Bên lề trang sách

30/06/2007 16:18 GMT+7

Mê đọc sách từ nhỏ, lại vốn tính tỉ mẩn, thế nên trong những lần bầu bạn cùng bút tích thiêng liêng của tinh thần nhân loại đã mang đến cho tôi một thú vui: sưu tập những con chữ bên lề trang sách.

Chưa ai thống kê nhưng tôi đồ rằng, không ít người đọc sách có thói quen để lại bút tích của mình bên những trang sách đang đọc khi cảm xúc bất chợp ập đến. Những dòng chữ viết tháu ấy khi thì là những đồng cảm với tác giả (chí lý, quá xác đáng, tuyệt, rất thú…), lúc là những dòng tranh luận ngược (chưa sát thực, không hẳn thế…) thậm chí có khi là những dòng gay gắt (quá võ đoán, non nghề...); nhưng đôi khi đó cũng là những cảm xúc vu vơ hay ý tưởng thoáng đến mà nhiều khi chẳng liên quan gì đến nội dung sách, thế nên khi đọc lại chúng, lắm lúc chính người viết cũng chẳng rõ nguồn cơn. Cũng có người cẩn thận thì dùng bút màu tô đậm những câu chữ, đoạn văn mà mình tâm đắc hay dùng bút bi gạch chân những câu chữ sai chính tả, chưa chuẩn rồi chữa cái chữ mà mình cho là đúng ấy ra bên lề và khuyên tròn lại…

Một lần, may mắn được lục bộ sưu tập truyện Tam Quốc diễn nghĩa của nhà sưu tập Yên Ba, tôi như bắt được vàng khi thấy một bộ đóng thành 3 cuốn, in năm 1930 ở Sài Gòn. Sở dĩ bộ sách này quý hiếm (theo ngôn ngữ của dân chơi sách gọi là "hiểm"), không chỉ vì nó lâu năm mà còn vì hầu như chưa ai thấy một bản thứ hai! Thực ra, nó gồm những tập mỏng giá bán 15 xu một tập, đóng gộp lại, người dịch là một cái tên rất lạ: Nguyễn Chánh Sắt; do nhà in Nguyễn Văn Viết và các con ở 85-87 đường Ormay xuất bản.

Một điểm thú vị của bộ sách này là bìa mỗi tập đều đã có in hình màu ba ông Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền, trên đầu mỗi ông còn chú rõ Ngụy, Thục, Ngô. Có thể thấy vào thời buổi ấy, việc cạnh tranh trong xuất bản đã khá gay gắt khi ở cuối mỗi tập trong bộ này đều có đăng "Lời rao cần kíp" của nhà xuất bản, kêu gọi độc giả hãy mua sách "xịn" in đủ trang, đừng ham rẻ mà mua của nhà xuất bản khác bị thiếu trang thì sách sẽ không còn giá trị... Nhưng điều làm tôi thấy thú vị ở bộ sách được đóng bìa da này là trên bìa lót vẫn để lại thủ bút của một người vô danh nào đó, từng là chủ nhân của bộ sách, viết ngày 30.8.1938: "Hãy để làm kỷ niệm dấu tích của ông bà, để dành mà coi truyện xưa rất quý (có tiền mà không có truyện xưa)".

Nhà văn Nguyễn Tuân cũng để lại những chữ bên lề sách mà tôi rất thích. Đang ngồi ở thủ đô Helsinki của Phần Lan để tham dự Hội nghị hòa bình thế giới, người ngông đọc cuốn Hướng dẫn du lịch Ba Lan, có lẽ chợt thèm bát phở nóng, nhớ đến một kỷ niệm nào đó về Hà Nội (chính là gợi cảm hứng cho nhà văn tài hoa và kiêu bạc này viết nên thiên tùy bút bất hủ - Phở), ông cầm cái bút chì (vật bất ly thân mỗi khi ngồi đọc sách) mà ghi lên mép quyển sách dòng chữ "Phố Hàng Bạc, số nhà 49 (địa chỉ nhà riêng - NV), năm 1910". Còn trong quyển Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc tặng, chỗ phố Hàng Bạc và ngõ Gạch, Nguyễn Tuân đề nét chữ gai góc bằng bút chì "đình Cổ Lương ngõ số 28 Án sát Siêu" và câu ca dao về phố phường ấy, dễ chừng ông đã thuộc lòng từ thuở ấu thơ: "Nên ra thì múa tứ linh/ Không nên thì lại nằm đình Cổ Lương".

