“Cái bẫy” của nhà văn trong ‘Nếu một đêm đông có người lữ khách'

29/05/2021 13:24 GMT+7

Tiểu thuyết “ Nếu một đêm đông có người lữ khách ” của Italo Calvino (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, Nhã Nam và NXB Văn học vừa ra mắt độc giả Việt Nam), dù nhiều năm qua luôn hiện hữu như một độc sáng trong văn chương thế giới .

 Tác phẩm “Nếu một đêm đông có người lữ khách” trước nhất là một tiểu thuyết viết về sự đọc. Ngay từ câu đầu tiên, nhà văn đã thông báo: “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới ‘Nếu một đêm đông có người lữ khách’ của Italo Calvino”. Thông thường, câu này xuất hiện ở lời nói đầu, nằm ngoài câu chuyện chính, nhưng ở đây nó là một phần của cuộc phiêu lưu sắp sửa, một cách để Calvino kéo gần người đọc lại bên mình, hay đúng hơn lôi họ vào câu chuyện, cùng họ trải nghiệm những gì mà các nhân vật trải nghiệm.
Sử dụng ngôi thứ hai số ít, Calvino như hiện diện trước mặt bạn đọc, rỉ rả tâm tình cùng bạn đọc. Ông điểm đúng huyệt của những “mọt sách”, chỉ cho họ từng chút một, lập lại những trải nghiệm mà người đọc sách nào cũng từng trải qua, từ tư thế đọc sách, khung cảnh đến hiệu sách, đối diện với những “cám dỗ” từ những cuốn sách “bạn lên kế hoạch đọc nhiều năm nay”, “bạn đã săn lùng suốt bao năm mà không thấy”, thậm chí là “sách bạn cần xếp cạnh những sách khác trên giá sách của mình”. Thoát khỏi “mê hồn trận” những loại sách đó người đọc mới tìm được đúng cuốn sách mà mình đã định mua từ đầu.

Cuốn tiểu thuyết của những mở đầu

Giờ thì bạn nghĩ xem, có phải bản thân cũng từng rơi vào trường hợp định đến hiệu sách để mua cuốn này nhưng cuối cùng lại đem về cuốn khác, hoặc mua quá nhiều nhưng không đọc. Và ở đây, Italo Calvino cho ta hay, kể cả việc đọc sách, một việc bình thường diễn ra suốt lịch sử văn minh nhân loại, một hành động nhiều người làm để giết thời gian, hay ngày nay bị xem là nhàm chán, lại thú vị và cũng lắm công phu đến thế.
Cho đến khi bạn cầm quyển sách bán muốn mua trong tay và khởi sự đọc chúng, cuốn sách bạn đã chủ đích mua, cuốn sách bạn mua vì tên tác giả, bạn mới nhận ra rằng “cuốn sách dẫu sao vẫn đọc được, không phụ thuộc vào những gì bạn từng mong đợi từ tác giả này, chính bản thân cuốn sách khơi gợi lòng hiếu kỳ của bạn”.
Nhà văn chỉ ra cái bẫy khác của sự đọc, cái bẫy mang tên hiểu biết, khi bạn tưởng mình đã nghe quá nhiều về một cuốn sách đến mức tưởng rằng mình đã đọc nó, hay bạn đọc cuốn sách chỉ vì ai cũng đọc nó hay tác giả là một người nổi tiếng, những thứ nằm ngoài văn bản. Calvino muốn nói đến sức mạnh nội tại của một tác phẩm, rằng thứ quyết định nó hay hoặc không chính là bản thân nó chứ không phải tác động bên ngoài.
Sau phần tạm gọi là giáo đầu ấy, tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” mở ra. Có một sân ga, một lữ khách, không khí bí ẩn đầy khêu gợi. Rồi chương sách chấm dứt, bạn lật sang trang, và nhận ra không có chương kế tiếp, tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” chỉ dừng lại ở đó, cuốn sách lạc sang một câu chuyện khác và độc giả nhận ra rằng mình cũng bị dẫn dụ vào mê cung của những văn bản, khi mà câu chuyện ban đầu lạc đi cho đến lúc không còn là câu chuyện ban đầu nữa, mà tất cả những câu chuyện đều là chương mở đầu.
Có thể gọi tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” là cuốn tiểu thuyết của những mở đầu, nơi câu chuyện cứ vĩnh viễn đứng yên mà không tìm được cách tiến triển hay kết thúc. Độc giả hết bị nhà văn dắt qua đoạn mở đầu của “Nếu một đêm đông có người lữ khách”, sang đoạn mở đầu của “Ở ngoại vi thành Malbork” rồi lại sang đoạn mở đầu của “Cúi mình trên triền dốc”, cứ thế, bất tận.
Giữa những chương mở đầu đó là người đọc. Ở đây, đầu tiên họ xuất hiện như những phiếm chỉ: “người đọc nam” và “người đọc nữ”. Họ tình cờ đọc được tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Calvino, cùng tò mò muốn biết phần tiếp theo của cuốn sách, hành trình khám phá phần còn lại của văn bản đưa họ xích gần nhau, cho đến khi đoạn kết không còn quan trọng nữa.
Calvino dường như muốn nhấn mạnh đến trải nghiệm đọc hay cũng có thể nói là khoái thú của việc đọc, những giá trị tinh thần, những chiều kích ngoài văn bản mà việc đọc mở ra cho ta một đời sống khác, khi mà mở đầu và kết thúc của câu chuyện không cần thiết nữa, như “thời xa xưa một câu chuyện chỉ có thể kết thúc theo hai cách: hoặc là sau khi vượt qua mọi thử thách hai nhân vật chính nam và nữ lấy nhau, hoặc là họ chết. Ý nghĩa tối hậu mà mọi câu chuyện đều gợi ra, vốn dĩ có hai mặt: sự tiếp diễn của sự sống, sự không tránh khỏi của cái chết”.
Và đến đây, văn bản cuộc đời tiếp nối văn bản văn học, khi trải nghiệm đọc cũng tiệm cận với trải nghiệm sống và chết. Vì lẽ đó, tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” vẫn tồn tại để nhắc nhở chúng ta rằng, không cần vượt núi băng rừng, bản thân hành động đọc cũng là trải nghiệm phiêu lưu vào trong tận cùng đời sống.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.