Bỏ thi bikini để tìm vẻ đẹp trí tuệ?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
10/06/2018 09:00 GMT+7

Theo các chuyên gia, việc bỏ thi bikini không giúp cho thí sinh hoa hậu VN có vẻ đẹp trí tuệ tốt lên mà còn khiến cuộc thi tẻ nhạt hơn.

Phần thi đột phá
“Ông trùm hoa hậu”, nhà thơ Dương Kỳ Anh, nguyên Tổng biên tập Báo Tiền Phong, vẫn nhớ câu chuyện vòng thi áo tắm của lần đầu tiên cuộc thi Hoa hậu Báo Tiền Phong tổ chức hồi năm 1988. Đó cũng là phần thi khó nhất của cuộc thi năm ấy. Thậm chí, ông cho biết, sân khấu đã chết khoảng 10 phút khi thí sinh không dám lên sân khấu. Sau đó, người đầu tiên bước ra thể hiện phần thi áo tắm chính là hoa hậu Bùi Bích Phương. “Có thể nói, áo tắm trở thành phần thi bùng nổ nhất trong cuộc thi năm ấy. Lần đầu tiên trong lịch sử nước VN thống nhất, phụ nữ mặc áo tắm lên trình diễn trên sân khấu đâu phải chuyện dễ dàng”, nhà thơ chia sẻ.
Thí sinh trong trang phục áo tắm tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ VN 2017 ẢNH: ĐỘC LẬP
30 năm sau, nhiều chuyện đã thay đổi. Ngày 22.6 tới đây, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) sẽ lấy ý kiến về việc có nên bỏ phần thi này tại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp không. Vấn đề được đặt ra khi đầu tháng 6 vừa qua, tại Mỹ, cuộc thi hoa hậu nước này đã bỏ phần thi bikini với lý do ủng hộ phong trào chống quấy rối tình dục cũng như muốn tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ của người phụ nữ. Trước đó, cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng đã bỏ phần thi này.
PGS-TS Trần Xuân Bình, nguyên Chủ nhiệm Khoa Xã hội học, ĐH Huế, cho rằng các cuộc thi hoa hậu thời kỳ đầu đã thúc đẩy cái nhìn cởi mở hơn về phụ nữ, giải phóng họ khỏi những hình mẫu truyền thống. Chưa kể, với nhiều cuộc thi, việc thi hoa hậu cũng trở thành phong trào. “Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vấn đề đặt ra cũng nhiều hơn. Chẳng hạn, vẻ đẹp của hoa hậu chỉ là vẻ đẹp đơn thuần hay cần có ích cho xã hội nữa. Những người đẹp đã làm gì thúc đẩy xã hội chưa, hay chỉ vướng lùm xùm hoặc lấy chồng giàu rồi ở ẩn”, PGS-TS Bình nói.
Tôn trọng phụ nữ: quan trọng là cách nghĩ, cách nhìn...
Hoa hậu Ngọc Hân cho rằng, tại VN không chắc lắm về việc bỏ phần thi bikini có thể thúc đẩy phong trào chống quấy rối tình dục, tố cáo hành vi quấy rối tình dục hay không. “Văn hóa khác nhau, thể trạng xã hội cũng khác nhau. Đó là Mỹ, còn bên mình thì chưa thể nào đánh giá chính xác được nếu bỏ phần thi đó thì việc quấy rối tình dục sẽ thay đổi như thế nào. Chỉ là cảm giác sẽ hướng tới chiều sâu hơn cho cuộc thi”, Ngọc Hân nói.
Về việc có nên điều chỉnh giảm tỷ trọng điểm của phần thi hình thể, tăng tỷ trọng điểm của phần thi ứng xử lên, Ngọc Hân cho rằng không nên như vậy. Cô cũng nhấn mạnh, việc thi ứng xử không thấy được cả quá trình mà thí sinh đã thể hiện. “Hân từng thi và từng chấm, Hân biết có những bạn ở ngoài rất thông minh nhưng bản lĩnh sân khấu hơi ít. Chẳng hạn, không thể so sánh một bạn cả đời chưa bao giờ lên sân khấu với một bạn làm người mẫu chuyên nghiệp. Rõ ràng, người mẫu sẽ dạn hơn nhiều. Và một bạn trả lời hay trên sân khấu chưa chắc đã là một bạn thông minh và có hiểu biết tốt, tâm hồn đẹp như một bạn trả lời run rẩy. Hân không ủng hộ việc chỉ qua một phần thi ứng xử mà cho hẳn cao điểm lên thì mình có thể chọn sai người”, Ngọc Hân nhận định.
