Ca hát 'nhường sân' cho gameshow trí tuệ

25/03/2020 06:43 GMT+7

Những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát trên sóng truyền hình ngày càng được thay thế bởi các gameshow trí tuệ, chia sẻ cảm xúc...

Giọng hát Việt (The Voice) mùa 6 đã khép lại hồi giữa năm 2019 nhưng đến nay, nhà sản xuất chương trình chưa đăng tải bất cứ thông tin tuyển sinh nào cho mùa mới. Ngay đại diện truyền thông của nhà sản xuất này cũng chưa biết Giọng hát Việt có được triển khai trong năm nay nữa hay không.
Cùng với Giọng hát Việt lên sóng VTV3 từ năm 2012, hàng loạt chương trình truyền hình thực tế, trong đó có mục tiêu tìm kiếm tài năng âm nhạc, “bùng nổ” trên sóng truyền hình như: Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Tìm kiếm tài năng âm nhạc Việt Nam (Vietnam’s Got Talent), Nhân tố bí ẩn (X - Factor), Dự án số 1 (The Debut), Giọng hát Việt nhí (The Voice Kids), Thần tượng âm nhạc nhí (Vietnam Idol Kids), Ca sĩ bí ẩn, Nhạc hội song ca, Hãy nghe tôi hát, Người hát tình ca… Nhưng hầu hết những chương trình này đều chỉ tồn tài vài năm và đến giờ đều ngưng (hoặc tạm ngưng) sản xuất.

Chuyên môn không được chú trọng

Thực tế, những chương trình như Vietnam Idol, Vietnam’s Got Talent, The Voice, X - Factor đều mua bản quyền từ các chương trình ăn khách của nước ngoài, tuy nhiên, khi đưa về Việt Nam thì khó kéo dài được “tuổi thọ”. Có thể lý giải một phần do khán giả “bội thực” với quá nhiều chương trình truyền hình thực tế, gameshow ca hát phát liên tục trên sóng truyền hình, cùng với đó là thiếu nguồn thí sinh (thậm chí thi rớt cuộc này lại sang cuộc khác tìm cơ hội) lẫn giám khảo.
Những năm gần đây, nhiều chương trình cố tình tạo lùm xùm để gây chú ý nhưng cũng không “cứu” nổi tỷ lệ rating sụt giảm. Những thí sinh bước ra từ những chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng ca hát ngày càng mờ nhạt. Khán giả thậm chí không nhớ nổi mặt và tên quán quân của các chương trình. Lý do cũng bởi chất lượng thí sinh thấp, bên cạnh hiệu ứng chương trình kém. Sau khi tham gia làm giám khảo chương trình Giọng hát Việt năm 2015 và 2019, ca sĩ Tuấn Hưng tuyên bố anh sẽ không ngồi ghế giám khảo chương trình này nữa. Nói về tình trạng các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát “teo tóp” dần, Tuấn Hưng cho biết: “Mỗi năm có hàng chục chương trình, gameshow như thế diễn ra. Tài năng chưa kịp sinh sôi, tất nhiên chất lượng của chương trình cũng bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Theo nhà sản xuất Nguyễn Hòa: “Có quá nhiều cuộc thi âm nhạc nên việc thoái trào là điều đương nhiên. Các bạn trẻ có đam mê nhưng thực sự chưa đủ tài năng, cũng như các nhà sản xuất can thiệp quá sâu vào cuộc thi nên sự quan tâm về mặt truyền thông được đẩy lên cao hơn chuyên môn. Thêm nữa, các chương trình càng về sau càng thiếu chất lượng, từ thí sinh đến ban giám khảo lẫn sự đầu tư, tất cả đều không đủ tầm để tồn tại”.

Chương trình trí tuệ “lấn sân”

Nhà sản xuất Nguyễn Hòa cho rằng trong khi gameshow về ca hát không còn hấp dẫn thì những chương trình thiên về trí tuệ, chia sẻ cảm xúc được khán giả đón nhận hào hứng, bởi cùng tính chất giải trí, người xem lại biết thêm kiến thức, những điều kỳ thú.
Ngay khi kết thúc mùa 1, Siêu trí tuệ Việt Nam tiếp tục tuyển sinh mùa 2 để lên sóng trong năm nay. Một gameshow thử thách trí tuệ người chơi khác vừa được ra mắt trên VTV3 tháng 2 năm nay là Chọn đâu cho đúng (được mua bản quyền từ chương trình Crush của kênh RTVE, Tây Ban Nha). Trước đó, Tường lửa - phiên bản Việt của chương trình The Wall đến từ NBC (Mỹ) phát trên kênh VTV3 (tháng 10.2019) cũng thu hút công chúng không chỉ bởi giải thưởng cao (có tập hơn 6 tỉ đồng), mà còn mang đến những kiến thức bổ ích, khoảnh khắc giàu cảm xúc và cả giá trị nhân văn (như giải thưởng được nghệ sĩ Đại Nghĩa dùng cho dự định xây cầu, hỗ trợ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở miền Tây…).
Theo nhạc sĩ Hoài An, các gameshow về trí tuệ nêu trên hay chương trình chia sẻ cảm xúc (như: Thiếu niên nói, Con nhà người ta, Cơm ấm nhà mình, Cha mẹ thay đổi…), bản thân định dạng đã mang lại sự khác biệt thú vị, kích thích sự tò mò về mặt tâm lý tuổi mới lớn lẫn khâm phục các thí sinh tài năng; thậm chí vài gameshow còn tạo hiệu ứng cực tốt về sự tự hào dân tộc, trí tuệ Việt Nam với người xem. Nhìn lại đến nay, chẳng phải một chương trình thuần về trí tuệ và là biểu tượng của nhiều thế hệ học sinh như Đường lên đỉnh Olympia vẫn được yêu thích đó sao? Hay 15 năm với muôn trùng kiến thức mà Ai là triệu phú cung cấp cho khán giả cũng đủ thấy sức hút của gameshow thử thách trí tuệ này. “Chính vì thế giữa mớ hỗn độn về giải trí, các nhà sản xuất cần phải biết đâu là thế mạnh để tồn tại”, nhà sản xuất Nguyễn Hòa nhận định.
“Về định dạng (format) gameshow, nhiều chương trình ca hát na ná nhau, thậm chí có vài chương trình “cóp nhặt” ý tưởng dẫn tới format khó bảo toàn được tính độc đáo, hoặc càng làm dài càng đuối. Về người chơi, người “hot” thì không mới và người mới thì chưa “hot”, dẫn đến nhiều chương trình nhưng ít có tài năng đột phá. Các chương trình cũng “cày xới” liên tục trong khi các tài năng tương lai chưa kịp phát triển, định hình. Điều này còn liên quan đến vấn đề phát hiện, đào tạo tài năng mới. Chiến thắng một gameshow đã khó, sau chiến thắng phải làm gì để thực sự “sống được” trong giới làm nghề chuyên nghiệp còn khó hơn”.
Nhạc sĩ Hoài An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.