Ca sĩ Khánh Ly đài các trong tác phẩm hội họa cảm hứng từ nhạc Trịnh

Đình Toàn
Đình Toàn
01/04/2019 20:50 GMT+7

Nhiều tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ các nhạc phẩm, ca từ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được triển lãm tại căn gác nhỏ ở Huế, nơi vị nhạc sĩ tài hoa từng sống, sáng tác.

Trong các ngày từ 31.3 - 6.4, tại Gác Trịnh ở địa chỉ 203/19 Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế đã diễn ra triển lãm tranh nghệ thuật của họa sĩ ba miền Bắc - Trung - Nam để tưởng niệm 18 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Triển lãm có chủ đề “Để gió cuốn đi” quy tụ 20 tác phẩm của 7 họa sĩ đến từ Hà Nội, Huế và Cần Thơ gồm Lê Anh Hoài, Nguyễn Quốc Khánh, Lê Huỳnh Lâm, Trần Đình Phương, Hoàng Sao, Hà Minh Tuấn và Nguyễn Văn Tuyên.
Nhà văn Bửu Ý (đội mũ) cùng ông Lê Huỳnh Lâm, một trong những nghệ sĩ ở Huế khởi xướng, tổ chức và duy trì Gác Trịnh từ nhiều năm qua Ảnh: Đ.TOÀN
Phòng tranh hình thành từ tình yêu nhạc Trịnh với những tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ những nhạc phẩm, hình ảnh, ca từ trong nhạc Trịnh để rồi “hợp duyên” đầy ngẫu nhiên giữa các họa sĩ. Các tác phẩm hội họa triển lãm phần lớn được sáng tác trên chất liệu sơn dầu, một số ít từ Acrylic, được đặt tên theo ca từ trong âm nhạc của Trịnh, như: Mây và tóc em bay, Đường phượng bay, Sen buồn một mình, Từ khi em là nguyệt, Đóa hoa vô thường... Ngoài tranh, triển làm còn trưng bày một tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu nhựa tổng hợp thể hiện chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của tác giả Hà Minh Tuấn.
Nữ danh ca Khánh Ly qua tác phẩm tranh sơn dầu Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau của họa sĩ Trần Đình Phương Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Đặc biệt, trong số các sáng tác được trưng bày, có tác phẩm Sỏi đá cũng cần có nhau của họa sĩ Trần Đình Phương vẽ chân dung nữ danh ca Khánh Ly, người gắn liền với các sáng tác cũng như một phần đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là “định mệnh". Nữ ca sĩ đi vào tranh (sơn dầu, khổ 85x85cm) trong chiếc áo dài tím và mái tóc xõa trông đài các, kiều diễm, phảng phất nỗi buồn, gây bất ngờ, thu hút khá nhiều người xem.
Gác Trịnh là căn gác nhỏ nằm trên tầng 2 của một dãy nhà tập thể ở đoạn phía trước nhà thờ Phủ Cam, gần cầu Phủ Cam, là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác trong những năm tháng sống ở Huế. Nơi đây hiện được một nhóm nghệ sĩ ở Huế thuê lại làm quán cà phê mang phong cách nhẹ nhàng và cũng là nơi trưng bày một số kỷ vật, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đến dự khai mạc phòng tranh và thưởng lãm các tác phẩm, nhà văn, dịch giải Bửu Ý bày tỏ niềm vui và sự cảm động đối với tài năng hội họa và tình cảm mà thế hệ đàn em dành cho người bạn của ông, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, điều mà ông gọi đây là “cuộc hội ngộ đầy trẻ trung và đầy màu sắc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.