Cần có 'Dấu ấn Hàm Nghi' trên đất cố đô

09/09/2020 12:18 GMT+7

Trung tuần tháng 7 vừa qua, người dân cố đô không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến một sự kiện diễn ra trong nội thành Huế: Gần 700 thầy cô giáo cũ và cựu học sinh của Trường trung học Hàm Nghi đã tề tựu về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh để tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường. Trong số những người về tham dự có mặt một vị lãnh đạo của tỉnh, ông là cựu học sinh của ngôi trường này.

Được thành lập từ năm 1955, ban đầu trường Hàm Nghi có tên là Thành Nội và ở trong khuôn viên Bộ Học cũ. Vị hiệu trưởng đầu tiên là thầy Nguyễn Hữu Hoằng (thân phụ của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng). Thời gian đầu chỉ có 3 lớp đầu cấp 2, năm học sau do số lượng học sinh tăng, trường dời về khuôn viên của trường Quốc Tử Giám với tên gọi là trường Trung học Hàm Nghi. Chỉ sau 10 năm, đến năm học 1965-1966, Hàm Nghi trở thành một trường trung học hoàn chỉnh từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Nhất (lớp 6 đến lới 12) với 29 lớp, trong đó 20 lớp THCS và 9 lớp THPT.
PGS-TS Lê Hành, một cựu học sinh của trường, hiện là Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, cho biết trước năm 1975 Hàm Nghi là một trong 4 ngôi trường trung học công lập lớn nhất tại Huế. Tuy được thành lập sau, nhưng học sinh của trường đã có những thành tích vượt trội trong học tập và nhiều mặt hoạt động khác. Trong nhiều năm liền, rất nhiều học sinh của trường xếp hạng Tối ưu và Ưu trong các kỳ thi Tú tài. Nhiều người trong số đó đã được chính quyền cấp học bổng du học các nước như Mỹ, Pháp, Úc...
Cần có “Dấu ấn Hàm Nghi” trên đất cố đô

Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương ở Cam Lộ, Quảng Trị

Đặc biệt, đội ngũ quản lý và giáo viên của trường là những nhà giáo rất có uy tín trong ngành giáo dục thời đó tại Huế như các thầy Hồ Văn Lê, Lê Nguyên Diệm, Nguyễn Đình Phiên, Nguyễn Duy Khác, Võ Văn Dật (tức nhà nghiên cứu lịch sử Võ Hương An), Lê Hiếu Kính, Trần Đức Võ... Có những thầy cô nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật như thầy Ngô Văn Giảng (tức nhạc sĩ Văn Giảng, còn có bút danh là Thông Đạt với ca khúc bất hủ Ai về sông Tương); cô Túy Hồng - văn sĩ với nhiều tác phẩm nhân văn ở miền Nam trước năm 1975... Đặc biệt, giảng dạy tại đây còn có nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha - một lãnh đạo phong trào đấu tranh trong giới học sinh sinh viên vào thập niên 60-70 thế kỷ trước...
Bác sĩ Phan Quý Nam, cựu Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cũng là một cựu học sinh của trường, kể lại: “Tôi vào học tại trường Hàm Nghi vào năm 1958, sau đó vào học Đệ nhị cấp (cấp 3) tại trường Quốc học. Bấy giờ trường Quốc học là nơi hội tụ của rất nhiều học sinh từ các trường khác chuyển đến, trong đó học sinh của trường Hàm Nghi sang đều có những thành tích rất cao trong học tập...”.
Đến tháng 8.1975, theo chủ trương của chính quyền thành phố, trường Hàm Nghi giải tán, học sinh được phân chia sang các trường lân cận. Cơ sở này được sử dụng làm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho đến ngày nay.
Cần có “Dấu ấn Hàm Nghi” trên đất cố đô

Cựu học sinh trường Hàm Nghi tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường

Đã hơn 45 năm qua, mặc dù ngôi trường mang tên Hàm Nghi không còn, nhưng các cựu học sinh trên nhiều tỉnh thành cả nước vẫn thường xuyên gặp nhau. Họ thành lập Hội Ái hữu cựu học sinh, hằng năm đều tổ chức họp mặt để ôn lại kỷ niệm xưa, tri ân thầy cô và tương trợ nhau trong cuộc sống. Kỹ sư Lê Hiếu Hữu hiện phụ trách Quỹ giáo dục Huế hiếu học cho biết: “Xuất phát từ tình cảm đối với ngôi trường này, năm 2002, một số cựu học sinh của trường như PGS-TS Lê Hành, TS Phạm Văn Lâm, nhà giáo Nguyễn Văn Đức đã vận động để thành lập tại Huế một ngôi trường mang tên vua Hàm Nghi. Đáp ứng phần nào nguyện vọng đó, năm 2005 một trường trung học cơ sở mang tên Hàm Nghi được thành lập tại phường Tây Lộc Huế. Cựu học sinh của trường đã dựng nên bức tượng bán thân nhà vua ở trước sân trường giống như tại trường cũ. Hằng năm đều quyên góp để trao tặng học bổng và phần thưởng cho học sinh của ngôi trường mới này”.
Cần có “Dấu ấn Hàm Nghi” trên đất cố đô

