Biểu tượng chống ngoại xâm

15/02/2013 04:00 GMT+7

Từ hội làng, Đống Đa đã mở rộng quy mô hơn nhiều, bởi chiến thắng trước một Đại Thanh hùng mạnh đã khiến vua Quang Trung trở thành một biểu tượng chống ngoại xâm.

Từ hội làng, Đống Đa đã mở rộng quy mô hơn nhiều, bởi chiến thắng trước một Đại Thanh hùng mạnh đã khiến vua Quang Trung trở thành một biểu tượng chống ngoại xâm.

Bà Nguyễn Thị Hoa đã ngoài 50 tuổi vẫn chọn đường vào công viên Đống Đa qua đỉnh gò dù có đường đi bằng phẳng hơn, không phải leo dốc. Cùng chọn “đường đi khó” này với bà còn nhiều người khác. “Lên đỉnh gò, thắp hương tại phiến đá thờ rồi chúng tôi mới đi xuống dự hội gò Đống Đa”, bà Hoa nói trong nhịp thở vẫn còn gấp. Phiến đá thờ mà bà nói tới có ý nghĩa bởi trên đó có khắc câu nổi tiếng của vua Quang Trung khi trỏ hướng ngoại xâm mà sống mái: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”.

Trăm trận trăm thắng, ngoại giao mềm mỏng

PGS-TS Tạ Ngọc Liễn, Viện Sử học, cho biết chiến thắng của vua Quang Trung lớn và quan trọng đến mức nó được chép rất rõ trong sử sách nhà Thanh là Đại Thanh thực lục. Bản thân ông Liễn chính là người đã hiệu đính bản dịch cuốn chính sử này. Trong đó, con số thương vong cũng được chép rõ ràng. Theo ông Liễn, con số 29 vạn quân Thanh thiệt mạng không phải là hư danh, bởi kèm theo số lính trận còn là những người đi theo phục dịch đội quân này.

 Múa võ dưới chân tượng đài Quang Trung - Ảnh: Ngọc Thắng
Múa võ dưới chân tượng đài Quang Trung - Ảnh: Ngọc Thắng

Một nhà nghiên cứu khác, ông Tạ Chí Đại Trường viết: “Nghe tin Tây Sơn, quân Thanh dán cáo thị thách chiến nhưng Tôn Sĩ Nghị không ngờ Quang Trung đã nhanh hơn ông tưởng. Chiến trận dồn dập như người ta lo tết”.

Cũng theo ông Tạ Chí Đại Trường, trận đại thắng trọn vẹn một cách bất ngờ này gieo một ảnh hưởng rất lớn, thuận lợi cho Tây Sơn. Tôn Sĩ Nghị ném cả ấn tín, mật chỉ, chạy cốt thoát lấy thân thôi. Toán quân chặn đường đã làm cho cả một vùng biên giới, dân quân nhà Thanh dắt nhau chạy loạn đến vắng ngắt. “Tình trạng đó tạo một không khí thuận lợi cho việc giảng hòa giữa nhà Thanh và Tây Sơn, gây sự nể vì Quang Trung của Càn Long”, ông nhấn mạnh.

Nhìn lại trận chiến Ngọc Hồi và ngoại giao sau đó, GS Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và phát triển, nói: “Mặc nhiên Nguyễn Huệ là một thiên tài quân sự kiệt xuất không chỉ của Việt Nam. Trên chiến trận, Nguyễn Huệ không từng biết đến chiến bại. Ông là người tổng kết nghệ thuật quân sự truyền thống của Việt Nam cho đến thế kỷ 19. Khả năng kết hợp quân sự với ngoại giao của ông cũng rất điển hình. Ngay từ Tam Điệp ông đã nói giờ ta nhỏ ta đánh như vậy, khi ta lớn hơn ta sợ gì giặc Thanh. Kiên quyết mềm mỏng nhưng đạt hiệu quả rất cao trong ngoại giao”.

PGS Tạ Ngọc Liễn nhấn mạnh vào việc vua Quang Trung rất biết cách chiêu dụ lòng người. Điển hình là Ngô Thì Nhậm - một quần thần nhà Lê đã theo ông và làm được nhiều việc ngoại giao lớn. Những thư ngoại giao cũng được bộ sách của Ngô gia văn phái ghi chép rõ. Cũng chính sức mạnh đối nội, đối ngoại đó của Quang Trung đã khiến Vũ Văn Nhậm năm 1788 không chịu ra chầu, mà chỉ năm sau đã sẵn sàng làm đề điệu coi thi, dâng kế sách lề lối cai trị.

“Như vậy, với chiến thắng thần tốc Ngọc Hồi, hội gò Đống Đa đã tôn vinh Quang Trung - Nguyễn Huệ như một biểu tượng chống ngoại xâm”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, nhận xét. Trên thực tế, thiên tài quân sự Quang Trung đã làm được một việc thách thức là đánh thắng trên chiến trường quân sự, và có đối sách ngoại giao mềm mỏng cương quyết. Điều này cho thấy sự biến đổi của hội gò về đối tượng tế lễ không phải không có lý. Không chỉ thế, từ hội làng nó đã trở thành một hội nước khi lễ mừng chiến thắng này được tổ chức ở nhiều nơi trong cả nước.

Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa

Trong hai ngày mùng 4 và 5 Tết Quý Tỵ (13 và 14.2), UBND tỉnh Bình Định và người dân địa phương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn).

Năm nay, lễ hội có những hoạt động chính như dâng hương dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung, dâng hương dâng hoa tại Đàn tế trời đất trên núi Ấn Sơn, biểu diễn cồng chiêng, võ thuật, trống trận Tây Sơn, biểu diễn và tổ chức Hội đánh bài chòi cổ...

 Vào ngày mùng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789), dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vang dội.

Sáng 14.2 (mùng 5 tết), nhân kỷ niệm 225 năm Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế tại núi Bân (1788) và 224 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức dâng hương tại khu tưởng niệm Tượng đài Quang Trung (núi Bân, P.An Tây, TP.Huế). 

Hoàng Trọng 

“Quân số chính quy khoảng độ 2 vạn người nhưng đám phụ lực được dịp đi theo rất đông, gây nên thanh thế lớn, trong đó có 2.000 quân Nùng thiện chiến của Sầm Nghi Đống. Cho nên sử gia Ngụy Nguyên mới nói “tiếng đại binh có vài chục vạn” và các giáo sĩ đương thời cho rằng không dưới 30 vạn. Quân số ước tính hơn số 20 vạn của sử Việt”. (Theo ông Tạ Chí Đại Trường)

 “Quyền lực, phạm vi sự rộng lớn, dân số, sự giàu có của đế chế Mãn Thanh cho thấy đây là một triều đại hùng mạnh. Nhìn việc có thể điều hàng chục vạn quân có thể thấy điều đó. Càn Long cũng là vị vua giỏi nhất, nổi tiếng nhất của nhà Thanh. Do đó, Mãn Thanh trở nên mạnh nhất, đạt đỉnh cao của các triều đại nhà Thanh dưới thời Càn Long. Rõ ràng chiến thắng của vua Quang Trung trước quân Thanh quá vĩ đại”. (Theo GS Nguyễn Quang Ngọc)

Trinh Nguyễn

>> Tưng bừng trẩy hội gò Đống Đa
>> Tưng bừng lễ hội chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa
>> Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa
>> Tưng bừng trẩy hội Đống Đa 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.