mang trước cái giồng này, cho nên lấy tên ông đặt tên cho giồng. Phía tây của giồng có một trường học là Trường Giồng Ông Tố và một cái chợ, đều ở gần công sở làng Bình Trưng”.
Ngoài ra, Nam kỳ khảo lược còn phản ánh cuộc đi tìm dấu vết cũ của Lãnh sự quán VN ở Sài Gòn (1874 - 1883) với nhiều chứng cứ rất thuyết phục; hé lộ chuyện về ba con “cọp gấm” của đạo binh Bến Nghé: Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh “đạp trời khuấy nước” một thời, hay “hổ tướng” Đồng Nai Nguyễn Huỳnh Đức trung với vua; chuyện hoàng tử Cảnh - con trưởng vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu ra sao; rồi các quan trấn Sài Gòn dưới quyền Nam triều; Nguyễn Văn Thoại với sự đào sông Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.