Bay - Truyện ngắn của Phan Thúy Hà

Bác tôi làm chủ ghi số lô đề. Một lần bị bắt, đi tù cả năm trời. Ra tù bác lại tiếp tục công việc cũ. Khi bác ngồi tù, bố tôi vào thăm nuôi bốn lần. Vậy là tình cảm rồi. Vì nếu bác ở nhà, một năm bố và bác chỉ gặp nhau hai lần là khi đám giỗ ông bà nội.

Bà nội ở với bố tôi cho đến ngày cuối cùng. Sau khi bà mất, bác đòi bố chia nhà. Ban đầu bố không chịu, vì ngày bác ra ở riêng bà nội đã chia đôi thửa đất, bác bán đi mua chỗ mới, còn dư tiền xây nhà đẹp. Nhưng bác làm căng quá, lại kéo cả hai anh con trai bác và một chú người quen làm ở phường tới nữa nên không chia không được. Bác bảo bố chỉ có con gái, chết rồi cũng phải nhờ cậy con trai bác hương khói, tính toán hơn thiệt làm gì. Bác nhận 3/7 diện tích đất rồi bán luôn. Người mua đất là bốn mẹ con đơn thân. Họ xây ngôi nhà hai tầng, choán gần hết lối ra vào nhà tôi. Chúng tôi thêm một người hàng xóm làm nghề gái gọi. Bố đe ba chị em tôi không được giao du với thành phần mạt hạng. Mẹ thì bảo, nghề nào chả là nghề, có ăn cắp ăn trộm của ai đâu. Mẹ mày trình độ lớp mười chỉ nghĩ được đến đó thôi. Tôi lườm bố. Bố đừng nói thế. Mẹ quát, mày im đi, cứ để ông ấy nói.
Mẹ không tin có sự tốt đẹp trong cuộc này. Bởi mẹ nghĩ, ngay người trong gia đình, ruột rà đó, mà người ta vẫn đối xử với nhau không ra gì, thì làm sao đòi hỏi người bên ngoài tốt với mình. Là mẹ đang nói về mối quan hệ với bên nhà ngoại. Ông bà ngoại trọng con trai, coi thường con gái. Mỗi lần bên nhà có chuyện các bác gọi một tiếng là mẹ tất tưởi bỏ việc nhà sang lo, nhưng đến bữa cơm phải ngồi một mình ăn trong phòng bếp. Thật không hiểu sao đến thời đại này rồi những người trong họ hàng nhà tôi vẫn còn tư tưởng cổ hữu đó. Tôi bảo mẹ lần sau đừng bao đồng vậy nữa. Mẹ gạt đi, không sang các bác để yên cho đấy à. Mẹ kể ba chị em tôi chưa đứa nào được bà ngoại ẵm bế một lần. Có đợt bên nhà nội khổ quá mẹ bế tôi về, cả tháng ở với bà ngoại mà bà không nhìn mặt tôi lấy một lần. Ở nơi nào mẹ con chúng tôi cũng bị gạt ra bên lề cuộc sống chung của gia đình.
Chẳng ai tử tế gì đâu. Chúng mày một lũ ngu ngơ rồi chả sống được ở cái đất này. Mẹ luôn truyền cho chị em tôi suy nghĩ cực đoan rút ra từ cuộc đời nhiều cay đắng của mình.
***
Tôi học xong cao đẳng hai năm rồi nhưng vẫn ở nhà. Mẹ không cho tôi đi xin việc làm. Hàng ngày tôi phụ mẹ việc may quần áo trẻ con và đi học tiếng Anh. Tiếng Anh tôi khá ổn nhưng mẹ chưa hài lòng, ép đi học thêm ở những trung tâm lớn.
