Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Độc đáo cửa võng bằng gốm thếp vàng

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/02/2021 06:43 GMT+7

Trên cửa võng bảo vật quốc gia , xen lẫn giữa những mảng chạm thếp vàng còn có cả những đầu rồng gốm nâu đặc trưng của làng gốm Thổ Hà.

Lớp lớp rồng mây

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nói về cửa võng đình Thổ Hà (H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vừa được công nhận bảo vật quốc gia: “Các đề tài chạm trổ rất phong phú với kỹ thuật chạm nhuần nhuyễn, khéo léo đỉnh cao. Long - ly - quy - phượng; hoa lá đủ cả. Chúng cũng tạo nên nhiều lớp không gian ngay trên một khối, ngay trong một đề tài. Đấy là một trong những cửa võng đẹp nhất nước”.
Ông Tín cũng cho biết rồng là đề tài chủ đạo trên cửa võng đình Thổ Hà. Toàn bộ cửa võng này có hơn 100 chú rồng lớn nhỏ khác nhau. Những đồ án rồng này được thể hiện tự nhiên không có sự tách biệt, ngăn cách. Chúng được gắn kết bằng nhiều chi tiết chạm như đao mác để tạo kết nối hài hòa. Đao mác cũng là một nét chạm khắc mang đậm nét đặc trưng của thời Lê Trung hưng (thế kỷ 17 - 18).
Theo Sở VH-TT-DL Bắc Giang, toàn bộ cửa võng được sơn son, thếp vàng rực rỡ và chia làm 3 tầng. Các tầng, các mảng tuy được chia theo đề tài, song vẫn liên kết với nhau uyển chuyển.
Ở tầng cao nhất, phía trên có hai lớp họa tiết vân mây cách điệu xen kẽ nhau. Phần tiếp theo chia làm 5 khoang, các khoang ngăn nhau nhờ hàng cột chạm lộng hình rồng cuốn cột, đầu quay lên trên. 5 khoang tạo thành các lớp cửa sâu dần, xếp so le để lộ những hình chạm họa tiết hoa lá cách điệu mềm mại trong bố cục dạ cá. Các thân rồng uốn khúc, chân trước đưa lên vuốt râu, ẩn hiện xen lẫn trong họa tiết đao mác tua tủa vút lên từ đầu và thân tạo thành một đồ án có bố cục đăng đối. Đây cũng là một trong những mô típ đặc trưng tiêu biểu thời Lê Trung hưng.
Tầng thứ hai có diềm ngang chạm đề tài lưỡng long chầu nhật với mình rồng uốn nhiều khúc, mắt to, miệng ngậm ngọc, mắt mở to, mũi gồ cao. Kế tiếp các bức chạm rồng bên trên là các đường gờ bo quanh khám chạm nổi hình cánh sen và vân mây hình chiếc khánh. Xen kẽ những bức chạm rồng là 4 bức đố chạm nổi đề tài tứ quý với tùng cúc trúc mai. Những mảng chạm này lại mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ 19). Điều này cho thấy khi trùng tu tôn tạo đình, các hiệp thợ xưa vẫn còn tiếp tục sáng tạo, phát triển thêm các mảng trang trí. Cũng ở tầng thứ hai này, có rất nhiều khoang lớn tạo lớp sâu với tổng cộng 36 đầu rồng.
Tầng thứ ba cũng là tầng thấp nhất của cửa võng có chạm hình rồng và các linh thú. Đáng chú ý, có hình ảnh khối tượng voi - người khá đẹp. Voi được tạo tác ở tư thế phủ phục, trên lưng là người cởi trần đóng khố, hai tay níu vành nhạc voi. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là ý tưởng cách tân, đưa hình ảnh đời sống vào nơi linh thiêng. Mặt khác, hình tượng rồng cũng nhờ đó trở nên gần gũi, mang khát vọng đời sống ấm no và chinh phục thiên nhiên.

Dấu ấn của làng gốm xưa

PGS-TS Tống Trung Tín cho biết hiện có hai cửa võng được công nhận bảo vật quốc gia. Ngoài cửa võng đình Thổ Hà, còn có cửa võng làng Diềm (Bắc Ninh). “Hai cửa võng đẹp một chín một mười. Cửa võng làng Diềm đẹp tinh tế, giàu mỹ cảm. Còn cửa võng đình Thổ Hà lại có chi tiết rất độc đáo là những đầu rồng bằng gốm được gắn vào gỗ. Cửa võng kết hợp gỗ và gốm. Nó vừa là kết hợp thú vị, vừa kể chuyện làng gốm Thổ Hà - một làng gốm cổ truyền lâu đời”, ông Tín nhận xét.
Có 5 đầu rồng bằng gốm màu nâu trên cửa võng đình Thổ Hà. Đầu rồng có hai nhánh sừng và râu mép duỗi, miệng há rộng để lộ răng nanh. Hình ảnh này gợi hình dung về sản phẩm gốm Thổ Hà xưa - vốn là trung tâm gốm nổi tiếng, từng rất hưng thịnh vào thế kỷ 17 - 18. “Đây là hình thức trang trí nghệ thuật độc đáo, chỉ có ở cửa võng đình Thổ Hà. Mỗi đầu rồng gốm ngoài biểu trưng cho sức mạnh và uy quyền còn thể hiện sự tôn vinh, trân trọng khắc họa giá trị văn hóa đặc trưng của làng nghề gốm tại nơi linh thiêng của đình làng”, hồ sơ bảo vật quốc gia viết.
Cũng theo hồ sơ bảo vật quốc gia, được tạo tác trong giai đoạn phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Lê Trung hưng, cửa võng đình Thổ Hà trở thành điển hình tiêu biểu cho đỉnh cao nghệ thuật chạm khắc thời kỳ này. Điều đó được thể hiện thông qua thủ pháp kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, kết hợp sơn thếp tinh xảo, cùng tư duy cách tân của các nghệ nhân trong từng mảng trang trí. Tác phẩm có nhiều đồ án trang trí cầu kỳ phức tạp nhưng vẫn thể hiện được bố cục cân đối, hài hòa. Việc lồng ghép chất liệu gốm và gỗ vừa làm tăng tính thẩm mỹ vừa thể hiện đặc trưng của trung tâm gốm sứ Thổ Hà nổi tiếng. Đó cũng là thông điệp của các nghệ nhân về việc trân quý văn hóa truyền thống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.