Cần kế hoạch tổng thể kết nối du lịch - thể thao - văn hóa

10/11/2019 15:02 GMT+7

Theo TS Đỗ Cẩm Thơ, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính , Tổng cục Du lịch (ảnh), Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch gắn với sự kiện thể thao.

Xin bà cho biết tiềm năng phát triển của du lịch gắn với sự kiện thể thao tại Việt Nam?
Việt Nam là quốc gia có địa hình đa dạng, phong phú, khí hậu thuận lợi, phù hợp tổ chức được nhiều hoạt động thể thao cũng như du lịch. Địa hình đồi núi với độ dốc lớn, nhiều đường đèo ngoạn mục, sông suối, thác ghềnh, thung lũng với nhiều cảnh quan đẹp mắt phù hợp tổ chức các loại hình thể thao, đặc biệt là thể thao mạo hiểm như đi bộ, leo núi, đạp xe, chạy bộ, đua mô tô, xe máy, chèo thuyền, vượt thác, dù lượn, khí cầu... Việt Nam cũng có đường bờ biển trải dài với nhiều nơi phù hợp tổ chức các hoạt động lướt ván buồm, lướt ván diều.
Một số giải thể thao cũng gia tăng nhanh về quy mô và tính chuyên nghiệp trong tổ chức, về số lượng giải, số lượng vận động viên tham dự. Đó là các giải chạy marathon, hiện nay hằng năm có tới 22 giải được tổ chức ở nhiều địa hình và là những sự kiện thu hút sự quan tâm lớn về du lịch thể thao. Ngoài ra là các giải dù lượn, trong đó có giải đã trở thành lễ hội được mong chờ hằng năm. Lễ hội Bay trên mùa vàng ở Mù Căng Chải, các giải đua thuyền buồm quốc tế, khinh khí cầu quốc tế cũng rất hấp dẫn về mặt du lịch.
Có ý kiến cho rằng, khách dự các sự kiện thể thao ít thích các tour hiện nay trong nước mà thích tự đi. Vậy để thu hút chi tiêu của dòng khách này, chúng ta nên làm gì?
Thực ra, khách tham dự các sự kiện thể thao thường là những dòng khách có thu nhập trung bình cao. Nghiên cứu thị trường của các giải marathon lớn nhất tổ chức ở Việt Nam cho thấy, người tham gia giải là khách chi trả cao, mỗi vận động viên ở hơn 4 ngày, chi khoảng 2.250 USD và họ thường đi cùng người nhà và kết hợp du lịch, trung bình có khoảng 1,5 - 2,7 người nhà đi kèm.
Họ có nhiều kinh nghiệm di chuyển đến nhiều địa điểm dự các sự kiện thể thao khác nhau nên rõ ràng họ cũng là những người có thể nói là khó tính hơn và nhiều kinh nghiệm hơn nên họ sẽ thích tự đi hơn.
Tôi cho rằng, không quan trọng là khách có cần thiết sử dụng các tour du lịch trong nước hay không. Quan trọng là những điểm đến, dịch vụ du lịch của ta phải thực sự hấp dẫn và thông tin phải được cung cấp đủ thì hoàn toàn có thể thu hút khách tự khám phá, trải nghiệm.
Theo tôi, các sự kiện thể thao muốn thu hút khách du lịch thì phải lựa chọn tổ chức ở những địa điểm gần với nhiều điểm tham quan du lịch, trong bán kính 50 km để vừa đủ hợp lý trong quỹ thời gian khách dành tham dự sự kiện thể thao và kết hợp thăm thú du lịch.
Cũng cần hoàn thiện các điểm đến, các dịch vụ, hoạt động du lịch hấp dẫn trong thời gian diễn ra giải ở các địa điểm du lịch này. Tức là công tác chuẩn bị sự kiện không chỉ ở mặt chuyên môn thể thao mà còn ở cả việc kết nối các doanh nghiệp và đơn vị quản lý các khu, điểm du lịch.
Để phát triển du lịch gắn với sự kiện thể thao, theo bà nên tổ chức liên kết các yếu tố trên như thế nào?
Thứ nhất, cần có chủ trương về đăng cai các sự kiện lớn, quốc tế. Thứ hai, cần có chiến lược để tổ chức những sự kiện thể thao trên cơ sở lựa chọn những loại hình thể thao nào có sức hút và lan tỏa để gắn nó với du lịch. Thứ ba, qua kinh nghiệm trong nước và quốc tế thì nên đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch. Thứ tư, cần có chủ trương đẩy mạnh các sự kiện thể thao gắn với du lịch để đặt mục tiêu và lên kế hoạch mang tính tổng thể. Chẳng hạn, lựa chọn địa điểm và môn thể thao để có sức hấp dẫn và thuận tiện thu hút du lịch. Cùng nhau lên kế hoạch tổ chức các hoạt động giới thiệu văn hóa, du lịch bên lề để tạo nên sức hấp dẫn cao hơn, thu hút tiêu dùng du lịch lớn hơn.
Cũng có thể tổ chức sự kiện thể thao gắn với cộng đồng và tìm hiểu văn hóa. Chúng ta có giải chạy Hanoi Heritage giới thiệu di sản văn hóa sống ở Hà Nội. Giải Mountain trail ở Pù Luông, Mai Châu, Hà Giang, Sa Pa hoặc các giải dù lượn ở Mù Căng Chải; các giải xe đạp, mô tô địa hình thì lại giới thiệu được nét đẹp của cảnh quan núi và đời sống văn hóa cộng đồng thiểu số.
Tổng cục Du lịch có kế hoạch gì trước mắt và lâu dài để phát triển loại hình này?
Trong chủ trương, chính sách của ngành du lịch cũng đã có những nội dung định hướng về phát triển du lịch gắn với các sự kiện thể thao. Nó được quy định tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 về phát triển du lịch thể thao biển. Nó cũng có trong Nghị quyết 103/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và cũng đặt ra nhiệm vụ về phát triển du lịch gắn với các sự kiện thể thao.
Việc Việt Nam đăng cai một trong những sự kiện thể thao đẳng cấp của thế giới là giải đua xe Công thức 1 cũng đang thể hiện chủ trương này của Chính phủ, giải dự kiến sẽ thu hút hơn 300.000 lượt khách tham dự với kỳ vọng khoảng 30% là khách quốc tế.
Xin cảm ơn bà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.