Bưu thiếp từ sơn thôn - Truyện ngắn của Đỗ Đức Anh

'Sự việc bắt đầu khi K - một ca sĩ trẻ tuổi nổi tiếng liên tục bị một fan cuồng theo dõi và gây rắc rối. Mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi hàng loạt những người có liên quan đến cô bị sát hại bằng hung khí duy nhất: lửa. Trước khi thiêu cháy nạn nhân, hung thủ đều cho phát một đoạn từ bài hát do chính K sáng tác và biểu diễn…'.

Tôi nhổm dậy khỏi sofa, lật thêm một trang nữa. Và khi nhận ra nội dung cuốn tiểu thuyết trinh thám không liền mạch, tôi hét lớn:
- Moon, con lại xé sách của bố để làm khăn ăn à?
- Đâu có! - Con bé cong môi lên chống chế.
- Sao sách của bố lại mất trang 18?
Buổi tối cuối tuần của bố con tôi kết thúc như thế đấy!
Kể từ ngày N ra đi, mặc cho nỗi buồn hiện hữu trong từng tế bào, tôi đang cố bình ổn cuộc sống dù có lúc vẫn chưa thực sự bỏ được thói quen thông cống khi tóc N rụng làm tắc nó. Con gái tôi vẫn ngây thơ ao ước ở thiên đường có rắc rối để người ta “trục xuất” mẹ về lại đây ở với nó. Nhưng căn bệnh ung thư vú của N giúp tôi nhận ra một sự thật khi con người ta vẫn còn trên đời, tưởng rằng thời gian còn dài và còn nhiều cơ hội. Thực ra, cuộc đời là một phép trừ, gặp nhau một lần là ít đi một lần. Và hóa ra đậm sâu cũng không thể bên nhau một đời… Cùng với Moon, tôi thích nghi dần với việc không có N bên cạnh giống như một mùa lạnh tràn về phải tự mua áo ấm, tự đan găng tay len. Việc không có ai đó ở bên rồi cũng sẽ trở nên bình thản như một chuyến tàu đến ga, người này phải xuống, người kia tiếp tục đi tìm mặt trời phía xa.
Tôi nhờ công ty môi giới rao bán căn nhà do chính tay hai vợ chồng xây đắp, yêu cầu người chủ mới đừng phá bỏ giàn hồng leo trĩu bông mà N trồng ngoài vườn làm vòm che cho cái xích đu màu trắng. Tôi không chắc người chủ mới sẽ tôn trọng yêu cầu của mình nhưng vẫn muốn giữ lại cho N nguyên vẹn mọi thứ.
Hôm kéo va li rời căn nhà, dẫn theo con gái nhỏ, tôi đứng bần thần ở cổng rất lâu, buồn đến rụng rời, như thể bỏ lại cả cuộc đời ở đó. Moon bỏ lại hết những món đồ chơi đắt tiền, chỉ mang theo bộ tóc giả của mẹ.
***
Cha con tôi chuyển đến thị trấn trên thảo nguyên này vào đúng mùa hoa mơ nở, quyết định sống hết phần đời còn lại ở đây thật an yên. Bằng tất cả hào hứng còn sót lại của cuộc đời, tôi dựng một căn nhà gỗ - ước mong bên trong sẽ là bình yên còn cay đắng bão giông ở ngoài cửa, mở một hiệu sách nhỏ - đặt tên là Compass, viết lách cho một số tạp chí về chuyên ngành kiến trúc để kiếm sống, tập làm loại bánh ngon tuyệt mà N dạy cho Moon ăn - dù nó luôn dở tệ bởi được làm từ bàn tay của gã đàn ông vụng về, trồng mấy cây trà xanh để nấu nước uống vì N bảo nước này ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư. Còn con gái tôi thì nuôi một con nhện gầy. Theo một cách nào đó, nó tin rằng nọc độc của nhện có thể điều chế được thuốc chữa ung thư, thậm chí là cả vắc xin ngừa Covid-19.
