Ca sĩ Hương Mơ: "Giữ chút gì rất Huế đi em..."

29/04/2006 15:41 GMT+7

Giọng Huế ngọt lịm, tóc chấm ngang lưng, lên sân khấu bao giờ cũng thướt tha tà áo tím với những ca khúc về miền Trung thân yêu. 12 năm lập nghiệp ở đất Hà thành, Hương Mơ vẫn thế - như giọt mưa xứ Huế nhẹ nhàng, thâm trầm nhưng rất khó quên giữa môi trường âm nhạc đa dạng của Hà Nội.

1 Có một quãng thời gian ít thấy Hương Mơ xuất hiện trên sân khấu, nhiều bạn bè nhắn tin hỏi: "Mơ có còn đi hát nữa không?", "Mơ nghỉ hát thật sao?". Một tin nhắn được soạn sẵn để trả lời bạn bè: "Mơ không bao giờ nghỉ hát!". Lý do của sự thưa bóng là một thời gian khá dài chị "giữ giọng" để thực hiện album Mưa Huế vừa ra mắt thời gian qua sau album Về Huế đi em. Cả hai album này đều là những ca khúc về Huế, về miền Trung mà khán thính giả đã quen thuộc với cái tên Hương Mơ suốt hơn 10 năm trên sân khấu như: Đêm tàn Bến Ngự, Huế thương, Mắt Huế xưa, Rất Huế, Neo đậu bến quê...

Những ca khúc quen thuộc với một giọng hát khá quen thuộc được thể hiện với một nét mặt đầy xúc cảm. Dường như  nỗi buồn, nét khắc khổ của con người, của dải đất miền Trung được diễn tả lại trên khuôn mặt ấy. Nhưng không vì vậy mà lúc nào, bài nào chị cũng chỉ thả trôi theo xúc cảm. Chị tự nhận thấy mình "tỉnh" hơn nhiều khi hát ca khúc Đêm tàn Bến Ngự của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Hay cũng ca khúc Huế thương, ngày hôm nay chị không thể hát như cô thiếu nữ thành nội ngày nào chân ướt chân ráo đứng trên sân khấu thủ đô hát như hoài vọng về quê hương và tuổi thơ.

Với Hương Mơ, đất Huế không quá buồn như nhiều người vẫn nghĩ, và cũng không quá buồn như nhiều người đã hát. Bên cạnh những ca khúc đã ăn sâu vào năm tháng như Giã từ cố đô, Đêm tàn Bến Ngự, Huế xưa, Mưa trên phố Huế... Hương Mơ đã tự "cân đối" mình khi tiếp tục tìm kiếm những ca khúc về Huế của hôm nay như Mắt Huế xưa, Ngược dòng Hương Giang, Dòng sông ai đã đặt tên... để đem đến cho khán giả những hơi thở mới. 

"Bởi lẽ nào, người ta biết Huế cũng chỉ là những bài ca của một miền hoài niệm với những thâm trầm u uẩn, với những xa cách, lưu lạc mà không biết rằng, Huế ngày hôm nay vui và nhộn nhịp hơn nhiều?". Có lần tôi đùa rằng bởi chị nhìn Huế bằng con mắt của một... đạo diễn nên mới suy nghĩ như vậy chứ bình thường nhắc đến Huế, ai cũng đều nhớ đến những điệu hò, những lời ca man mác. Chị phản ứng: "Chị học đạo diễn cũng là để làm phim ca nhạc chứ có phải làm phim giả tưởng đâu!". Hương Mơ là thế, nhẹ nhàng đấy nhưng rất thẳng thắn, dịu dàng mà lại rất mạnh mẽ. Ẩn giấu bên trong dáng vẻ khéo léo ngày thường là một cô gái chịu khó trong cuộc sống, kỹ tính trong nghề nghiệp và tự trọng trong tất cả các mối quan hệ nên không bao giờ muốn người khác phải nhìn mình với một con mắt ái ngại.

Huế bây chừ là một câu chuyện xứ Huế được kể bằng những ca khúc xuyên suốt từng thời điểm lịch sử qua tiếng hát Hương Mơ. Hương Mơ thể hiện mình với một vai trò 3 trong 1: ca sĩ, tác giả kịch bản và đạo diễn với mong muốn có một sản phẩm thật ý nghĩa để tri ân với quê hương xứ Huế của mình. Hương Mơ cho biết, những cảnh quay không đơn giản chỉ mang tính minh họa mà gắn rất chặt với nội dung ca khúc, đi sâu vào những nét đặc trưng của văn hóa Huế và tính cách của con người Huế, dù đó là một người đạp xích lô, một cô nữ sinh Đồng Khánh hay là một người bán hàng rong. Hiện tại, ê-kíp chương trình đang gấp rút chạy đua để kịp hoàn thành vào dịp Festival Huế 2006.
2 Đó cũng là lý do tại sao hai năm đầu theo học nghề đạo diễn ở trường ĐH Sân khấu  - Điện ảnh Hà Nội, Hương Mơ khép mình lại, không liên lạc với bạn bè, không tiếp xúc với nhiều người. Dù bao lời đồn thổi xung quanh việc Hương Mơ kiên quyết thôi học ở Trường Cao đẳng Văn hóa - nghệ thuật Quân đội đã lắng lại nhưng chị muốn mình được yên để bắt đầu với môi trường mới. Sau một thời gian về Huế, chị quyết ra lại Hà Nội ôn thi vào ĐH Sân khấu-điện ảnh.

