Bôi trơn trong tiếng Việt

26/08/2018 08:42 GMT+7

Xét về lịch sử từ vựng thì bôi và trơn trong bôi trơn là hai từ độc lập đối với nhau và có xuất xứ riêng biệt.

Bôi là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [敷] mà âm Hán Việt hiện hành là phu, được Hán ngữ đại tự điển giảng là “bôi, xức” (nghĩa 11), như phu phấn là thoa phấn, phu dược là xức thuốc. Đây là một chữ cùng gốc (đồng nguyên tự) với phô [舖] và bố [布], như Vương Lực đã chứng minh trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997). Phụ âm đầu B của bố cũng chính là phụ âm đầu của bôi còn U Ô ÔI cũng là hiện tượng bình thường về ngữ âm lịch sử.
Trơn cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [珍], mà âm Hán Việt hiện hành là trân, mà nghĩa gốc là ngọc quý, lóng lánh, không chút vẩn bợn. Thì đây cũng chính là nghĩa của trơn mà Việt-Nam tự-điển của Khai trí Tiến đức giảng là “láng, mượt, không ráp”. Về nghĩa thì như thế còn về ngữ âm thì ÂN ƠN là chuyện hoàn toàn bình thường.
Vậy bôi và trơn là hai từ Việt gốc Hán. Nhưng bôi trơn “nguyên khối” thì không. Đây là một khái niệm cơ học đến từ phương Tây, mà động từ tiếng Pháp là lubrifier, tiếng Anh là lubricate. Động tác này, tiếng Hán hiện đại gọi là nhuận hoạt [潤滑], âm Bắc Kinh là rùnhúa. Nhân tiện, xin nói rằng nhuận [潤] chính là nguyên từ (etymon) của nhờn trong chất nhờn (thì cũng là dùng để bôi trơn).
Le Grand Larousse Illustré, Édition Prestige 2015 (ảnh), giảng lubrifier là “rendre glissant pour atténuer le frottement et faciliter le fonctionnement” (làm cho trơn để giảm bớt sự ma sát và tạo thuận lợi cho sự vận hành). Webster’s New World College Dictionary giảng lubricate là “to apply a lubricant to” (bôi chất nhờn vào). Danh từ phái sinh từ động từ đã nêu trong hai ngôn ngữ này đều là lubrification. Danh từ này không chỉ dùng trong công nghiệp mà còn dùng cả trong sinh hoạt tình dục nữa. Vì vậy nên có khi ta lên mạng tìm chất bôi trơn cho máy móc mà lại ra nhiều thứ “gel bôi trơn” khác nhau.
Nhưng dù sao thì trong tiếng Anh và tiếng Pháp, khái niệm “bôi trơn” cũng chỉ ứng dụng cho hai lĩnh vực đó mà thôi chứ tiếng Việt thì ngon lành hơn nhiều vì nó còn có thêm lĩnh vực thứ ba nữa. Thì đây, tít một số bài báo mà ta có thể đọc thấy:
Gánh nặng thủ tục hành chính, tốn kém chi phí bôi trơn (vietnamnet.vn, 15.3.2017).
Dân vẫn phải “bôi trơn” thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh (vietnamnet.vn, 26.4.2016).
Vẫn còn hàng trăm nghìn người phản ánh phải bôi trơn khi làm sổ đỏ (laodong.vn, 13.8.2018).
Một tháng 4 đoàn thanh tra, không bôi trơn khó xong việc (vietnamnet.vn, 28.4.2016).
31% doanh nghiệp phải trả “phí bôi trơn” khi thực hiện thủ tục hải quan (Sggp.org.vn, 28.4.2017).
Bôi trơn ở đây có nghĩa là xịt chất nhờn vào một/những bánh xe răng cưa nào đó của bộ máy hành chính để làm cho việc đạt được mục đích của mình được trơn tru.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.