Thật ra, tôi đến nơi này vì Moon. Chúng tôi bỏ nhà đi theo Nobita hay là chạy trốn ký ức, cho đến giờ tôi vẫn không thể khẳng định được. Moon nói nó đọc được trong truyện Doreamon, nhớ có đoạn Nobita bỏ nhà đi đến một ngôi làng tịch mịch trên núi vắng. Rồi sau một đêm mùa đông, cả ngôi làng chìm trong tuyết trắng xóa, đẹp như cổ tích. Con bé muốn sống ở một nơi như thế nhưng ở cái xứ nhiệt đới này, tôi không tìm được ngôi làng nào như vậy cả. Chỉ có nơi này, mùa xuân hoa mơ nở trắng núi đồi như tuyết vậy.
Bên ô cửa sổ của hiệu sách, tôi đặt cây đàn piano và treo bức ảnh chụp khoảnh khắc N cười rạng ngời ở đó, cô ấy sẽ nhìn thấy mấy cây trà xanh mà tôi trồng lớn lên từng ngày và ngắm nhìn mặt trời phản chiếu trên cái hồ nhỏ màu xanh lục bảo phía chân núi. Moon không tin sẽ có vị khách nào ghé qua hiệu sách trên cái thảo nguyên buồn tẻ của bố, nó muốn nghỉ học lớp 1 để mở một quán bán trứng lòng đào, mứt mơ và bánh mì que. Sau cùng vì không có vốn nên nó đành nhượng bộ để tôi mở hiệu sách nhưng phải để nó đặt tên. Nó chọn cái tên Compass nghĩa là La Bàn vì muốn định vị cho thiên thần tìm được chỗ yên tâm trú chân khi bay mỏi cánh. N cũng là một trong số những thiên thần, nó tin thế.
Hơn một tháng sau ngày khai trương, Compass mới đón vị khách đầu tiên. Tiếng chuông gió trên cửa hiệu kêu leng keng. Một người phụ nữ xinh đẹp bước vào, gõ gót giày xuống tấm thảm màu rượu chát ở cửa. Bên ngoài, trời lất phất mưa… Cô mua cuốn tản văn của một tác giả trẻ và một tấm bưu thiếp rồi ngồi xuống chiếc bàn đối diện cửa sổ. Tôi chú ý đến vị khách nữ không hẳn vì cô xinh đẹp mà vì vẻ ngoài của cô có vẻ mệt mỏi.
- Trông em khá mệt, như kiểu em vừa đi tập gym lần đầu tiên trong đời về vậy - Tôi đặt một ly nước trà xanh mới nấu lên bàn mời vị khách.
Cô nhấp một ngụm trà, mắt rời khỏi cuốn sách, ngước nhìn tôi và mỉm cười:
- Em không định ghé vào đây, nhưng em vừa chạy một đoạn rất xa để trốn cơn mưa. Mà, anh không định tán tỉnh tôi bằng ly trà đấy chứ?
Tôi hơi bối rối trước câu hỏi đùa của cô, không biết phải trả lời thế nào cho hài hước. Nhưng hình như cô không quan trọng câu trả lời của tôi lắm nên lại hỏi tiếp:
- Anh biết chơi piano à?
- À không, vợ tôi, cô ấy là nhạc sĩ.
- Bức ảnh kia, chị ấy đẹp thật! - Cô ta giơ một ngón tay có móng sơn màu đen chỉ về phía cửa sổ.
Tôi cảm thấy thời gian ngưng đọng vĩnh viễn trên tấm hình, trên khuôn mặt và nụ cười của N.
***
Từ hôm đó, hôm nào cô cũng đến. Sự chừng mực, khiến tôi không dám hỏi tên vị khách quen. Có hôm cô đến vào buổi sáng, cũng có hôm đến vào lúc chiều muộn, mà chẳng mua gì, chỉ ngồi đọc cuốn tản văn hôm trước đã mua. Nếu đọc nhanh, có lẽ cô đã đọc hết cuốn đó cả trăm lần rồi mới phải. Hôm nọ, cô đến ngay lúc cha con tôi đang chơi trò hỏi xoáy đáp xoay.