Thầy cô và cựu học sinh về tham dự Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập trường Hàm Nghi

Một cựu học sinh trường Hàm Nghi, nhà báo Châu Quân, đã chia sẻ những mong muốn của ông cũng như phần lớn cựu học sinh tại ngôi trường mà họ đã trải qua thời gian trung học: “Theo tôi, với uy danh của một vị hoàng đế yêu nước như thế mà tại Huế chỉ có một ngôi trường trung học cơ sở mang tên Hàm Nghi thì chưa thực sự thỏa đáng... Ở TP.HCM có một đại lộ mang tên Hàm Nghi rất lớn ở khu trung tâm. Về giáo dục, ở Đà Nẵng đã có trường đại học mang tên vua Duy Tân thì đúng ra ở Huế cũng cần phải có một đại học hoặc một trường trung học phổ thông mang tên Hàm Nghi. Điều đó sẽ tạo nên một dấu ấn rất riêng ở một thành phố từng là kinh đô của cả nước”.
Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ hiện đang công tác tại tạp chí Xưa và Nay thì: “Với Chiếu Cần vương ban ra trong thời điểm thực dân Pháp âm mưu thống trị cả nước ta, vua Hàm Nghi chính là biểu tượng của lòng ái quốc, ý chí quật cường của nhân dân chống lại sự xâm lược và áp bức của các thế lực thực dân hiếu chiến”. Trong dịp kỷ niệm 135 năm ngày thất thủ kinh đô tổ chức ngày 13.7.2020, UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) đã khánh thành đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần vương tại căn cứ Tân Sở. Long vị của nhà vua được rước từ Thế Miếu trong hoàng thành đến Tân Sở rất trang trọng. Dịp này, cựu học sinh trường Hàm Nghi cũng đã dựng một bức phù điêu Dấu ấn Tân Sở với chân dung vua Hàm Nghi bằng đồng trước khuôn viên đền thờ này.
Một trường phổ thông trung học mang tên Hàm Nghi tại Cố đô Huế sẽ là sự kế tục của truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học mà các cựu học sinh đã đạt được. Hơn nữa, đó là một cách giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ học sinh qua tấm gương của một vị vua ái quốc. Đó là những mong muốn chính đáng, hợp tình và hợp lý.
Vua Hàm Nghi (1871-1943) lên ngôi trong hoàn cảnh đất nước hết sức rối ren, vào thời điểm thực dân Pháp sau khi lấy Nam kỳ muốn thực hiện ý đồ chiếm trọn nước ta. Ngày 20.8.1883 quân Pháp đánh chiếm cửa Thuận An, buộc triều đình ký hiệp ước chấp nhận Nam kỳ là thuộc địa, Bắc kỳ và Trung kỳ phải chịu sự bảo hộ của Pháp. Vua Hiệp Hòa chấp nhận yêu sách đó và vì thế đã bị phe chủ chiến phế truất. Sau Hòa ước Harman (1883), Pháp tiến quân trú đóng các vị trí chiến lược tại thành phố Huế, đồng thời tiếp tục lấn tới chiếm nhiều tỉnh thành phía Bắc, gây sức ép lên triều đình với những yêu sách vô lý và trịch thượng. Không thể chịu được nỗi nhục do phía Pháp gây ra, ngày 7.7.1885, phe chủ chiến do Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đứng đầu quyết định tấn công vào Tòa khâm sứ và đồn Mang Cá. Quân Pháp phản công dữ dội vào Hoàng thành, vua Hàm Nghi buộc phải xuất bôn ra căn cứ kháng chiến ở Tân Sở thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, vua đã ban chiếu Cần vương kêu gọi cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, sĩ phu khắp nơi đã đứng lên lãnh đạo nhân dân đánh giặc cứu nước. Cần vương đã trở thành phong trào kháng chiến mạnh mẽ khiến cho thực dân Pháp bao phen điêu đứng, tiêu biểu như khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám, khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật...
Sau 3 năm chịu nhiều gian khổ ở chốn núi rừng, Hàm Nghi bị quân Pháp bắt vào đêm 30.10.1888, sau đó chúng lưu đày nhà vua sang tận Algeria.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.