Bước ngoặt của ngành cổ nhân học Việt Nam

06/10/2019 06:33 GMT+7

Nhận lời mời từ Hội thảo chuyên đề quốc tế về hang động học lần thứ 19 được tổ chức tại Đại học Catania, một trong những đại học lâu đời nhất của Ý (diễn ra từ 28.8 - 5.9.2020), các nhà khoa học VN đang tích cực chuẩn bị tham luận để trình bày về di cốt người cổ trưởng thành lần đầu tiên được phát hiện trong hang núi lửa ở Krông Nô (Đắk Nông).

Có thể nói, đây là phát hiện quan trọng mang tính bước ngoặt của ngành cổ nhân học VN.
Hiện các nhà khoa học cũng đang tiến hành scan toàn bộ di cốt để làm thành nhiều phiên bản bằng composite, phục vụ việc trưng bày bộ xương này ngay tại hang và tại Bảo tàng Thiên nhiên VN, Bảo tàng Đắk Nông.
Cuối tháng 12.2017, Bảo tàng Thiên nhiên VN triển khai đề tài với tiêu đề “Nghiên cứu, điều tra, thăm dò (thám sát) khảo cổ hang động núi lửa thuộc huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” do TS La Thế Phúc làm chủ nhiệm. Tháng 3.2019, cán bộ của Bảo tàng Thiên nhiên, Hội Khảo cổ học, Trường ĐH Đà Lạt và Viện KHXH vùng Tây nguyên trở lại hang C6-1 ở khu hang động núi lửa nói trên, mở rộng vách hố phía đông - nơi trước đó đã lộ ra các đoạn xương chi dưới của ngôi mộ số 1. Ở độ sâu 1,25 m, chúng tôi đã phát hiện được hộp sọ và gần hết xương dưới sọ, được chôn theo tư thế nằm nghiêng co, 2 tay chụm lại trên đỉnh đầu.
Hộp sọ bị vỡ thành 191 mảnh, sau hơn 2 tháng phục dựng, chúng tôi đã chắp gắn thành công được một hộp sọ gần như nguyên vẹn, chỉ thiếu một phần: xương sọ quanh lỗ chẩm, xương gò má trái và xương đỉnh trái. Bộ răng còn đầy đủ 32 chiếc. Đặc biệt xương cánh tay trái và đùi trái còn gần như nguyên vẹn, nên xác định được chiều cao của cá thể này nằm trong khoảng 1,84 - 1,85 m, chiều cao hầu như chưa từng gặp ở những bộ xương người cổ của VN. Dựa vào mức độ liền của đường khớp sọ chúng tôi cho rằng cá thể này có độ tuổi trong khoảng 25 - 35. Mỏm chũm rất lớn, bờ trên hốc mắt tày, thân hàm dưới cao, góc hàm dưới vểnh ra ngoài nên khẳng định đây là một sọ nam.
  Bước ngoặt của ngành  cổ nhân học VN

Chuẩn bên Hộp sọ Krông Nô - Hộp sọ Krông Nô

Hang núi lửa ở đây được tạo thành cách nay khoảng 40 - 70 vạn năm trước. Nhưng khoảng 5 - 6 nghìn năm trước, trần hang có đoạn bị sụp xuống, tạo thành cửa thứ sinh và người cổ đã chui vào hang cư trú, khi họ chết cũng mai táng ngay tại hang.
Chúng tôi đã dùng phương pháp phân tích, so sánh thống kê với các nhóm cư dân khác thì thấy sọ Krông Nô ở ngôi mộ số 1 khá gần với sọ của thổ dân Úc, hay người Melanesien, cũng gần với những sọ cổ thuộc văn hóa Hòa Bình, loại hình Anhđônêdiên của VN, nhưng khác xa với sọ của người Mongol, Campuchia....
Từ xưa tới nay, vùng Tây nguyên chưa bao giờ tìm được một bộ xương người trưởng thành còn khá đầy đủ như bộ xương nói trên. Phát hiện này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu được cư dân hàng nghìn năm trước trên vùng Tây nguyên rộng lớn, mà câu hỏi đó trước đây chưa có câu trả lời.
Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số giáo sư ở Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia... thì được biết trên thế giới chưa phát hiện được di cốt người trong các hang động núi lửa. Chính vì vậy phát hiện của các nhà khoa học VN càng có ý nghĩa rất lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.