‘Căn nhà giữa những đám mây’ - Một khí hậu văn chương ám ảnh

09/01/2021 10:00 GMT+7

Các nhân vật trong tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây của Vũ Thành Sơn tạo ra một khí hậu văn chương. Một khí hậu văn chương đầy ám ảnh.

Đan xen giữa những hồi ức về các thành viên trong một gia đình đã/ đang dần rơi rụng, là cuộc tình hay đúng hơn - một lối sống của một cặp tình nhân. Nhân vật nam chính trong tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây cũng là người - suy - tư (vai trò người dẫn chuyện vô cùng mờ nhạt).
Những mảnh ghép dần hiện ra cuối cùng cũng không cho thấy một “bức tranh tổng thể” nào - với cách đọc mong muốn tìm thấy một câu chuyện khép kín. Cái người ta có thể thấy được, là sự rã rời vụn nát của những lựa chọn sống. Những con người như những cái bóng, hoặc như những hình ảnh chập chờn nửa mê nửa tỉnh. Có thể nói, đây là một lối văn chương giúp nhìn thấy phần hồn hơn là phần xác.
Nói thêm về những lựa chọn sống trong tiểu thuyết này. Phải nói rõ, trong tiểu thuyết không hề có lập ngôn, tuyên bố hay khẳng định điều gì về “nhân sinh quan, thế giới quan” cả. Cái mà tôi gọi là “lựa chọn sống” ở đây được thể hiện bằng những chi tiết có phần (vờ) nhỏ nhặt, nhạt nhòa để đưa ra hành động, câu nói hay hoàn cảnh mà nhân vật đã lâm vào. Tôi dùng từ “lâm vào” như một bị động thức. Ở đây, xuất hiện một văn cảnh nước đôi, nhân vật hành động mà như bị/ phải hành động. Một văn cảnh, trong đó con người như bị quy định và như đang vẫy vùng để thoát ra. Qua đó, với sự tự nhận thức khác nhau, từng người (nhân vật) trở thành cái nó là hoặc đơn giản diễn một vai không hề biết trước kịch bản, trừ một kết quả: sự suy tàn.
Những suy tư của Lân - nhân vật chính, cộng với tình thế nước đôi của các nhân vật như đã nói trên, tạo ra một khí hậu văn chương cho tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây. Một khí hậu văn chương bất thường và ám ảnh.
Ở đây, những người quan tâm triết học/ lý thuyết văn học có thể thấy một sự vô nghĩa hay phi lý, một tinh thần bất tín nhận thức (tôn giáo hoặc thậm chí logic thông thường và đương nhiên là cả những hệ thống triết lý khép kín cao siêu). Tinh thần ấy đẻ ra những văn chương phi lý, hiện sinh và sau này - văn chương hậu hiện đại.
Chính vì lý do đó, người ta có thể xếp Căn nhà giữa những đám mây vào loại tiểu thuyết của những “phi lý”, “hiện sinh” và “hậu hiện đại”. Cũng có thể thấy ở đây bóng dáng của thuyết phân tâm. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh, Vũ Thành Sơn đã tạo ra một khí hậu văn chương riêng từ nhiều nhận/ cảm thức, nhưng quan trọng nhất là nhận/ cảm thức của chính anh với những trải nghiệm riêng có. Chính điều này quyết định giá trị của tác phẩm: Đây là một tiểu thuyết hiện đại với bối cảnh và con người Việt Nam.
Lại nói về văn chương hậu hiện đại mà Vũ Thành Sơn cũng là một nhà văn góp mặt lâu nay. Tôi đã đọc những truyện ngắn, bài thơ đậm chất giễu nhại, giải trung tâm và giải thiêng của anh. Trong đó anh dùng đủ thứ “trò” (nếu muốn nghiêm túc thì gọi là thủ pháp văn chương hậu hiện đại). Nhắc lại điều đó để trở về với cuốn tiểu thuyết Căn nhà giữa những đám mây. Nói về tính hậu hiện đại của nó, tôi e rằng ở đây yếu tố này khá nhạt nhòa. Với cuốn sách này tôi nhận thấy một Vũ Thành Sơn “nghiêm túc”.
Một chút trà dư tửu hậu. Tôi được biết bản thảo trước khi in của tiểu thuyết này mang tên Nhà tôi ở cuối chân trời. Một chút ý kiến chủ quan, tôi tiếc cái tựa sách này. Nó gợi mở hơn, có chút vờ lãng mạn, thực ra là đùa giỡn kín đáo, và nó Vũ Thành Sơn hơn.   
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.