Cảm hứng điện ảnh: Chúng ta rồi sẽ chết nhưng con cháu thì sao?

06/01/2017 08:35 GMT+7

Cánh chim trong gió (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam xuất bản) của nhà báo Lê Hồng Lâm tập hợp những bài viết về điện ảnh, trong đó có cả chính kiến của Lâm với những vấn đề thời sự đất nước từ cảm hứng những bộ phim từng để lại dấu ấn cho người xem. Thanh Niên trích đăng những bài viết thú vị này.

Trong thời điểm chủ đề môi trường ở VN rất được quan tâm, nếu có thời gian, các bạn nên xem bộ phim An inconvenient truth (Sự thật phũ phàng), dù đã ra đời cách đây 10 năm. Năm 2006, phim này từng đoạt hai giải Oscar cho Phim tài liệu xuất sắc nhất và Ca khúc hay nhất (I need to wake up) cho nữ ca - nhạc sĩ Melissa Etheridge.
Con người đang tàn phá chính ngôi nhà của họ
Sự thật phũ phàng là bộ phim tài liệu vô cùng giản dị, khoảng hai phần ba thời lượng phim là cuộc diễn thuyết của cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore trước các bạn sinh viên trẻ về môi trường và sự nóng lên toàn cầu ảnh hưởng như thế nào đến trái đất. Một lượng thông tin đồ sộ được diễn đạt một cách giản dị, những bảng biểu, các thông số khoa học được trình bày dễ hiểu. Al Gore diễn giải đầy cảm hứng về một vấn đề nóng bỏng, một sự thật không mấy dễ chịu về trái đất, về môi trường sống và sự tàn phá khủng khiếp của con người lên ngôi nhà của chính họ. Đỉnh núi Kilimanjaro kiêu hãnh trong tiểu thuyết của Hemingway hơn bốn mươi năm trước còn phủ đầy tuyết trắng, giờ chỉ là một núi đá trọc. Một trong những hồ nước lớn nhất thế giới ở châu Phi giờ trơ cạn đáy. Những tảng băng ở Bắc và Nam cực càng ngày càng tan rã nhanh chóng khiến những chú gấu trắng mất đất sống và chết đuối vì không tìm được tảng băng nào đủ lớn để trú ngụ. Các thảm họa môi trường như bão tố, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán... ngày một nghiêm trọng và diễn ra khắp toàn cầu, không từ bất cứ nơi chốn nào, mà với nước Mỹ, cơn bão kinh hoàng Katrina từng nhấn chìm New Orleans năm 2005 là một trong những thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử...
Cánh chim trong gió: Chúng ta rồi sẽ chết nhưng con cháu thì sao ?
Cảnh trong phim An inconvenient truth Ảnh: IMDB
Trong cuộc tranh cử ứng viên tổng thống năm 2000, một mùa tranh cử được coi là gây tranh cãi nhất trong lịch sử tổng tuyển cử Mỹ vì gian lận kiểm phiếu, George W.Bush từng tấn công Al Gore, gọi ông là “một kẻ thần kinh luôn ám ảnh và cực đoan về môi trường”. Nếu Al Gore chiến thắng trong mùa tuyển cử năm đó, nước Mỹ có thể không có 8 năm với nhiều thảm họa dưới thời Bush và nhiều vấn đề về môi trường hẳn đã được giải quyết rốt ráo hơn.
Dù thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống năm đó, Al Gore chưa bao giờ từ bỏ việc dùng ảnh hưởng của mình để vận động các chiến dịch thay đổi môi trường, đặc biệt là khủng hoảng về khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Gore không coi những hành động của ông với môi trường là vấn đề chính trị mà là vấn đề đạo đức của con người, đặc biệt là cho các thế hệ con cháu sau này.
Trong các vấn đề xử lý thảm họa môi trường, hầu hết ở các nước, các nhà khoa học đều rơi vào khủng hoảng khi đưa ra nhận định. Gore trích dẫn câu nói của nhà văn Mark Twain cho vấn đề này: “Điều khiến chúng ta gặp rắc rối không phải là điều chúng ta không biết, mà là điều chúng ta tưởng là biết rõ nhưng thực ra chẳng phải vậy”.
Ở bộ phim nói trên, Al Gore cũng trích dẫn một câu nói của Winston Churchill, vị thủ tướng kiệt xuất của nước Anh và là một trí thức lớn, vị thủ tướng đầu tiên và duy nhất của thế giới từng nhận giải Nobel Văn chương. Trước một cuộc khủng hoảng của nước Anh, Churchill nói: “Chúng ta đang sống trong thời đại của sự chần chừ, sự nửa vời, của những kế sách rối bời, của sự chậm trễ đang đi đến hồi kết. Lúc này đây chúng ta đang bước vào thời kỳ lãnh hậu quả”.
Đúng là thời kỳ chúng ta phải lãnh hậu quả, nhất là ở VN ở thời điểm hiện tại. Chúng ta đang lãnh hậu quả nặng nề cho sự tàn phá môi trường không có điểm dừng, cho sự đầu độc lẫn nhau không có điểm dừng. Những cánh rừng ở Tây nguyên bị tàn phá không thương tiếc, những dòng sông khô hạn và nhiễm mặn ở miền Tây, biển miền Trung đang chết dần; những di sản lịch sử và văn hóa đang bị phá từng ngày, biến Hà Nội và TP.HCM trở thành hai thành phố đầy bê tông và ô nhiễm ngày một nặng nề. Những ngày này, dường như mở trang thông tin nào cũng thấy nhiễm độc và đặc biệt thức ăn nước uống gần như đều bị đầu độc bởi chính chúng ta.
Như câu nói trong sê ri phim Game of Thrones: “All men must die”. Tất cả chúng ta đều phải chết vì chính chúng ta đang tàn sát lẫn nhau, vì lòng tham, vì ngu muội, vì chúng ta chỉ biết sống cho chính chúng ta.
Trong bộ phim Sự thật phũ phàng, Al Gore cũng kể lại rằng ông suýt nữa mất đứa con trai sáu tuổi sau một tai nạn xe cộ. Và ông rút ra rằng: “Khả năng mất mát là thứ quý giá nhất tôi học được. Những gì chúng ta không trân trọng sẽ không còn lại cho con cháu chúng ta nữa”.
Tất cả chúng ta rồi sẽ chết. Nhưng còn thế hệ con cháu của chúng ta thì sao?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.