- Theo bố, chó có bị bệnh viêm đường hô hấp không? - Giọng Moon đầy hào hứng và thách thức.
- Nếu nó hút thuốc lá, thì bố nghĩ là có?
- Bố nghĩ khủng long mà đánh rắm thì tiếng phát ra sẽ to cỡ nào?
- Bố nghĩ là khá to đấy!
- Bố ơi, chúng ta ăn thịt gà rồi thì ai sẽ nhận nuôi đàn con của nó?
Cô ta phá lên cười khi nghe đến đây và quyết định chen ngang câu chuyện:
- Suốt thời thơ ấu, cô luôn không hiểu vì sao bọn chim sẻ lại không bị điện giật khi đậu trên dây điện. Nhưng giờ thì cô biết rồi. Cô nghĩ có những câu hỏi, cháu sẽ biết khi lớn lên. Đừng làm khó bố cháu nữa.
- Thế cô có biết vì sao cháu không cho bố uống cà phê không?
- Cô chịu thôi.
- Vì trong một ly cà phê có 85 miligram cafein, cứ 200 miligram có thể gây khó thở.
- Ồ, vậy cô cũng phải bỏ thói quen uống cà phê thôi.
- Vâng, nên thế ạ. Cô biết không, thật ra bố cháu là người đàn ông dịu dàng và ấm áp. Cô có cưới bố cháu không?
Tôi phải gạt đi và đuổi con bé vào phòng đọc sách khi nhìn thấy vẻ ái ngại trong ánh mắt của cô.
- Xin lỗi cô. Con bé ngây thơ mà vô phép quá!
- Con bé dễ thương mà.
- Cũng vì con bé còn nhỏ và dễ thương quá nên bây giờ có ai hỏi tôi khi nào thì tái hôn, tôi không biết bao giờ mới có câu trả lời cho họ nữa.
- Anh có lãng quên được chị ấy chưa?
- Lãng quên nghĩa là khi nghe một bài hát cũ, đi lại con đường cũ, vào một góc quán cũ, lật lại tấm hình cũ, chúng ta không còn rơi nước mắt, không có ký ức nào ùa về rưng rưng và thấy lòng bình thản như một làn mây lơ lửng giữa trời xanh. Tôi không làm được như vậy!
Đôi mắt cô quét qua bức ảnh trên khung cửa sổ, giọng nói đột nhiên trở nên trầm đục:
- Ai đó đến bên hay rời đi trong nhân gian đều là do duyên phận. Nhưng tôi nghĩ anh cần thêm một chút hào hứng cho cuộc đời mình.
- Phải đấy, tôi nghĩ mình buồn đủ rồi, mình phải hạnh phúc thôi.
- Đến một lúc nào đó, điều chúng ta sợ nhất không phải là ly biệt hay sự cô đơn nữa. Chúng ta sẽ sớm thích nghi được với việc đi về một mình, tự vỗ về nỗi nhớ, tự an ủi nỗi buồn, tự bước qua sự trống trải mà không cần một bàn tay hay nụ cười nào nâng đỡ.
- Cô nói cứ như một chuyên gia tâm lý ấy nhỉ? - Tôi cố pha trò để mình không trở nên thảm hại trong mắt người phụ nữ khác - Nhưng mà thật ra tôi không cô đơn như mọi người nghĩ.
- Khi rừng cây non xanh từng qua một trận cháy lớn, nhìn thấy cơn mưa đầy trời cũng vẫn sợ khô héo như mùa hạn… - Cô cười mỉm, vén lọn tóc mai lòa xòa trước mắt, buông một câu đầy tính ẩn dụ.
