Bí sử dòng họ - Kỳ 5: Ngôi chùa của dòng họ Đại tư đồ Võ Văn Dũng

09/01/2015 04:33 GMT+7

Con cháu dòng họ Võ ở làng Phú Mỹ (xã Tây Phú, H.Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho rằng chùa Phước Sơn trong làng là do Đại tư đồ Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn xây dựng nên.

Con cháu dòng họ Võ ở làng Phú Mỹ (xã Tây Phú, H.Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho rằng chùa Phước Sơn trong làng là do Đại tư đồ Võ Văn Dũng của nhà Tây Sơn xây dựng nên.
Chùa Phước Sơn - Ảnh: Hoàng Trọng
Ba pho tượng cổ
Theo gia phả họ Võ do cụ Võ Thừa Khuông (đã mất, đời thứ 9) biên soạn, thủy tổ của dòng họ là ông Võ Văn Của, ở Nghệ An di cư vào nam từ thế kỷ 17, đến lập nghiệp tại Phú Mỹ. Đời thứ hai là ông Võ Văn Thọ đã xuất tài lực tổ chức việc đắp đập Lộc Đổng và tham gia đắp nhiều đập khác dẫn nước vào đồng ruộng, mở mang kinh tế nông nghiệp trong vùng. Đời thứ ba là Võ Văn Khanh kết duyên cùng Nguyễn Thị Điểm, sinh hai ông Võ Văn Chỉnh và Võ Văn Dũng. Ông Dũng tham gia phong trào nông dân Tây Sơn lập được nhiều chiến công, giữ nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Hoàng đế Quang Trung và Quang Toản.
Ngày nay, con cháu họ Võ còn nhắc đến chuyện ông Võ Văn Dũng theo Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ra bắc diệt Trịnh có thỉnh về 3 tượng gỗ, gồm: tượng phật A Di Đà, tượng Bồ tát Phổ Hiền và tượng Quan Thánh rồi dựng chùa Phước Sơn ở Phú Mỹ để thờ. Hiện tượng A Di Đà đang thờ tại chùa Phước Sơn, còn tượng Bồ tát Phổ Hiền và tượng Quan Thánh được trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn, Bình Định). Vì Võ Văn Dũng có công xây dựng chùa nên trong chùa có bài vị thờ ông.
Theo nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch (ở Bình Định), bài vị bằng gỗ thờ Võ Văn Dũng (hiện trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung) ghi “Phước Sơn tự chủ tánh Võ, tự Văn Dũng, húy Độ, tịnh hữu công đức chư vong linh vị chi thần. Tân Sửu niên, thất nguyệt, thập tứ nhật, cung tạo. Thường niên, tam nguyệt, nhị thập nhật, kỳ siêu”. Dịch nghĩa là: “Thần vị của chủ chùa Phước Sơn, họ Võ, tên tự là Văn Dũng, tên kiêng cữ là Độ, cùng các vong linh có công đức với chùa. Năm Tân Sửu, tháng 7 ngày 14 kính cẩn tạo vị. Hằng năm cầu siêu vào ngày 20 tháng 3”. Từ bản dịch này, nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch đồng tình với ý kiến là chùa Phước Sơn do Võ Văn Dũng dựng nên.
Có ý kiến cho rằng trong 3 pho tượng Võ Văn Dũng mang về thì tượng Quan Thánh khá lạ, có nhiều điểm không giống tượng và tranh Quan Thánh theo truyền thống như tay trái không vuốt râu, tay phải không cầm sách, chòm râu không rậm và dài... Tượng Quan Thánh này giống như tượng Quang Trung trong quần tượng (3 tượng) tại chùa Bộc (Hà Nội), áo tượng được sơn màu xanh nhưng lại là kiểu long bào... Từ đó đưa ra ý kiến rằng tượng Quan Thánh này là để thờ Hoàng đế Quang Trung, tránh sự ngăn cấm của triều Nguyễn. Ý kiến này có phần mâu thuẫn bởi nếu là tượng được Võ Văn Dũng đem về từ Bắc Hà trong chuyến theo Quang Trung đánh chúa Trịnh thì khi đó Quang Trung còn sống, người dưới quyền ai dám tạc tượng thờ? Nhà nghiên cứu Đặng Quý Địch cũng cho rằng nên nghiên cứu, thẩm định ý kiến này.
Còn nhiều tranh cãi
Trái với ý kiến của con cháu họ Võ, hòa thượng Thích Thanh Hiển, trụ trì chùa Phước Sơn, cho rằng người xây dựng và đặt tên chùa Phước (Phúc) Sơn là ông Võ Văn Thọ, ông nội của Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Ban đầu, chùa Phước Sơn ở Gò Chùa, tọa lạc gần con suối, cách vị trí chùa hiện nay khoảng 1 km. Sau khi nhà Tây Sơn thất bại, chùa bị hư hỏng nhiều. Trong một năm có lũ lớn, nhiều đồ đạc, tượng Phật, lư hương... trong chùa trôi xuống tấp vào một ao nhỏ thuộc phần đất của bà Võ Thị Trường, con gái Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Cho rằng các vị Phật và tổ tiên muốn dời chùa xuống gần đó nên bà Trường cùng họ Võ dựng lại chùa Phước Sơn ở vị trí mới. Từ đó đến nay, trải qua nhiều lần hư hại do hỏa hoạn, chiến tranh, chùa Phước Sơn vẫn được xây dựng lại nguyên vị trí trên phần đất của bà Trường. Sau này, lãnh đạo Bảo tàng Quang Trung đã mượn tượng Bồ tát Phổ Hiền và tượng Quan Thánh về trưng bày.
Con cháu họ Võ khẳng định sau khi nhà Tây Sơn mất (1802), Võ Văn Dũng trốn về quê nhà, lẩn tránh ở các làng người dân tộc vùng cao, tính chuyện khôi phục nhà Tây Sơn nhưng không thành. Ông ở với con cháu gần 10 năm rồi lâm bệnh mất năm Ất Mùi (1835). Hiện có 2 ngôi mộ ở Phú Mỹ được gia tộc cho là của Võ Văn Dũng nhưng chỉ là truyền miệng, chưa có chứng cứ xác thực. Trong thời gian Võ Văn Dũng làm quan tại Phú Xuân (Huế) có đem theo con cháu nên ngày nay vẫn còn nhánh họ Võ ở đó.
Theo kết quả sưu tầm và nghiên cứu của tác giả Phan Thuận An đã công bố trong hội thảo khoa học Tây Sơn - Thuận Hóa: Những dấu ấn lịch sử vào năm 1984 (xuất bản năm 1986) thì tại xã Hương Chữ, H.Hương Trà, Thừa Thiên-Huế có lăng mộ (ở làng Phụ Ổ), gia phả, văn bia chuông chùa (ở làng La Chữ) liên quan đến ông bà Võ Văn Dũng (Di tích Tây Sơn/Đỗ Bang - Bản lưu của Thư viện tỉnh Bình Định). Theo đó, Đại tư đồ Võ Văn Dũng có bà vợ chính là Lê Thị Vi, người làng La Chữ. Sau khi Phú Xuân thất thủ, hai ông bà bị bắt và bị hành hình vào năm 1802. Có lẽ dân làng La Chữ đã bí mật đưa thi hài hai ông bà về chôn ở chân núi làng Phụ Ổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.