PGS-TS Trần Xuân Bình cũng cho rằng, không cần phải bỏ phần thi bikini: “Có nhiều dân tộc họ quen để ngực trần. Và điều đó không có gì phản cảm cả. Chính vì thế, việc tôn trọng phụ nữ, nói không với quấy rối tình dục là việc của cách nghĩ, cách nhìn chứ không phải việc của bộ bikini”. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, với các lùm xùm kiểu như các phát ngôn bừa bãi, các tư thế và kiểu ăn nói kém lịch sự của hoa hậu đang khiến những định kiến không hay về các người đẹp. Nó cho thấy họ ở tầm văn hóa như thế nào. Cũng theo ông Bình, các hoa hậu cần đặt mục tiêu tự hoàn thiện. “Nếu họ giỏi ở chính lĩnh vực của họ, hay tham gia các hoạt động cộng đồng nhiều hơn, thông điệp về sắc đẹp có ích sẽ lan rộng hơn”, ông nói. Ông Bình cũng lấy ví dụ về việc Hoa hậu H'Hen Niê khi cô từ chối lấy chồng sớm để lên TP học. Đây cũng là một cách để thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy quyền được học của phụ nữ.
Hiện tại, theo bà Thúy Nga, Giám đốc Công ty Elite VN, chương trình đào tạo hoa hậu tốt nhất trong nước cũng chỉ có thời gian khoảng 9 tháng. Trong thời gian này, các hoa hậu phải dành cho kỹ năng trình diễn và hình thể, thuyết trình. Việc thiện nguyện của một hoa hậu thì phụ thuộc vào chính chương trình của cuộc thi hoa hậu mà họ tham gia. “Các kỹ năng thực hiện dự án xã hội hoặc sự vươn lên sau cuộc thi lại phụ thuộc vào chính môi trường giáo dục của gia đình thí sinh và bản thân mong muốn vươn lên của thí sinh đó. Chính vì thế, nếu muốn có những hoa hậu đạt chuẩn, ban giám khảo tốt nhất cần chọn ra thí sinh có tư chất chứ không nên chỉ chọn theo kiểu ngoan hiền”, bà Nga đưa ý kiến.
Video: Vì sao cuộc thì Hoa hậu Mỹ sẽ bỏ phần so tài áo tắm?
Bớt cấp phép các cuộc thi nhan sắc nhỏ lẻ
Không cần thiết bỏ bikini, nhưng tôi nghĩ nên thiết kế lại các bộ áo tắm dạng một mảnh như trước đây vì không quá hở nhưng có thể thấy đường nét cơ thể. Còn để nâng chất lượng các cuộc thi hoa hậu tôi nghĩ bớt cấp phép các cuộc thi nhan sắc nhỏ lẻ để danh xưng hoa hậu, á hậu không bị đánh đồng. Một số cuộc thi hoa khôi, người đẹp “lách luật” vẫn diễn ra quá nhiều làm chất lượng các cuộc thi nhan sắc lớn khác ảnh hưởng. Các cuộc thi nhan sắc cũng nên minh bạch trong cách chấm điểm và chọn thí sinh. Còn “mua giải” được là cuộc thi nhan sắc bị xem thường và chất lượng không cải thiện, ngày càng đi xuống. Hoa hậu ngày nay không bị xem là người đẹp não ngắn nữa bởi những gì họ đã làm đều thấy sự năng nổ, khôn khéo không còn ngây ngô. Hoa hậu giờ cũng đa năng và tài giỏi, làm nhiều việc giúp ích cho xã hội. Nói vậy nhưng cũng tùy người. Không phải ai cũng giống ai và có mẫu số chung như tôi nói.
Hoa hậu Thế giới người Việt 2010 Diễm Hương
Tùy tiêu chí của từng cuộc thi mà nên giữ hay không
Từ trước đến nay, tại các cuộc thi nhan sắc, bikini là phần thi hấp dẫn, sống động, giúp khán giả đánh giá rõ nét nhất vẻ đẹp hình thể, sự tự tin của thí sinh. Tuy nhiên, tùy tiêu chí của từng cuộc thi sắc đẹp mà nên giữ hay không giữ phần thi bikini này. Chẳng hạn như với Miss World, mục đích của cuộc thi rất rõ ràng, đề cao vẻ đẹp nhân ái nên phần thi bikini không hề ảnh hưởng đến đánh giá chung cuộc. Nhưng với các cuộc thi nhan sắc trong nước thì bikini là một phần trong nội dung thi.
Rất nhiều hoa hậu, người đẹp hiện giờ đã là những doanh nhân thành đạt, được kính trọng bởi nhan sắc, đức độ và tài năng. Điều đó đủ để khẳng định sự định kiến, kỳ thị “não ngắn” đã không còn đúng. Còn về chất lượng các cuộc thi nhan sắc, Mỹ Linh nghĩ sẽ phụ thuộc quy chế chặt chẽ, minh bạch cùng với sự đầu tư, đào tạo nghiêm túc cho các thí sinh. Theo Linh, hoa hậu dự sự kiện thường được truyền thông đưa nhiều nên khán giả lầm tưởng hoa hậu đăng quang xong chỉ có đi dự sự kiện thôi. Thực tế đó chỉ là bề nổi, là một phần rất nhỏ trong những hoạt động sau đăng quang của hoa hậu. Trách nhiệm chính của người nắm giữ vương miện cao quý vẫn là những hoạt động xã hội, vì cộng đồng và những hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa VN.
Hoa hậu VN 2016 Đỗ Mỹ Linh
Dạ Ly (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.