Buổi trà chiều hôm đó, chúng tôi còn nói rất nhiều. Lần đầu tiên có người để tôi nói nhiều điều như vậy về cuộc sống gà trống nuôi con của mình. Nhưng tôi vẫn chưa hỏi tên cô ấy…
***
Buổi sáng đầu tuần, bản tin thời sự trên ti vi liên tục đưa tin về số ca tử vong vì Covid-19 và diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 ngoài Biển Đông. Đặt đĩa bánh nướng và một ly sữa trên bàn cho con gái, tôi cố tỏ ra chu đáo:
- Tôi không biết bữa sáng giản dị như thế này có làm thỏa lòng cô không, thưa công chúa?
Mắt vẫn dán vào ti vi, con bé hỏi lại nhưng vẫn không giấu được sự hờ hững với món bánh. Con bé thích bánh nướng, nhưng không phải là bánh nướng tôi làm.
- Mấy hôm nay cô ấy không đến bố nhỉ? - Con bé bẻ câu chuyện sang một hướng chẳng liên quan gì.
- Ai cơ? - Thật ra tôi biết con bé muốn nhắc đến ai, nhưng vờ như ngơ ngác.
Moon cười toe toét, nụ cười phảng phất nét duyên của N:
- Cô ấy tên là Gió. Con nghĩ bố muốn biết tên cô ấy nên hỏi giúp rồi.
Bạn sẽ không bao giờ tin một cô bé 6 tuổi lại đọc vị được mình như vậy phải không.
- Bố nghĩ đấy chỉ là biệt danh thôi. Mà con hỏi cô ấy khi nào? - Tôi hỏi vì sự tò mò không cất đi đâu được.
- Cái hôm bố chạy đi mua thịt gà về nấu cà ri ấy, cô ấy đến và bọn con nói với nhau về hành trình di trú của loài cua đỏ… và về mẹ.
***
Ba tuần sau vẫn không thấy cô ấy xuất hiện, tôi đã có ý nghĩ về sự mất tích của cô gái có đôi mắt to như chứa cả một biển hồ trong đó.
Tiếng chuông gió ngoài cửa hiệu sách rung lên. Không phải cô ấy. Người đưa thư xuất hiện với một bưu phẩm trên tay. Moon nhanh nhảu chạy ra. Con bé có vẻ tò mò về người gửi hơn là bên trong bưu phẩm có gì, cả tôi cũng vậy.
Với tất cả sự bàng hoàng, tôi phải nhìn lại cả trăm lần vẫn không tin vào mắt mình.
From: N
Chưa bao giờ tôi run rẩy và lóng ngóng đến vậy khi mở thư của ai đó như hôm nay.
Bên trong là một hợp đồng có chữ ký của N và cái nơ kẹp tóc màu xanh và một đôi vớ cũng màu xanh. Còn có một tấm bưu thiếp chụp cảnh một ngôi nhà gỗ nhỏ nằm bên hồ. Từ đâu đó, niềm xúc động dâng lên trong mắt, mắt tôi nhòe đi khi thấy nét chữ của N sau tấm bưu thiếp.
“Anh đang khóc, phải không? Đừng như vậy mà! Ngày em lên bàn mổ cắt bỏ hai bầu ngực, em vừa sợ đau vừa sợ xấu, anh cũng bảo em đừng khóc. Và em đã không khóc vì có anh thương em. Em chọn tấm bưu thiếp này trong lần bọn mình đến sơn thôn trên dãy Hoàng Liên Sơn du lịch. Nhưng khi tấm bưu thiếp đến tay anh thì em đã ở trên thiên đường rồi. Chắc vậy!
Thỉnh thoảng hãy bật đĩa nhạc, ngân lên vài câu hát mà em viết, ăn thật ngon, ngủ thật sâu và cười thật nhiều để em yên lòng. Nhưng anh đừng nhớ quá nhiều về chuỗi ngày yên bình đã từng cùng em trải qua, đừng giữ lại quá nhiều những bức hình của em. Anh đừng đeo nhẫn cưới nữa.
