Bí ẩn tu viện cổ bỏ hoang ở Đà Lạt

15/03/2021 17:30 GMT+7

Những ngày qua, vụ tai nạn trong khi tháo dỡ đan viện Benedict/tu viện cổ Franciscaines khiến 2 công nhân thiệt mạng càng làm dấy lên sự quan tâm của người yêu Đà Lạt đối với số phận công trình có kiến trúc rất đẹp này.

Thanh Niên xin giới thiệu loạt bài viết của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, người đã từng bước “tìm trong hoang phế”, để rồi dần lần ra lai lịch của tu viện cổ bị bỏ hoang đã lâu giữa xứ sương mù.

Tìm trong hoang phế

Lối mòn men theo chân tường đá xanh bám đầy rêu và lá dương xỉ xuyên qua lớp cỏ dại, bụi rậm ngợp tầm nhìn. Mùi vôi vữa loang trong những đợt gió lạnh vi vút liếm trên những bờ vôi bợt, cửa kính vỡ, dãy hành lang tăm tối. Sau khung cửa luồn cuối một sảnh vắng, là nền trời xám, bóng thông già bất động. Không khí ẩm ướt và tù đọng.
Từ ban công thư phòng trường dòng cũ nhìn xuống bên dưới là bãi cỏ rậm rì như một đợt sóng cuốn lên bức tường ốp đá có tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng. Chúa, vẫn giữ đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên rộn ràng trước một góc trần gian hoang phế. Xuyên qua dãy phòng ẩm mốc, về hướng con đường, là ngôi nhà nguyện cổ kính. Bờ mặt nhám của những bức tường dày với khối thánh giá hướng về lưng đồi như ánh nhìn xa vắng. Thảm ngói cũ đã được thay bằng mấy tấm tôn chắp nối vá víu thô vụng. Còn kịp nhận diện một vòm khung lòng tháp có lẽ đã nhiều năm rồi vắng tiếng chuông. Khối kiến trúc như một mỏ neo thả lên khói trời âm u. Một niềm xác tín thánh thiện buông vào hư không.

Tu viện cổ bị bỏ hoang đã lâu

Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Lối mòn nhỏ uốn cong, lách qua những bờ cỏ trơn ướt vòng phía sau ngôi nguyện đường hoang phế dẫn qua mấy ngóc ngách ẩn mật với thứ ánh sáng luôn như bị nhuốm màu phim âm bản, cho dù đó là ngày nắng hay ngày mưa. Thi thoảng, góc tam cấp buôn buốt gió lạnh váng vất mù sa, có vài mẩu than cháy dở, vài dây phơi đồ còn vướng mấy cánh tay áo rách bươm bợt màu của vài dân ngụ cư tạm bợ qua ngày. Chúng chờn vờn trước gió như một trích đoạn của bức tranh siêu thực bị bỏ rơi.
Đó là dấu vết tồn tại của con người trong không gian một đan viện (1), trường dòng hoang phế.

Thực hư chuyện Trường Đại học Kiến trúc tháo dỡ tu viện cổ ở Đà Lạt

Benedict (tiếng Việt: Biển Đức) rồi Franciscaines Missionnaires de Marie (tiếng Việt: Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ) - Tu viện bỏ hoang ấy gieo vào tâm hồn lữ khách một nỗi ưu sầu rất đặc trưng của thành phố, một cảm thức u hoài về sự lạnh lùng nghiệt ngã của thời gian mà ta khó có thể gặp được ở một đô thị nào khác.

Hoa cỏ dại mọc đầy trên mái và phủ kín lối đi

Ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Chuyến hành trình tìm kiếm lai lịch của kiến trúc hoang phế trong thành phố này, cũng là một chuyến hành trình kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ người dấn bước cứ nghĩ rồi đây bằng những nỗ lực riêng, câu chuyện sẽ được hiện ra sáng rõ, những tình tiết hồ nghi và cả những phỏng đoán sẽ được minh định. Nhưng nếu vậy thì đâu phải là Đà Lạt. Có những khoảng tối thăm thẳm vẫn nằm dưới lớp mù sương những câu chuyện. Phía sau mỗi âm u là một niềm ẩn mật, bên trong sự tĩnh lặng là những lớp mù sương vô định.

Bất ngờ từ văn khố Sài Gòn

Cuộc truy tìm lai lịch của tu viện hoang phế này, với người viết, đã kéo dài đến hàng chục năm, có lẽ. Linh hồn của phế tích này khiến y như bị hút vào một vùng thẳm sâu vô đáy, một khắc khoải không lối thoát. Và đôi lần, lẽ ra có thể chạm vào một manh mối nào đó rồi, thì lại bị đẩy ra. Y bất ngờ nhận thấy dưới bóng của những bức tường và vòm cửa cổ kính hoang phế đó, có một nguồn năng lượng lạ lùng khiến những kẻ say nghiện hoài niệm rất dễ bị rơi vào vùng kiến giải chủ quan.
Cho đến khi những bản họa đồ thiết kế hiện ra từ một bó hồ sơ cũ, bất ngờ thay, không phải từ một tàng thư ở Đà Lạt, mà tại một văn khố ở Sài Gòn.

