Cải lương “xả giàn”

Hoàng Kim
Hoàng Kim
08/10/2019 08:25 GMT+7

Gần đây, báo chí lẫn dư luận trong khán giả và nghệ sĩ đang sôi động vì chuyện cải lương hát miễn phí.

Người nói cần, người nói không, bảo đó là rẻ rúng cải lương. Thực tế vẫn chưa ngã ngũ về phía nào. Riêng tôi chợt nhớ những ngày thơ ấu đã được thưởng thức một “kiểu” cải lương mà xem ra có dính líu không nhỏ tới chuyện sôi động của hôm nay. Kiểu cải lương đó chính là “cải lương xả giàn” mà từ thành thị tới thôn quê đều có.
Nhiều gia đình nghèo như gia đình tôi hồi đó làm sao có tiền mua vé coi cải lương, nên cái nỗi thèm nó lớn ghê lắm, chỉ cần thấy gánh hát về quây vách tre ở nhà lồng chợ là tim tụi tôi đập thình thình rồi. Lại nghe tiếng đờn vọng cổ réo rắt, thì trời ơi chân như muốn mọc cánh mà bay ra lập tức. Thế là buổi tối tôi ẵm đứa em, rủ thêm mấy đứa bạn cùng xóm, kéo nhau đi coi cải lương. Nói coi cho nó oai, chớ thật ra chờ gánh hát xả giàn mới được nhào vô.
Gánh nào cũng hát chừng nửa tuồng là mở cửa cho người nghèo vô coi. Người lớn, con nít gì cũng được, kéo vô đứng đầy khúc sau, vì gánh hát chỉ kê ghế bán vé có một khúc thôi, còn một khúc để dành cho người ta đứng coi xả giàn. Vô trễ cũng được, nghe hát một hồi cũng hiểu, mà không hiểu cũng được, miễn trông thấy nghệ sĩ và nghe ca hát là mê mẩn rồi. Nhờ vậy tình yêu cải lương được nuôi dưỡng trong lớp khán giả mua vé lẫn người không có tiền mua vé. Và sau này, những người nghèo đó, như tôi, khi thoát nghèo đã trở lại mua vé cải lương. Tôi nghe nhiều nghệ sĩ gạo cội kể họ cũng từng có một tuổi thơ nghèo khó và đi coi “xả giàn” như vậy, sau này trở thành những ngôi sao sân khấu.
Thì ra, ngày xưa người ta đã có hình thức cải lương miễn phí rồi. Nhưng người ta không có “hát chùa”, mà có một cách làm khá hay, vừa bảo đảm doanh thu, vừa giúp người nghèo được thưởng thức nghệ thuật. Vẹn cả đôi đường.
Ngày nay, sinh viên và người nghèo muốn coi cải lương thì không có xả giàn, cũng không có khả năng mua vé, vì giá vé 200.000 - 300.000 đồng là số tiền không phải nhỏ đối với họ. Ngược lại, nếu cho xem hát miễn phí thì coi bộ cải lương mất giá. Thôi thì, chúng ta hãy ngồi lại với nhau tìm ra một cách làm nào phù hợp nhất. Cải lương cần doanh thu để sống. Cải lương cũng cần được nuôi dưỡng rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.