Có những ước hẹn mà mãi mãi sau này chúng ta cũng không thể thực hiện được, ví như đi đến nơi tận cùng biên giới, chụp lại những bức ảnh thật xinh và tận hưởng những giây phút yên ả với bầy cừu. Chúng ta lỡ hẹn rồi! Em hy vọng sau này sẽ có ai đó thay em làm những điều này với cùng anh. Cho người khác cơ hội cũng là cho chính mình một cơ hội. Nếu có ai đó đủ thật tâm với mình thì nên mở lòng đón nhận chân tình. Tìm cho mình một người có thể cam tâm chở che cho anh mỗi lúc yếu lòng, quan tâm anh lúc ốm đau, lắng nghe anh khi muốn chia sẻ, bao dung với những gàn dở của anh, tôn trọng ký ức của anh và thương con gái của chúng ta. Đừng lặng lẽ, vì anh xứng đáng được hạnh phúc.
Em có ký một bản hợp đồng với bác sĩ tâm lý. Cô ấy tên là Gió. Bản hợp đồng yêu cầu cô ấy ghé thăm cha con anh thường xuyên, động viên anh bằng an và vui vẻ sau khi em rời đi, trò chuyện với con gái của chúng ta như một người mẹ. Em chỉ là lo xa thế thôi, sợ anh buồn mà không đối đãi với cơ thể và trái tim mình thật tử tế. Em hy vọng là cô ấy làm tốt như thỏa thuận của hợp đồng chăm sóc tâm lý đặc biệt.
Tặng cho Moon cái nơ màu xanh và hôn con giúp em.
Đôi vớ màu xanh, anh nhớ mang vào khi ngủ cho ấm vì bàn chân anh lạnh lắm!
Nào cười lên và nói tạm biệt em đi!”.
Khi thấy những dòng lệ trên mắt tôi, Moon lấy bàn tay bé nhỏ của nó gạt đi:
- Con nghĩ là bố muốn xem thứ này nữa.
Con bé tiến lại kệ sách, rút ra cuốn tiểu thuyết trinh thám, đưa về phía tôi:
- Bố mở ra đi, ở trang 18 ấy.
Ở đó, trang 18 bị xé rách đã được gắn trở lại dù vẫn nhàu nhĩ và có dính một ít nước cà ri. Kẹp cạnh đó là một mẩu giấy note viết bằng bút chì.
“Khó khăn lắm tôi mới tìm được tới chỗ anh và Moon. Thật vui vì biết anh rất ổn. Chị nhà đến tìm tôi vì sợ anh sẽ ngược đãi phần đời còn lại của mình bằng nỗi buồn dai dẳng. Con bé cũng khoe với tôi, nó thấy bố giả vờ đi cạo râu nhưng đứng khóc sau cánh cửa phòng tắm khi nhìn thấy nó đội bộ tóc giả của mẹ. Tôi quan sát anh trong nhiều lần đến hiệu sách, biết rằng ai cũng cần thời gian để vượt qua mất mát, nhưng anh đã dùng đủ thời gian để chữa lành trái tim rồi. Tôi tin anh sẽ làm được mà không cần tôi, vì anh còn có Moon. Nó bảo với tôi, nếu có ai đó quá quắt với bố, thì bố chỉ cần về nhà ôm nó, nó sẽ không bạc bẽo với bố đâu.
Lúc nào đó, thấy cuộc đời thật vui, anh dẫn Moon tới chỗ tôi. Tôi chính là người mua lại căn nhà của anh, tôi vẫn giữ nguyên giàn hồng leo mà anh yêu cầu.
Và thật ra, tên tôi là Khả Vy”.
Tôi ôm con gái nhỏ vào lòng, nhắm mắt lại, cảm thấy rất ấm áp và bình yên. Màn hình ti vi tối đen, vẫn phát ra một giai điệu acoustic dễ chịu cùng giọng hát nhẹ như tiếng thở.
“Hôm nay em mặc một chiếc váy rất đẹp, đi trên đôi giày mòn gót anh đã tặng, trên tay em cầm một đóa hoa tú cầu - loài hoa khi xưa anh thích… Anh có yêu em không? Có muốn về nhà với em không?...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.