Đan viện Benedict xưa

Ảnh: Tư liệu của Nguyễn Vĩnh Nguyên

Trên bản thiết kế blueprint khổ lớn, một dãy phòng học được mô tả kỹ lưỡng, với tám cửa vào phần mặt tiền chính hình vòm cung vuốt nhọn với hệ tường tầng trệt ốp đá xanh gợi cảm giác thâm trầm cổ kính và chắc chắn, phảng phất sắc thái kiến trúc Roman. Dãy lầu trên là những khối trang trí phân cách, lấy sáng, tường ngăn hình chữ nhật gợi cảm giác mở rộng về chiều ngang. Riêng ở hệ cửa, kiến trúc sư dường như tính toán được cả sự di chuyển và đổ bóng của ánh sáng tạo ra hiệu ứng các khối hài hòa từ mặt tiền chính (façade principale), mặt sau (façade postérieure) và mặt tiền bên (façade latérale). Điều đặc biệt, nếu nhìn từ mặt cắt ngang (coupe transversale A- B), có thể nhận diện rõ dãy nhà hai tầng, hai mặt tiền chính đối xứng này là một “khung sườn” có kết cấu cổ điển. Nếu nhìn phối cảnh từ mặt trước, sẽ thấy hệ mái rộng ít dốc, theo mô thức quen thuộc vẫn thấy của các trường học thời kiến trúc hiện đại hưng thịnh đầu thập niên 1960 tại miền Nam.
Công trình được xây trên địa hình lưng đồi, tác giả bản vẽ cũng tuân thủ nguyên tắc nương theo thế nghiêng của triền đồi để thiết lập hệ hình kết cấu. Tầng trệt ăn một nửa vào lòng đồi. Phối cảnh cho thấy đường nét kiến trúc tân thời với lớp khung kính ô vuông khỏe khoắn và nhẹ nhàng, cân đối với ngôn ngữ của đá ở phần chân công trình, có cảm giác chắc chắn nhưng thanh thoát.
Bản thiết đồ ngang, chính diện, tả hữu diện cho đến các chi tiết được thể hiện bài bản và có phần hoa mỹ. Ở vào thời điểm đó, với những gì bức họa đồ này thiết lập, hai khối nhà này vừa đảm bảo công năng - trường học như một yêu cầu cơ bản, nhưng điều quan trọng hơn, vừa gắn kết với ngôn ngữ kiến trúc của đan viện và nhà nguyện với phong cách kiến trúc Roman đã có trước đó. Nói cách khác, dãy trường học phải đối thoại được với dãy tu viện và nhà nguyện. Kiến trúc sư đã tính toán phần trang trí đá thô viền những vòm cửa, chân tường. Tường đá - ngôn ngữ quan trọng không thể thiếu trong kiến trúc Roman được sử dụng như một sự tiếp nối liền lạc giữa cũ và mới. Hai khối kiến trúc cách nhau ba thập niên, hai giai đoạn lịch sử, hai thời kỳ xã hội và hai công năng đã trở nên hài hòa. Phần sau dãy tu việncũ được nối với khu phòng học và nhà học xá mới bằng một hành lang có mái băng qua khoảng sân trong khá duyên dáng.
(còn tiếp)
(Trích từ cuốn sách biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù, Phanbook & NXB Phụ nữ ấn hành, 2019)
(1) Đan viện (tiếng Latin: abbatia, abbacy; tiếng Anh: abbey, monastery), để chỉ nơi chốn cư trú của cộng đoàn các đan sĩ. Bề trên của cộng đoàn này được gọi là viện phụ (abbas) (Theo: Học viện Đa Minh (2014). Thuật ngữ thần học (Anh-Việt) Nhà xuất bản Tôn Giáo; trang 10).
Đan sĩ (tiếng Hy Lạp: monachos, tiếng Latin: monacus; tiếng Anh: monk): là những người dấn thân vào đời đan tu - monasticism/monachism (trong tiếng Hy Lạp, monos nghĩa là một mình - chữ đan trong đan sĩ (Hán-Việt) được đọc trại từ chữ đơn).
Đan tu là “phong trào tu trì thịnh hành vào thế kỷ thứ III, khi một số tín hữu rút vào sa mạc để cầu nguyện và thực hành khổ chế, dần dần những người theo phong trào quy tụ thành cộng đoàn, dưới sự hướng dẫn của viện phụ. Đây là hình thức tu trì phổ biến nhất trong Hội thánh, và kéo dài cho đến thế kỷ XIII, thời kỳ xuất hiện các hình thức tu trì dấn thân vào hoạt động tông đồ” (Theo: Thuật ngữ Thần học [Anh-Việt], Học viện Đa Minh, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2014; trang 210).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.