Cảnh và tình Nam bộ trên sân khấu Sài Gòn

Hoàng Kim
Hoàng Kim
03/05/2020 07:13 GMT+7

Sân khấu Sài Gòn có nhiều vở diễn lấy bối cảnh câu chuyện là vùng đất Nam bộ. Bối cảnh ấy không chỉ phục vụ cho câu chuyện khi được tái hiện trên sàn diễn mà còn gợi bao niềm thương nhớ cho khán giả...

Vì vậy, khi sân khấu hiện lên những cảnh quê thân thuộc, khán giả đã có cảm tình ngay, hoặc rưng rưng hoài niệm.

Từ những bến sông

Miền Tây Nam bộ chằng chịt sông nước, cho nên những bến sông là nơi người ta thường tụ hội làm ăn, đi lại, giao tiếp... Sân khấu cũng chọn những bến sông làm điểm tựa cho những câu chuyện buồn. Vở Đò tình của Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đã có một bến sông với chiếc đò của anh Lương ngày ngày đưa rước khách và ôm một mối tuyệt tình. Hầu như đây là bối cảnh chính suốt từ đầu đến cuối, và sân khấu quay đã giúp đạo diễn Tiết Duy Hòa thể hiện được những cảnh con đò sang sông rất hay trong trí tưởng tượng của người xem. Bến sông còn có mái lá xơ xác, cái lu bể, gáo dừa và những cụm lục bình liêu xiêu trên sóng... Dùng biện pháp tả thực mà tả chính xác và tỉ mỉ đến như vậy. Nhìn bến sông tự nhiên lòng người chùng xuống, vì người miền Tây nào cũng có một bến sông như thế để đi về, trông ngóng, ly tan... Rồi những cụm lục bình trôi từ tuổi thơ đến khi tóc bạc, từ cắt cọng lá chơi nhà chòi, đến mùa đói luộc bông luộc đọt mà ăn, làm sao không rung động cho được.

Sân khấu “thấp thỏm” quay lại sau dịch 

NSND Hồng Vân cho hay: “Tôi đã hết hợp đồng thuê Sân khấu Phú Nhuận vào tháng 4, chắc không dám ký lại nữa, chỉ giữ Sân khấu Chợ Lớn thôi. Dù hết dịch thì tình hình khán giả có thể rất èo ọt”. Đạo diễn Ái Như của Sân khấu Hoàng Thái Thanh chia sẻ: “Mấy tháng không diễn, chúng tôi vẫn trả lương một ít cho anh em công nhân hậu đài, nhưng giờ mở màn thì càng lo bởi không tiên lượng được khán giả”. Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF cũng lo không tiên lượng được khán giả: “IDECAF có một lượng fan thật đấy, nhưng mùa dịch làm người ta “cạn kiệt” kinh tế, chỉ sợ mở màn mà ít người quá lại bù lỗ. Mấy vở diễn tết chỉ vừa ra mắt đã tạm ngưng, còn ăn khách thì cứ lấy ra mà diễn”.
Chỉ có đạo diễn Ngọc Hùng của Sân khấu Thế Giới Trẻ chia sẻ tín hiệu khả quan: “Tự hôm rày, khán giả đã gọi điện và nhắn tin khá nhiều mong được xem diễn lại. Chúng tôi chỉ chờ lệnh cho phép diễn là sẽ mở màn. Tuy nhiên do bán vé qua mạng, chúng tôi phải nắm trong tay một số rồi mới dám diễn, chủ yếu các vở tết vẫn còn ăn khách”.
Vở Bao giờ sông cạn của Sân khấu Hoàng Thái Thanh tái hiện cả một bến sông và chiếc ghe hàng y như thật, treo lủng lẳng những bọc cốm, bánh, kẹo, trà, thuốc mà cô Thà chèo đi bán khắp những vùng quê xa tít tắp. Ai sống vào thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước thấy chiếc ghe này tự dưng muốn ứa nước mắt. Chiếc ghe là tiệm tạp hóa di động, len lỏi vào những thôn làng heo hút, là “sứ giả” mang đến niềm vui cho những đứa trẻ thèm kẹo bánh quanh năm, cho những bà nội trợ cần chút đường, bột ngọt quý giá... Dân nghèo, chủ ghe cũng nghèo, món hàng lời lãi rất ít, mà đôi tay chèo chống mỏi mê mỗi mùa nước đổ. Xem kịch, khán giả khóc vì nhớ quê, vì cảm thương những thân phận nổi trôi như cô Thà năm ấy.

Vở Đò tình với bối cảnh sông nước miền Tây Nam bộ

Đến sinh hoạt, phương ngữ...

Những vở kịch trên sân khấu Sài Gòn còn tái hiện các sinh hoạt rất thật của người dân miền Tây Nam bộ, từ nhà cửa, quần áo, ngôn ngữ, phong tục..., khiến người xem như sống lại với những hồi ức thân thương.
Cảnh và tình Nam bộ trên sân khấu Sài Gòn

Vở Mút chỉ mút cà tha tái hiện sinh hoạt ở miền Tây Nam bộ

Vở Tía ơi con lấy chồng của Sân khấu 5B và Mút chỉ mút cà tha của Sân khấu Hoàng Thái Thanh có cảnh mấy người hàng xóm ngồi quây quần trên chiếc chiếu đặt giữa sân mà cụng ly. Nhậu là “đặc sản” của miền Tây, nhưng nhậu đúng theo kiểu hồi xưa thì không được say, chỉ vừa đủ thắt chặt tình cảm, vừa đủ chia sẻ nỗi lòng là đứng dậy đi về. Bây giờ người ta mới có kiểu nhậu quên trời quên đất rồi gây tai nạn. Trong vở này, nhậu đúng kiểu xưa, vừa lai rai ba sợi, vừa ca hát thiệt vui. Còn cụm từ “mút chỉ mút cà tha” thì đúng là “đặc sản” Nam bộ, y như “mút mùa lệ thủy” vậy. Nghe mà giật mình, vì mấy chục năm sống ở Sài Gòn hầu như đâu còn nghe ai nói nữa. Hoặc “mày quỡn quá ha”, “thứ ba chùm ba cháng”, “đi dìa cha nội”, “cà chớn cà cháo”... như chạm vào một cõi văn hóa rất riêng và rất đáng yêu. Yêu nhất là những chiếc áo bà ba từ loại vải thô mộc cho tới loại vải tơ lụa, bông hoa thật đẹp. Thực tế bây giờ những sơ mi, đầm váy đã chiếm lĩnh trong cuộc sống, kể cả ở nông thôn giờ cũng hiếm người mặc áo bà ba. Cho nên sân khấu đã vẽ lại những bóng hình thiếu nữ chân chất một thời, như những bức tranh xưa treo vào ký ức.
Và có một “đặc sản” nữa mà các vở diễn rất thích đưa vào, đó là đờn ca tài tử cải lương. Vở Tía ơi má dìa của IDECAF có nhân vật ông Tư đờn kìm cứ ôm đàn thổn thức suốt 20 năm mong ngóng người vợ ra đi biền biệt. Anh Lương trong Đò tình thì cất tiếng ca vọng cổ não lòng như Trương Chi trên sông vắng. Anh Hai Đời trong vở Đời như ý cũng kiếm sống bằng cây đờn vọng cổ, câu hát đẫm tình người dẫn đường cho người mù như anh tìm được hạnh phúc. Những làn điệu làm xao xuyến người ta, chỉ cần nghe vài cung bậc hò xang xê cống là cảm xúc đã đong đầy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.