Cần sự nối kết giữa văn hóa và kiến trúc

02/04/2017 06:38 GMT+7

Tại TP.HCM, các công trình nghệ thuật: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP.HCM, Dinh Thống nhất, UBND TP.HCM, chợ Bến Thành, Nhà hát TP.HCM... là những điểm nhấn, tạo thành một không gian kiến trúc đô thị trung tâm độc đáo.

Tuy nhiên, hiện nay việc nối kết giữa không gian văn hóa và đô thị dường như chưa thực sự được vào cuộc. Ông Lê Tôn Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, từng rất băn khoăn khi tham gia góp ý vào hệ thống metro “lướt” ngang qua các danh lam, thắng cảnh, di tích hàng trăm năm tuổi. “Phải làm sao để vừa phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ cho nhu cầu đời sống nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến không gian đô thị và các kiến trúc xưa là điều không hề dễ dàng”, ông Thanh nói.
Một công trình văn hóa “mở màn” cho công cuộc quyết tâm này là Đường sách Nguyễn Văn Bình. Đường sách kiến tạo một không gian tri thức, một môi trường học tập, nơi giao lưu chia sẻ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp nơi những người trẻ, đồng thời tạo sự hấp dẫn để quảng bá văn hóa Việt, thu hút khách du lịch.
Mỗi khi xuân về, đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ màu sắc lại được kết nối với phố đi bộ trước UBND TP.HCM, đường sách, phố ông đồ đường Nguyễn Thị Minh Khai, Chợ hoa xuân Tao Đàn… tạo thành chuỗi liên hoàn rất thích thú cho du khách. “Vừa rồi UBND Q.1 có đề án thành lập đường nhạc tại đường Alexandre De Rhodes là ý tưởng hay, từ đó hình thành công viên nghệ thuật: văn học, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu… kết nối với chợ phiên cuối tuần sắp xây dựng, hay khu ẩm thực ăn uống đậm chất phương Nam trong khu vực này nữa là quá tuyệt vời. Sau này hệ thống nhà ga tàu điện ngầm đi vào hoạt động, việc di chuyển thuận lợi hơn, thì du khách sẽ tìm đến tham quan các di tích lịch sử, hệ thống bảo tàng, kết hợp với mua sắm, ăn uống và tham gia vào các loại hình giải trí nghệ thuật ở đây nữa thì quá tuyệt vời…”, ông Huỳnh Văn Mười, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, khẳng định.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng Quy hoạch chung (Sở QH-KT TP.HCM), cho rằng: “Khi biết sử dụng di tích xưa để kết nối với môi trường giải trí hiện đại thì chẳng những không làm ảnh hưởng gì mà giá trị của di sản sẽ càng được phát huy thêm. Người dân và du khách có điều kiện tiếp cận trong một không gian mở, ngay trong khu phố đi bộ, có nhiều thời gian để thư giãn chiêm nghiệm, từ đó sẽ ứng xử tốt hơn với văn hóa và mỗi người thấy mình sống phải có trách nhiệm. Vì vậy, theo tôi tạo được một khu vực trung tâm TP.HCM xây dựng tính đồng bộ trong chuỗi văn hóa đường phố, kết nối không gian đô thị tận dụng lợi thế của nhau vừa tạo thêm động lực để cùng phát triển, vừa tạo hiệu quả kinh tế cho TP là việc cần làm và nên làm sớm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.