Cá biệt tượng 'vật tổ'

22/05/2018 06:10 GMT+7

Việc xuất hiện hàng loạt bức tượng linh vật chó trang trọng tại các nút giao ở trung tâm H.Tây Giang (Quảng Nam), nơi 98% đồng bào là người Cơ Tu, khiến không ít người ngạc nhiên.

PV Thanh Niên ghi nhận có ít nhất 5 tượng đá tạc hình chó được dựng tại trục đường chính của trung tâm hành chính huyện và dọc tuyến đường dẫn vào Làng truyền thống du lịch sinh thái Pơmu (xã A Xan).
Con chó chỉ đơn thuần là vật tổ của tộc họ Z’râm, nên không thể đại diện là “tổ tiên” cho tất cả đồng bào Cơ Tu
Già làng Bh’riu Pố
Bên dưới tượng đá, có bài thơ tạc trên phiến đá cẩm thạch màu đen, ghi rõ tác giả là Quanh Lê, có tựa Năm Tuất dựng tượng Tổ với những câu thơ như sau: Xưa câu chuyện kể rằng/Tổ tiên người Cơ Tu/Sinh ra từ Cha Chó/Nay có họ Z’râm/Dù chỉ là truyền thuyết/Trần gian nào ai hơn/Chung thủy nhất với người/Chắc chắn chỉ loài chó/Cơ Tu nhớ cội nguồn/Dựng tượng thờ Tiên Tổ/Hạnh phúc hay gian khó/Yêu thương con Chó hiền.
Ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, cho biết các tượng đá này được làm từ đề nghị của các già làng Cơ Tu, sau đó địa phương đưa ra một số biểu tượng để các cụ chọn. “Hình tượng do đồng bào mình chọn. Còn con chó trên biểu tượng nhà làng truyền thống gươl khác với con chó chọn để tạc tượng, vì mỗi hình thì phải mỗi khác, cũng như sự khác biệt giữa người này và người kia”, ông Bhriu Liếc giải thích thêm.
“Không nên dựng tượng chó tràn lan”
Trong khi đó, già làng Bh’riu Pố (ở thôn Rớh, xã Lăng, H.Tây Giang) lại cho rằng câu chuyện về “cha chó” cũng chỉ là truyền thuyết và có thể không có thật. Vì thế, nếu có dựng thì chỉ nên dựng ở một vài điểm nào đó thật phù hợp như trước nhà mồ, gươl... Việc lạm dụng dựng tượng tràn lan là không cần thiết.
Theo ông Bh’riu Pố, truyền thuyết về “cha chó” được kể lại có nội dung giải thích về nguồn gốc khai sinh loài người sau một trận đại hồng thủy, theo quan niệm của đồng bào Cơ Tu, chứ không phải con chó là tổ tiên của người Cơ Tu như dư luận lầm tưởng. “Ở khía cạnh khác, con chó chỉ đơn thuần là vật tổ của tộc họ Z’râm, gắn với nhiều câu chuyện văn hóa liên quan đến tộc họ này, nên không thể đại diện là “tổ tiên” cho tất cả đồng bào Cơ Tu”, ông Bh’riu Pố nói thêm.
Trả lời Thanh Niên, ông Tôn Thất Hướng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa Sở VH-TT-DL Quảng Nam, cho biết theo nền văn hóa bản địa của người Cơ Tu, việc điêu khắc các linh vật phải được thể hiện lên gỗ chứ không sử dụng chất liệu bằng đá. “Khi điêu khắc trên tượng gỗ, các nghệ nhân Cơ Tu như thổi hồn của người Cơ Tu vào đó. Tượng gỗ mà nghệ nhân Cơ Tu sáng tác không mô phỏng tả thực, tả thực quá thì sẽ không đúng với bản sắc văn hóa của đồng bào”, ông Hướng nói và cho biết tượng điêu khắc từ ý tưởng một truyền thuyết dân gian mà “thật” quá thì lại không còn chất dân gian nữa. Nói về truyền thuyết hình thành đồng bào Cơ Tu và việc chọn linh vật con chó để dựng tượng "tổ tiên", ông Hướng nhận định: “Có truyền thuyết họ Z’râm được sinh ra từ một con chó. Đây chỉ là truyền thuyết dân gian mà thôi. Còn việc thể hiện ra mặt thờ cúng thì không có. Đồng bào Cơ Tu không thờ cúng vật tổ. Việc sáng tạo nên một tác phẩm văn hóa mà xa lạ với cộng đồng thì không thể chấp nhận được”.
Lý giải về nguồn gốc người Cơ Tu
Trong cuốn Văn hóa người C’tu của tác giả Bh'riu Liếc (hiện là Bí thư Huyện ủy Tây Giang), nguồn gốc của người Cơ Tu được diễn giải theo truyền thuyết, cho rằng người Cơ Tu hình thành sau một cơn đại hồng thủy. Lúc ấy trên mặt đất chỉ còn một cô gái và một con chó đực sống sót; qua thời gian, cô gái và chó trở thành vợ chồng bất đắc dĩ, sinh con đẻ cái trong túp lều tranh... Tuy nhiên, tác giả Bh'riu Liếc cũng dẫn ra giả thuyết khác về nguồn gốc của người Cơ Tu (theo các cụ cao niên): Gốc gác người Cơ Tu ở Bắc Trung bộ, khoảng ở vùng cửa khẩu Cha-lo Quảng Bình ngày nay, vì phải chạy “giặc ong” nên vào Khu bảy - Tây Giang định cư đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.