Cải lương xã hội hóa nỗ lực để sáng đèn

Tố Tâm
Tố Tâm
07/12/2018 06:47 GMT+7

Thành lập sân khấu, dựng vở mới hay tổ chức các show diễn để nghệ sĩ có chỗ hoạt động nghề..., các sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM vẫn đang nỗ lực sống với nghề dù còn nhiều khó khăn.

Mô hình mới
Đầu tháng 11, sân khấu Chí Linh - Vân Hà chính thức công bố ra mắt và khai trương vở diễn đầu tiên Bao Công - Sát thủ hoa hồng (tác giả: Bảo Kiến, đạo diễn: Chí Linh), diễn tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM). Đây là một kịch bản hoàn toàn mới, quy tụ nhiều nghệ sĩ đang được yêu thích như NSƯT Lê Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Nhã Thy, Hoàng Hải… Nghệ sĩ Chí Linh chia sẻ: “Chúng tôi thực sự xúc động khi thấy khán phòng đông kín khán giả, đặc biệt có những khán giả ở các tỉnh, thậm chí từ Hà Nội vào để thưởng thức”.
Sân khấu Chí Linh - Vân Hà hoạt động theo hình thức mới, đó là lập nên một đoàn hát có tính tập thể, kêu gọi anh em làm theo doanh thu; sau mỗi suất hát sẽ tích lũy vốn, bỏ ra một số tiền lập quỹ để có chi phí chi tiêu, tập dượt. “Sân khấu chúng tôi làm theo nhóm tập thể, anh em chan hòa, đồng cam cộng khổ, có bao nhiêu thì mình chi trả bấy nhiêu. Tiêu chí của chúng tôi là kêu gọi các diễn viên trẻ tham gia, để lưu truyền lại những kỹ năng của cải lương cho thế hệ kế thừa”, nghệ sĩ Vân Hà nói.
Chị cũng cho biết sắp tới sẽ tiếp tục dựng các vở thuộc nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, xã hội, cận đại để mang tới khán giả “thực đơn” phong phú hơn. Dự kiến vở tiếp theo sẽ là Mắt em là bể oan cừu (tác giả Vân An), được dựng lại với những yếu tố mới để hợp với thời đại hiện nay hơn, đáp ứng được thị hiếu của khán giả.
Cải lương xã hội hóa nỗ lực để sáng đèn1
Cảnh trong vở Bao Công - Sát thủ hoa hồng Ảnh: Đinh Ngọc Vân
Mong được hỗ trợ về nhà hát

Cải lương xã hội hóa bây giờ lâu lâu diễn một lần chứ sáng đèn thường xuyên nan giải lắm

NSƯT Kim Tử Long

Nỗ lực của các sân khấu xã hội hóa hiện nay là điều dễ nhận thấy khi họ vẫn cố gắng duy trì hoạt động dù còn nhiều khó khăn. Trong Liên hoan Cải lương toàn quốc vừa qua, cải lương xã hội hóa cũng tham gia với 8 vở. Tuy nhiên sau liên hoan thì hầu hết các vở cải lương xã hội hóa lại… cất kho, chỉ riêng vở Tổ quốc nơi cuối con đường của Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM là vừa có liên tục 10 suất diễn kết hợp cùng Liên đoàn Lao động TP.HCM phục vụ công nhân, viên chức.
Điển hình như vở Rạng ngọc Côn Sơn (của Công ty TNHH dịch vụ giải trí Kim Tử Long), sau liên hoan đến giờ cũng chưa tái diễn được suất nào. NSƯT Kim Tử Long ngậm ngùi: “Đầu tư 700 - 800 triệu đồng dựng vở nhưng chỉ diễn 1 - 2 lần rồi đem cất thì uổng phí và đau xót lắm. Cải lương xã hội hóa bây giờ lâu lâu diễn một lần chứ sáng đèn thường xuyên nan giải lắm. Chỉ cần tính bài toán đơn giản: nếu đưa vào rạp Bến Thành, một trong những rạp còn đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho dựng vở, một đêm mất gần 60 triệu đồng tiền rạp, rồi tiền nhân viên, diễn viên, quần áo, thiết kế, trang trí… Bán vé giá cao thì khán giả không xem, thấp thì không thể đủ chi phí, vậy làm sao dám diễn”.
Theo NSƯT Kim Tử Long, hiện những nhà hát còn lý tưởng cho cải lương là Hòa Bình, Bến Thành, Nhà hát Thành phố thì giá thuê quá đắt (khoảng 50 - 100 triệu đồng/suất). Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang sau khi sửa chữa lại giống một hội trường hơn là rạp hát, số ghế cũng ít. Giá thuê rạp cao là một trong những rào cản khiến cải lương xã hội hóa khó thể hoạt động mạnh mẽ. “Nên chăng cơ quan quản lý giúp tạo điều kiện về nhà hát, chọn một rạp đạt chuẩn để các đoàn cải lương có thể biểu diễn thường xuyên với giá thuê rạp ở một mức hỗ trợ, như chỉ lấy chi phí điện nước khoảng 10 - 20 triệu đồng/suất, thì mới hy vọng sáng đèn thường xuyên”, NSƯT Kim Tử Long đề xuất.
Về vấn đề hỗ trợ nhà hát cho các đoàn cải lương xã hội hóa, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho biết: “Tình hình sân khấu cải lương hiện gặp khó khăn về nhiều mặt, trong đó điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm biểu diễn chưa thật sự được đảm bảo đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của loại hình nghệ thuật này. Đây là thực trạng từ nhiều năm qua của ngành sân khấu thành phố. Hiện tại, hệ thống rạp, nhà hát tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở có thể phục vụ cho hoạt động tập luyện và biểu diễn gồm: Nhà hát Thành phố, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Kịch Thành phố, Sân khấu Sen Hồng, rạp Kim Châu, Trung tâm ca nhạc nhẹ thành phố. Trong thẩm quyền, chức năng của mình, nhằm tạo điều kiện để các sân khấu cải lương ngoài công lập hoạt động thuận lợi hơn, thời gian qua Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có chính sách hỗ trợ địa điểm biểu diễn sân khấu trong nhà và ngoài trời với chi phí phù hợp đối với các đơn vị có nhu cầu. Chi phí tại các điểm diễn nêu trên với mức phí hỗ trợ đủ để đảm bảo yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật, công tác phục vụ… Các đơn vị sân khấu xã hội hóa có thể liên hệ với Phòng Nghệ thuật, Sở Văn hóa - Thể thao hoặc làm việc trực tiếp với các đơn vị trên để được hướng dẫn và trao đổi cụ thể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.