Trong hai năm ấy, một ca sĩ đã nổi tiếng đã sống một cuộc sống... rất khó tin. Với một khoản tiền khiêm tốn từ thời đi hát khi còn học ở trường Nghệ thuật Quân đội, chị trang trải sinh hoạt hằng ngày ở đất Hà thành khi trở lại. Không liên lạc với bạn bè, đồng nghiệp nên chị không đi hát, cũng không xin tiền ba mẹ. Mùa đông, chăn không có để đắp, chị chỉ đắp bằng chiếc áo măng-tô để xua bớt cái lạnh của Hà Nội. Đến bữa, nấu một niêu cơm, chờ cho những người bạn cùng phòng đi ăn cơm hết chị mới giở nắp ra, ăn cơm với... muối. Rồi dần dần, bạn bè cũng biết chỗ ở của chị, lần ra số điện thoại và rất nhiều lời mời Hương Mơ trở lại sân khấu.

Nhiều lời mời, và dù cuộc sống còn khó khăn, và dù đi hát nhiều cũng chẳng có gì xấu, nhưng không phải show diễn nào Hương Mơ cũng nhận lời. Đấy cũng tại vì  chị suy nghĩ một điều giản dị: ca hát mới là nghề chị theo suốt đời. Mà nghề đã theo đến suốt đời thì Hương Mơ không muốn sau này khi đi một quãng đường nhìn lại, chị thấy rằng "con bé đó ngày xưa vì tiền mà một đêm chạy đến 2-3 show, hết chương trình này sang phòng trà nọ". Bây giờ, ngay cả việc làm album, chị cũng không muốn mình cứ ồ ạt tung đĩa ra mà khán giả không nhớ đến một cái nào. Lặng lẽ hát, chắt chiu từng nốt nhạc đến khi nào tự mình nhận thấy "thế này cũng được rồi" thì chị bắt đầu trình làng sản phẩm của mình.

Hương Mơ có một thói quen là buổi trưa dù gì cũng phải tranh thủ ngủ 1-2 tiếng để giữ giọng, dù tối hôm đó chị có đi diễn hay không. Hôm tham gia chương trình "Con đường âm nhạc" với nhạc sĩ Thuận Yến, suốt 7 ngày, chị gần như gác mọi công việc, 2 ngày trước khi tham gia chương trình tắt điện thoại và dành thời gian cho việc... ngủ. Một lần, khi đi lưu diễn ở Đức, ngồi trên máy bay hơn 10 tiếng đồng hồ mà không ngủ được, rồi đi ô tô hơn 3 tiếng nữa, tới nơi phải diễn luôn, chị cứ lo nơm nớp: "Không phải lúc nào cũng có điều kiện để hát cho kiều bào nghe, nếu nhỡ giọng có vấn đề thì thế nào đây?". Tối hôm đó, khi hát xong ca khúc Huế, tình yêu của tôi của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả hải ngoại, chợt có một cô gái đứng dưới sân khấu tặng chị chiếc kẹo sôcôla màu tím. Mắt cô gái rưng rưng, cô nói: "Mơ, chị Hương nhà cô Mai nè". "Chị Hương" chính là Jazzy Dạ Lam, con gái của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Sự bất ngờ cảm động nơi đất khách khiến sau đó trở lại sân khấu chị hát quên cả mệt mỏi.

3 Học đạo diễn, đang làm việc tại Ban văn nghệ Đài Truyền hình VN, công việc khá bận bịu, nhiều người hỏi Hương Mơ ưu tiên cho điều gì: làm đạo diễn, ca sĩ hay chọn cả hai, chị bảo: "Cả hai. Nhưng ca hát mới là chính. Giữ giọng từng ngày một cũng để cho nghiệp hát được lâu dài và làm đạo diễn cũng phục vụ cho ca hát bởi hướng đi của tôi là trở thành một đạo diễn phim ca nhạc". Một quãng đường ca hát, Hương Mơ nhận thấy hình ảnh có một vai trò lớn trong việc tôn giá trị bài hát. Hiện nay, chị đã thực hiện được một số chương trình ca nhạc trên sóng truyền hình. Và sắp tới Hương Mơ sẽ đạo diễn một VCD ca nhạc với tên gọi Huế bây chừ qua giọng hát của chính mình. Chương trình này do Hương Mơ viết kịch bản và cùng đạo diễn với đạo diễn Đông Hồng (Công ty nghe nhìn Thăng Long). Hiện tại, Hương Mơ đang gấp rút hoàn thành album này để kịp trình làng vào dịp Festival Huế năm nay.

H.N.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.