Một ngày mẹ kêu tôi ra phố. Mẹ dẫn tôi đi mua mỹ phẩm, váy đẹp, nữ trang và cả nước hoa, dầu thơm. Từ nay con phải ăn diện. Nhan sắc con không đến nỗi nào đâu. Tôi ngơ ngác. Tôi luống cuống. Tôi cảm động muốn khóc. Từ nhỏ tới giờ mẹ không cho tôi mặc đẹp. Hai mươi ba tuổi rồi nhưng quần áo tôi mặc đều lỗi mốt. Ám ảnh suốt tuổi học sinh của tôi là nghe mẹ chê xấu. Mẹ chê tôi có cái mũi giống bố, rất to và thô thiển. Mẹ chê nhiều tới mức mỗi lần soi gương tôi đều nhìn xoáy vào đó và lấy đầu các ngón tay day mạnh tới mức nó xù xì, bong tróc. Đêm ngủ tôi cũng đặt tay lên che đậy không cho Chúa nhìn thấy cái mũi dị hợm. Một sáng tỉnh dậy tôi thấy máu mũi chảy ra. Mẹ lại nghĩ tôi bị ung thư mũi, đưa đi xét nghiệm. Bác sĩ bảo tại tôi căng thẳng quá nên bị thế. Buông tha cái mũi thì mẹ lại chê tôi ngực lép. Mẹ nói với vài người mẹ cũng có con bằng tuổi tôi, con bé này tôi lo rồi sau đẻ con không có sữa đâu. Bị mẹ mắng mỏ, chê bai đủ điều nhưng lúc nào tôi cũng muốn được sà vào lòng mẹ như đứa em út. Con bé được mẹ cưng chiều. Mẹ ôm ấp, thơm tho nó nhưng tôi cứ áp vào là mẹ kiếm cớ hất ra thô bạo. Em út không làm bất cứ việc gì trong nhà nhưng nói câu nào mẹ mát lòng câu đó. Còn tôi, mẹ bảo, nhìn cái mặt đã thấy ghét, lời nói toàn khó nghe. Mẹ luôn nghĩ vậy nên tôi càng muốn chọc giận mẹ. Tôi không giả câm giả điếc như lời bố luôn nhắc nhở được. Tôi thà chọc giận mẹ rồi bị mẹ mắng chửi còn hơn là hai mẹ con ngồi làm với nhau cả ngày mà không nói câu nào. Tôi sợ không khí căng thẳng nhưng cũng sợ sự im lặng. Người ta bảo, sống lâu với môi trường nào rồi cũng quen nhưng sao tôi không thể quen được việc bị mẹ mắng mỏ. Mỗi lần nghe mẹ lên tiếng là đầu óc tôi trở nên đần độn. Lần đầu tiên thi đại học bị trượt, tôi khóc. Mẹ bảo im đi, khóc được gì chứ. Từ đó tôi không bao giờ khóc nữa. Bây giờ nếu khóc mà chứng minh được với mẹ rằng tôi thương mẹ nhất trên đời có lẽ tôi sẽ khóc không cầm được nước mắt.
Hôm nay mẹ gấp gáp làm đẹp cho tôi là vì có người hứa hẹn đứng ra mai mối tôi với một Việt kiều Mỹ. Người này nghe giới thiệu sơ qua là hơn tôi 16 tuổi, nổi tiếng ăn chơi, thích con gái nhà lành. Tôi hoảng hốt. Mẹ dỗ dành ngọt nhạt. Dỗ dành không được mẹ nghiêm mặt. Thế con có thương mẹ không. Thương mẹ thì phải biết hy sinh.
Mẹ sang nhờ chị hàng xóm chỉ dẫn tôi cách giao tiếp với đàn ông. Em gái tôi dằn dỗi, ghen tị đứng ở hiên nhà nhìn chị hướng dẫn tôi từng động tác, cử chỉ khi đi chơi riêng với anh Việt kiều. Khi anh ta luồn tay vào áo thì tôi phải ngửa mặt kiễng chân thế nào, hơi thở dồn dập ra sao cho quyến rũ. Tôi làm theo, không sai một động tác nào. Vậy mà chưa được hai tháng anh đã bỏ đi. Anh chê tôi hiền quá đâm khờ. Nửa đêm có tin nhắn mẹ cũng dựng tôi dậy đọc xem có phải anh ta nhắn cho mình không. Biết là không phải rồi mẹ vẫn ép tôi nhắn tin cầu xin anh ta nghĩ lại, chấp nhận chồng tiền cao hơn. Tôi không nhắn, mẹ giật điện thoại soạn tin.
