Cái tình dành cho âm nhạc dân tộc

27/09/2015 05:48 GMT+7

Ở ngôi nhà âm nhạc mang cái tên rất thơ Trúc Mai có một lớp học với niềm đam mê của nhiều người trẻ và lòng nhiệt huyết của cô giáo dành cho âm nhạc truyền thống .

Ở ngôi nhà âm nhạc mang cái tên rất thơ Trúc Mai có một lớp học với niềm đam mê của nhiều người trẻ và lòng nhiệt huyết của cô giáo dành cho âm nhạc truyền thống.

Các học viên lớp nhạc Trúc Mai đang hòa tấu bản Mấy nhịp cầu tre - Ảnh: Kim NgaCác học viên lớp nhạc Trúc Mai đang hòa tấu bản Mấy nhịp cầu tre - Ảnh: Kim Nga
Đều đặn vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, ngôi nhà của đôi vợ chồng NSƯT Đinh Linh - Tuyết Mai trên con đường nhỏ Phạm Viết Chánh (Bình Thạnh, TP.HCM) luôn tràn ngập giai điệu.
Những ngón tay đàn tuy còn lóng ngóng, có khi trật nhịp, thế nhưng, đáp lại “lỗi lầm” đó luôn là tiếng cười xòa của học trò cùng lời chỉ dẫn tận tình của cô giáo. Lớp học miễn phí trong 3 tháng (từ 15.7 đến 15.10) hằng năm của NSƯT Tuyết Mai mang đến niềm vui giản dị cho nhiều bạn trẻ.
Khi được hỏi “Lý do tìm đến lớp học này?”, hầu hết bạn trẻ đều trả lời rằng: “Yêu thích nhạc dân tộc”. Và tất nhiên, không nhiều học viên có thể cắt nghĩa được tình yêu này.
“Mình thích đàn tranh từ nhỏ, chẳng biết tại sao lại mê. Mãi đến sau này mới có điều kiện theo học. Dù hơi ít thời gian nhưng nếu thật sự muốn thì mình vẫn có thể theo được”, Lê Duy Thịnh, lớp trưởng lớp chiều chủ nhật, cho biết.
Còn Mỹ Thoa, một sinh viên đang học đàn tranh, thì bộc bạch rằng mình đã gắn bó với âm nhạc dân tộc từ những lời ru của mẹ và cô bạn yêu nhất là… nhã nhạc cung đình Huế.
“Mình thấy người Việt yêu nhạc Việt là chuyện rất tự nhiên. Ở quê nhiều khi thiệt thòi lắm, muốn học cũng không có chỗ, không có thầy cô dạy. Mình cũng ước mơ được học bài bản, về dạy lại cho mấy em chứ âm nhạc này là cội nguồn của dân tộc mình, để mất đi rất uổng”, Thoa chia sẻ.
Không chỉ học về lịch sử, nguồn gốc của các loại đàn truyền thống, nhạc lý, hòa tấu..., những bạn trẻ còn có cơ hội “va chạm” khi được cô Mai dẫn đi tham gia các buổi liên hoan văn nghệ ở phường, quận. Giải thưởng khuyến khích chỉ mang tính chất động viên, nhưng chính cảm xúc rưng rưng của khán giả khi tình cờ nghe lại những giai điệu quê hương quen thuộc như Đoản xuân ca, Bèo dạt mây trôi, Mấy nhịp cầu tre… mới là động lực để cô lẫn trò tiếp tục con đường của mình.
Ngay từ những ngày đầu, cô Mai đã xác định rằng một lớp học thật sự - nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung - không thể thiếu hai điều: đam mê và nền nếp. Với bản chất của một nghệ sĩ chuyên nghiệp, cô Mai cũng đưa ra cho bản thân những yêu cầu khắt khe khi quyết định mở “quân khu” này (cách mà cô Mai gọi lớp học của mình).
“Không phải miễn phí thì mình muốn dạy sao cũng được. Mình không thể dạy bài bản theo chương trình đào tạo chính quy trong trường vì thời gian hạn chế, nhưng việc hệ thống lại những kiến thức để nó gần gũi hơn với cuộc sống, dễ nhớ hơn lại không khó. Cách này cũng phù hợp với đối tượng học viên của lớp, ở nhiều trình độ và lứa tuổi. Mọi thứ cũng nên rõ ràng. Nhiều khi có biểu diễn theo nhà hát, rồi đau bệnh bất ngờ phải hủy lớp nhưng mình cũng nói ngay từ đầu để học trò không lăn tăn”, cô Mai cho biết.
Lẳng-lặng-mà-làm cũng là phương châm của nghệ sĩ Tuyết Mai khi với cô, cốt lõi của việc bảo tồn và phát triển lớp kế thừa chính là cái tình và cái tâm dành cho âm nhạc dân tộc. Mà cái tình hay tâm thì đâu cần lời nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.