Cha tôi chúa ghét những ai không biết nâng niu sách. Ngày xưa, cứ thấy chúng tôi giở trang sách soàn soạt là cha xót và mắng: "Lật trang sách mà cứ như đánh trâu đi cày thế thì còn gì là sách". Cũng đã không biết bao nhiêu lần chị em tôi bị viết bản kiểm điểm, thậm chí bị đánh đòn vì tội… dám đánh dấu sách bằng cách gấp mép những trang đang đọc dở. Người bảo như thế thì chẳng mấy chốc mà những vết gấp ấy sẽ thành nếp, rồi trang sách bợt và rách mất. Nghiêm khắc phê bình xong, cha lại cần mẫn đi kiếm cho chúng tôi những chiếc lông gà, lông công, lông ngỗng thật đẹp hay vót một chiếc tăm bằng tre cật, dài và nhẵn, tặng chị em tôi để đánh dấu những trang sách đang đọc. Mãi đến tận bây giờ, người vẫn giữ thói quen kiểm tra thư phòng của tôi để uốn nắn chuyện đọc sách.

Một bận, cầm cuốn sách viết về bản lĩnh Việt Nam mà tôi đang đọc, ở một trang, thấy bên câu "Đi tắt đón đầu", tôi ngoặc một mũi tên xuống lề dưới rồi chú thêm dòng: "Nhưng nên nhớ là ông bà ta cũng có câu: "Nẻo tắt là đường vòng", cha con tôi đã tranh luận gay gắt cả tiếng đồng hồ về chuyện "Đi tắt" là ưu thời hay thói khôn lỏi. Nhưng nghiêm trọng nhất là cái lần tình cờ lật giở trang đầu tiên của cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy (Nicolai Oxtrovxki), thấy tôi viết xiên xẹo mấy dòng bằng lẫn lộn hai thứ mực bút bi và bút chì: "Mua lần thứ 7 vì cái bìa đẹp vẽ khuôn mặt của người đàn ông bản lĩnh với đôi mắt cương nghị và ám ảnh.

Cũng bởi vì lần tái bản này, người ta không bắt độc giả thưởng thức cái kiểu phiên âm ngô ngọng tên riêng và tên địa danh nước ngoài… Để nhớ về cuốn sách đầu tiên mà bố bắt đọc cho xong rồi mới thưởng cho tiếp cận Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) và Thủy hử (Thi Nại Am) - những cuốn sách mà mình chết mê chết mệt". Cha gọi ngay tôi lên mà phê bình giữa những tiếng chép miệng: "Anh lớn rồi mà tính nết vẫn còn nhẩng nháo lắm. Viết thế này, sách vừa lem nhem mà ngộ nhỡ mai mốt trẻ con đọc được thì chúng nghĩ thế nào?". Tôi chùng người theo tiếng thở dài đánh thượt của cha…

…V.I.Lenin đã gom và hệ thống những ý kiến "lặt vặt" ghi bên lề khi ông đọc các tác phẩm của triết gia Hegel thành tác phẩm Bút ký triết học nổi tiếng và được các nhà lý luận hậu sinh xem như sách gối đầu giường. Đang đọc một giáo khoa thư toán pháp, Fermat (1601-1665) đã cẩu thả một cách vĩ đại và đáng yêu khi để lại bút tích: "Bởi lề quá chật, tôi không chép ra cách giải bài toán này". Sự ẩu đoảng vô tư của ông đã thử thách hàng ngàn bộ óc ưu tú trong suốt đằng đẵng vài ba thế kỷ. Những dòng chữ bên lề ấy đã khoác cho những cuốn sách một vẻ lung linh khác thường.

Chữ bên lề sách không đơn thuần chỉ là chuyện ngoài lề mà vọng từ đấy, còn là sở học, nhân cách và tâm tính của người đọc sách. Tôi thì cứ đoan chắc đó là một điều thú vị và đeo đuổi sở thích sưu tầm những con chữ bên lề trang sách. Còn cha tôi, chắc hẳn khi đọc những dòng này, người sẽ cho tôi là ngụy biện cho cố tật của mình, cái mà người cho là phóng túng và nhếch nhác.

Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.