Cần mở cuộc thi ý tưởng

20/09/2020 06:04 GMT+7

Đó là ý kiến của PGS-TS Khuất Tân Hưng (ảnh), Chủ nhiệm bộ môn kiến trúc di sản (Đại học Kiến trúc Hà Nội) khi trao đổi với PV Thanh Niên về đề xuất xây dựng công viên văn hóa lịch sử tâm linh dọc sông Tô Lịch.

Một đơn vị đang đề nghị việc xây dựng công viên văn hóa - lịch sử - tâm linh dọc theo bờ sông Tô Lịch. Ông thấy ý tưởng này ra sao?
Dự án công viên bên bờ sông đó phải gắn với việc xử lý nước. Nếu nước thải cứ tiếp tục chảy trực tiếp vào đấy, thì nước bẩn sẽ không xử lý dứt điểm được. Mà không giải quyết được vấn đề nước, thì những gì cảnh quan làm được cũng vô nghĩa. Nếu chúng ta có thể xử lý được nước sạch thì sẽ có một dòng sông giống dòng sông được cải tạo ở Seoul (Hàn Quốc). Họ cũng kè cứng, kè thẳng đứng và tạo rất nhiều không gian đi bộ. Đương nhiên, giá trị của toàn bộ khu vực tạo ra rất lớn. Nó trở thành điểm đến sôi động. Hà Nội hiện nay đang quá thiếu cây xanh và không gian mở. Vì thế, nếu có 15 km dọc sông Tô Lịch tạo thành không gian đi bộ, thì thực sự là một điều tuyệt vời cho TP. Một không gian dài như thế lại còn chạy xuyên qua nội đô lịch sử thì quá tuyệt vời.
Xuyên qua nội đô lịch sử, có vẻ ông thấy điều đó rất tốt từ góc nhìn di sản?
Gắn với sông Tô Lịch là rất nhiều di tích. Cứ hình dung trước đây con sông là đường thủy, nó là trục minh đường cho các công trình di tích, nên đình chùa xung quanh đó đều hướng ra sông. Một thời gian dài do giao thông hiện đại chia cắt, các công trình đó đang bị rời rạc. Hiện nay, nếu có hệ thống tạo ra trục cảnh quan, trục cây xanh thì sẽ phát huy giá trị các di tích bám vào sông Tô Lịch. Trục đó sẽ rất hấp dẫn, thậm chí còn hấp dẫn hơn cả trục sông tôi vừa nói ở Hàn Quốc. Vì trục sông ở Hàn Quốc không gắn mấy với các di tích lịch sử.
Tức là ý tưởng văn hóa của công trình theo ông là ổn, cái khó nằm ở làm sạch nước suốt con sông. Liệu có thể làm từng khúc, từng khúc một được không?
Không thể làm từng khúc một vì nó liên thông với nhau. Và cũng phải làm vì đó là con sông tự nhiên, có cá sống ở đó chứ không thể chỉ như một kênh dẫn nước.
Trên phác thảo có tượng vua Lý Thái Tổ ở khu vực công viên. Một bức tượng dường như giống với tượng ở sát hồ Gươm. Ông đánh giá ý tưởng đó như thế nào?
Công viên đó về nguyên tắc sẽ bắt đầu từ ý tưởng. Ý tưởng đó cũng cần qua nhiều giai đoạn. Tôi đã hướng dẫn sinh viên làm những dạng đồ án như vậy: cải tạo sông, cải tạo cảnh quan. Chúng tôi sẽ phải đặt ra câu chuyện làm sao để gắn với lịch sử ở đó. Ý tưởng ban đầu liên quan đến quy hoạch thì phải qua nhiều giai đoạn mới thành hiện thực. Và cũng không nhất thiết phải có một bức tượng ở đó.
Công viên dọc sông là một dạng thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan. Nó sẽ phải tuân thủ nguyên tắc điểm nhìn, góc nhìn, điểm nhấn. Các điểm nhấn thì thường gắn với biểu tượng. Tuy nhiên, sông Tô Lịch sẽ gắn với Hà Nội với những câu chuyện Hà Nội, như chuyện các làng ven sông vẫn còn hiện nay chẳng hạn. Còn chuyện gì thì nên tổ chức một cuộc thi ý tưởng. Việc phát triển ý tưởng này phải có hệ thống, chứ không thể để bài học con đường gốm sứ chắp vá về ý tưởng và thực hiện xảy ra lại. Nên mở cuộc thi ý tưởng cho cả 15 km, cả tuyến.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.