Vậy là sau hai tháng được sống trong yêu chiều mối quan hệ giữa tôi và mẹ lại trở về như trước. Mẹ chửi tôi vụng về không biết mời mọc đàn ông. Chị hàng xóm sang khích bác mẹ, tại chị tốn tiền cho nó học nhiều nên mới vậy, phải con em thì xong rồi. Mà nhà chị cũng lạ, có bấy nhiêu tiền rồi còn bày đặt chồng con ngoại quốc làm chi nữa. Thôi cô về đi, cô có phải nhà tôi đâu mà hiểu chuyện, giọng mẹ nóng nảy.
Có phải tôi khờ quá không. Hồi đi học có lần mấy đứa con trai trong lớp xúm lại xin tôi 500 đồng. Tôi đổ cặp ra bàn tìm bằng được tờ 500 cất rất kỹ từ lâu. Chúng nó cười hô hố, mày nghĩ bọn tao cần 500 đồng thật à, sao ngu vậy, 500 thì làm được cái gì chứ. Tôi ngẩn ra một lúc mới hiểu chúng nó chọc quê mình. Về nhà kể chuyện này với bố, bố bảo rồi con vẫn cứ phải sống với cái lũ khốn đó dài dài.
***
Mẹ lại bỏ ra năm mươi triệu chạy bộ hồ sơ ảo cho tôi sang Mỹ theo diện du học. Mục đích chính tất nhiên là gắng ôm đại một ai đó. Đàn ông lông bông trên dưới bốn mươi chả thiếu, con cứ chắc chắn xong xuôi rồi nhắn về nhà, bố mẹ gửi tiền sang.
Mẹ ra chợ mua món gì cũng nâng lên đặt xuống tính toán đến mệt nhưng không tiếc năm trăm triệu đưa cho anh Việt kiều nếu đồng ý lấy tôi làm vợ. Mẹ không dám mua một cái áo mặc cho tử tế nhưng vẫn có đủ tiền cho con gái mua nhà ở Mỹ nếu con có quốc tịch ở đó. Nếu sang đó con bất hạnh thì sao. Bỏ về là cùng, mẹ chấp luôn, mày nghĩ cứ lấy chồng ở nhà là có hạnh phúc à. Với mẹ, lúc này tôi phải hừng hực tư tưởng sang Mỹ. Đi rồi vỡ mộng bỏ về cũng cam lòng, như vậy là mình đã cố hết sức rồi, không có gì phải dằn vặt với trăn trở của ông nội trước lúc nhắm mắt. Ông nội hai lần vượt biên nhưng không thành.
Mỗi lần mẹ bảo tôi mặc quần áo trang nghiêm đi nhà thờ là tôi lại tìm cớ lẩn trốn. Tôi giận Chúa. Ngày nào mẹ cũng đi nhà thờ cầu nguyện cho tôi qua được vòng phỏng vấn. Sao Chúa không nghe thấu lời thỉnh cầu của mẹ. Hồ sơ của tôi bị nghi ngờ.
Tôi không dám nhìn vào đôi mắt u sầu của mẹ. Đôi mắt chứa đựng sự chờ đợi, mỏi mong mà tôi không thể nào đáp ứng được.
Mẹ quá muộn phiền vì đứa con gái thứ hai rồi, tôi không nỡ bắt mẹ chịu thêm nỗi thất vọng về mình. Đêm nay em lại bỏ đi. Tội nghiệp em tôi, yêu mà chưa khi nào được đáp lại. Nó khao khát một lần được ai đó ôm mà không được. Mẹ bảo, nó dại tình rồi, con bé này coi như hỏng. Gần mười hai giờ đêm mẹ hốt hoảng bắt tôi ra nghĩa địa tìm em. Tôi biết nó không tới đó nhưng đầu óc mẹ lúc này hoảng loạn khiến tôi không bình tĩnh nữa. Tôi dắt xe máy đi. Từ nhà tôi ra nghĩa địa chưa tới năm trăm mét nhưng có tiếng ồn của xe máy tôi đỡ run. Hai giờ sáng nó về. Bố mẹ không ai nói câu gì. Sợ nó điên khùng lên bỏ đi lần nữa. Mẹ sỗ sàng ném vào tôi bao cay nghiệt nhưng với nó mẹ phải giữ ý từng lời.
