Buôn làng phải đi mượn cồng chiêng

13/10/2015 06:10 GMT+7

Cồng chiêng được xem là linh hồn của buôn làng Tây nguyên, nhưng hiện nhiều buôn làng không còn cồng chiêng, đến nỗi vào dịp lễ hội phải đi mượn về đánh.

Cồng chiêng được xem là linh hồn của buôn làng Tây nguyên, nhưng hiện nhiều buôn làng không còn cồng chiêng, đến nỗi vào dịp lễ hội phải đi mượn về đánh.

Chiêng Buar của người Xê Đăng nhánh Sơđră chỉ còn 2 lá - Ảnh: Phạm AnhChiêng Buar của người Xê Đăng nhánh Sơđră chỉ còn 2 lá - Ảnh: Phạm Anh
Chiêng quý “mất hết rồi”
Người Xê Đăng nhánh TơĐrá ở các xã Ngọc Réo, Ngọc Wang, H.Đăk Hà (Kon Tum) có loại chiêng Buar (chỉ có một chiếc) rất thiêng. Nếu không có lý do chính đáng mà trong làng tự nhiên có người lấy chiêng này ra đánh thì sẽ bị già làng phạt nặng. Bên cạnh Buar còn một dàn trống thiêng (loại lớn từ 5 đến 9 chiếc) gọi là Toa Sgơr gác trong nhà rông. Những lễ hội đặc biệt thì chiêng và trống này mới được đưa ra đánh, còn bình thường được chủ nhà cất kỹ, sợ người ngoài hoặc trẻ con không biết, đem ra đánh thì khốn khổ.
Bao thế hệ nối tiếp nhau là vậy, nhưng đến hôm nay loại chiêng, trống quý này chỉ còn vài ba chiếc. Hôm đến làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo, anh U Rớp, cán bộ phụ trách văn hóa xã, đưa tôi đi tìm chiêng Buar ở nhà bà Y Juang (70 tuổi). Hôm ấy, sau thủ tục "xin chiêng", bà Y Juang mang lá chiêng này ra rồi giải thích: xã Ngọc Réo ngày trước làng nào cũng có chiêng này. Bởi lễ hội ting pêng (bắn trâu tạ ơn thần linh) là lễ hội lớn nhất của người Xê Đăng nhánh Sơđră thì làng nào cũng phải làm, mỗi năm một lần, hoặc vài ba năm một lần, nhưng không có chiêng Buar và trống Toa Sgơr thì thần linh không dự. "Bây giờ cả xã chỉ có hai lá chiêng này thôi. Mất hết rồi. Mà không chỉ xã này đâu, các xã lân cận cũng không còn chiêng này", U Rớp nói. Hỏi sao mà mất, U Rớp bảo nghe đồn chiêng có vàng, đồng đen (ngày trước mỗi lá chiêng đổi 5 - 10 con trâu) nên thương lái đến mua lại. Hơn nữa, ngày trước nhà cửa của đồng bào Xê Đăng ở đây sơ sài, kẻ trộm đột nhập lấy đi không ít.
Không còn mấy ai biết đánh cồng chiêng
Rời xã Ngọc Réo, chúng tôi đến làng Kon Jơ Ri, xã Ngọc Wang, H.Đăk Hà, thấy tình cảnh chiêng ở đây còn "thảm " hơn. Cách đây vài năm, bộ chiêng hội của làng này đã “không cánh mà bay” và cũng từ đó, cồng chiêng ở làng “im hơi, lặng tiếng”. “Thiếu tiếng cồng chiêng, các lễ hội như mất đi phần hồn rồi”, ông A Ngok (54 tuổi), Trưởng thôn Kon Jơ Ri, ngao ngán.
Còn ở làng Kon Sờ Tiu 2, xã Ngọc Wang, H.Đăk Hà đến bây giờ cũng không còn mấy ai biết đánh cồng chiêng. "Nguyên nhân là làng không có chiêng. Ai mua được giá dân làng bán hết, hoặc kẻ trộm vào lấy đi", già làng A Hriu nói. Theo già làng này thì cứ mỗi lần có lễ hội gì thì làng phải cất công qua làng khác "mượn" chiêng, đội đánh chiêng và múa xoang về biểu diễn.
Ông Trần Văn Tiên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Sa Thầy (Kon Tum), cho hay nếu làng nào mất cồng chiêng thì xem như các lễ hội thiếu phần hồn. Huyện cũng từng khảo sát và thấy rất nhiều làng vắng chiêng nên đã phải trích tiền mua hàng chục bộ chiêng tặng các làng.
Theo Sở VH-TT-DL Kon Tum, tỉnh này hiện có 309/588 làng đồng bào dân tộc thiểu số nay không có cồng chiêng (chiếm 52,6%). Điển hình như xã Đăk Côi, H.Kon Rẫy có đến 10/13 thôn, làng “trắng” cồng chiêng. Hay như H.Đăk Glei, các xã Đăk Pét, Đăk Môn hiện không còn cồng chiêng nữa. Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Kon Tum, nói khi làng vắng cồng chiêng thì đồng bào sẽ hết hứng thú với những lễ hội. Ở ngay TP.Kon Tum, làng Kon Tum Kơ Nâm của người Ba Na, không ít lễ hội diễn ra nhưng tổ chức "chay" cồng chiêng và đồng bào không có hứng thú đến dự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.