Cần có chiến lược phát triển

15/12/2019 09:37 GMT+7

Theo TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia (ảnh), việc phát triển sản phẩm du lịch mang nét văn hóa của điểm đến còn chưa đồng đều.

Xin bà đánh giá về hiện trạng sản phẩm du lịch mang nét văn hóa của chính điểm đến?
Về quà tặng và đồ lưu niệm, một số nơi đang liên tiếp có sản phẩm mới. Chẳng hạn, Bảo tàng Hồ Chí Minh sắp khánh thành một phòng lưu niệm có hàng trăm mặt hàng. Về tour trải nghiệm, ở Văn Miếu đã có khu vực trải nghiệm cho khách tham quan. Dinh Thống Nhất cũng đã có tour trải nghiệm đặc thù vài năm nay rồi. Họ cũng đang làm các chương trình cho giáo dục. Các trường đăng ký hiện thậm chí còn quá tải và phải xếp hàng. Bảo tàng Hội An tuy nhỏ nhưng cũng có chương trình trải nghiệm. Hoàng thành cũng có trải nghiệm cho học sinh...
Có thể nói ở nhiều nơi đã có những sản phẩm du lịch, sản phẩm quà tặng mang nét văn hóa riêng. Chỉ có điều là chưa đồng đều. Không phải nơi nào cũng có.
Theo bà, tại sao hiện trạng sản phẩm du lịch, sản phẩm quà tặng du lịch lại phát triển không đồng đều như vậy?
Việc phát triển sản phẩm phụ thuộc chiến lược của mỗi bảo tàng, mỗi di tích. Họ có quan tâm đến vấn đề đó không, họ có muốn phát triển du khách nhiều lên không, hoặc họ chưa có biện pháp cụ thể để phát triển khách. Vấn đề là phải có chiến lược, là chúng ta không hài lòng với số lượng khách, chất lượng khách hiện tại.
Bà có thể nói rõ hơn về khái niệm chất lượng khách?
Bảo tàng Hồ Chí Minh chẳng hạn, họ nói không phát triển số lượng nữa mà muốn đi vào chất lượng. Nếu không thêm khách nữa thì các điểm đến cũng đã quá tải khách, rồi ô nhiễm, rồi làm xuống cấp cơ sở vật chất. Có điểm đến rất cần thêm khách. Nhưng lại cũng có điểm đã chớm quá tải và họ cần nâng chất lượng khách, làm sao để khách có trật tự, có sắp xếp, có lựa chọn, có tổ chức hơn chứ không phải ồ ạt kéo tới.
Nếu bạn sang Anh chẳng hạn, muốn vào thăm cung điện thì có phải cứ đến xếp hàng là vào được đâu. Có khi phải đăng ký trước cả tháng.
Về hợp tác công - tư trong việc sáng tạo sản phẩm du lịch, nhà nước có thể làm gì để thúc đẩy việc đó, thưa bà?
Trong vấn đề khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng những sản phẩm văn hóa như vậy, trước hết nhà nước phải có chiến lược rõ ràng. Những doanh nghiệp nào thì có quyền tham gia, khuyến khích tham gia. Có những doanh nghiệp không khuyến khích, chẳng hạn rượu, bia, thuốc lá thì không khuyến khích tham gia vào sản phẩm bảo tàng, di tích. Nên phải có định hướng loại doanh nghiệp nào tham gia được. Sau đó, soạn thảo chính sách chi tiết từng loại doanh nghiệp để tham gia. Ví dụ, hợp tác sản xuất hàng lưu niệm thì phải đảm bảo tiêu chí nào của tôi, chẳng hạn xanh đến đâu, rồi lao động địa phương thế nào. Chứ không phải bất kỳ ai, thế nào cũng được.
Hệ thống bảo tàng Pháp chẳng hạn, họ giao cho Hiệp hội Bảo tàng quốc gia soạn thảo và thực hiện chiến lược sản xuất sản phẩm cho các bảo tàng. Hiệp hội Bảo tàng quốc gia Pháp điều tiết những cái đó. Do đó, sản phẩm không bị trùng lặp, không bị mất bản quyền. Ngược lại, lợi nhuận từ đầu tư ấy cũng sử dụng để làm những việc có ích cho chính hệ thống bảo tàng. Chẳng hạn, hiệp hội có kinh phí để tài trợ đưa triển lãm ra nước ngoài.
Xin cảm ơn bà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.