Bố bảo, sống với mẹ chỉ có ai thần kinh mạnh mới không điên. Bố cưng chiều tôi. Bố ngọt ngào với tôi. Những khi say bố gọi tôi là trai của bố. Tôi nổi giận bố cũng cười. Bố bảo, khi con ương bướng nhìn dễ thương, rất khí phách. Nửa đêm tôi muốn ăn kem bố cũng đi tìm còn cửa hàng nào mở cửa không mua về cho tôi. Bố dạy tôi lòng vị tha nhưng bố lại luôn nói những lời hằn học về cuộc sống. Bố bênh vực tôi, yêu chiều tôi là thế mà sao bố lại ngấm ngầm đoàn kết với mẹ tạo sức ép cho tôi phải ra nước ngoài. Sao bố không thẳng thừng như mẹ. Tôi thấy phân vân về con người bố.
***
Sắp tới ngày đi phỏng vấn lần thứ hai. Tôi xót số tiền bố mẹ bỏ ra. Tâm trạng chán chường. Chưa đi mà tôi đã cầm chắc phần trượt. Tôi muốn nhà mình nghèo lại như xưa. Nếu không có tiền chắc sẽ không có vụ mai mối, không có chuyện chạy hồ sơ du học thế này. Bố mẹ ép vậy khác gì bán con. Con uất quá cắn lưỡi chết. Mẹ tát tôi. Con này nói gì mà ngu, tao thách mày đó. Bố mẹ nuôi mày lớn chừng này rồi, muốn mày hy sinh một tí vậy có gì mà oan ức. Bố động viên tôi, rằng con khá nhất trong mấy đứa nên bố mẹ mới không tiếc tiền đầu tư, nhiều đứa muốn đi mà đâu có điều kiện như nhà mình. Mẹ chen ngang, bố mày là đại học đó, đi một vòng rồi cũng về giúp việc cho tao, đồng tiền làm ra có dễ dàng gì đâu. Mày ngang bướng thì lấy chồng ngay đi, lấy xong rồi biến đi đâu thật xa cho khuất mắt, đỡ thị phi.
***
Tôi trở nên ghiền xem tử vi khi nào không rõ nữa. Tôi mở trang web xem tử vi. Bạn diễn đàn ái mộ tôi. Họ gửi lá số tới nhờ tôi đọc, chụp ảnh bàn tay nhờ tôi xem. Họ gọi tôi là thầy. Cầu cứu, hy vọng vào quyền năng nào đó có thể có ở thầy. Tôi sợ. Tôi thoát khỏi diễn đàn, giữ mối liên lạc với duy nhất người đàn ông trầm mặc. Nó con nhà thế nào, tương lai ra sao… Bố dồn dập hỏi khi tôi thổ lộ mối quen biết mới này. Tập trung vào vụ du học đi con. Tôi vâng.
***
“Sao mày lườm tao?”.
“Sao khi nào mẹ cũng đa nghi vậy?”.
“Tại cái mặt mày cứ xị ra một cục”.
Chị hàng xóm vào can. Em là con, cha mẹ sai cũng không được cãi. Lỡ mẹ chết không kịp báo hiếu đó em. Rồi chị kể một thôi một hồi những đứa con ngoan của chị. Ba đứa con ba người bố, đứa nào cũng coi mẹ như ông trời. Chị về rồi, bố bảo nghe nó oang oang tao chỉ muốn tống nắm đấm vào mõm nó.
Tiếng kéo cắt vải, tiếng máy khâu dập. Mẹ lại cắm mặt vào thiết kế các mẫu quần áo cho trẻ con. Tôi giúp mẹ dập cúc, đục khuy, cắm máy là. Bố nhận những đơn hàng rồi chuyển đi cho người ta. Một năm mẹ làm thêm được một sổ tiết kiệm gửi ngân hàng. Và họ không ngừng vẽ ra tương lai tôi ở Mỹ, như thể chuyện đó nhất định xảy ra.
Bố mẹ sai rồi. Con không thể liều mình. Tôi nghĩ mà không nói ra được. Tôi đang tiếp tay cho bố mẹ hủy hoại đời mình nhưng tôi cũng không nỡ chống lại mong mỏi của họ. Nghiêng theo phía nào tôi cũng là đứa con mắc tội.
Tôi ước mình có cánh để bay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.