Báu vật sống Tây nguyên - Kỳ 3: A Jar mê dịch sử thi

14/01/2015 08:08 GMT+7

Sợ sử thi dân tộc mất dần, ông A Jar ở làng Plei Đôn, P.Quang Trung, TP.Kon Tum đã mày mò dịch và thành công với việc dịch hàng chục bộ sử thi Tây nguyên sang chữ quốc ngữ. A Jar được xem là người duy nhất dịch sử thi Ba Na, Xê Đăng ở vùng đất này.

Sợ sử thi dân tộc mất dần, ông A Jar ở làng Plei Đôn, P.Quang Trung, TP.Kon Tum đã mày mò dịch và thành công với việc dịch hàng chục bộ sử thi Tây nguyên sang chữ quốc ngữ. A Jar được xem là người duy nhất dịch sử thi Ba Na, Xê Đăng ở vùng đất này.

Hằng ngày ông A Jar vẫn miệt mài dịch sử thi, ca dao, tục ngữ của người Ba Na và Xê Đăng - Ảnh: Xuân Thọ
Hằng ngày ông A Jar vẫn miệt mài dịch sử thi, ca dao, tục ngữ của người Ba Na và Xê Đăng - Ảnh: Xuân Thọ
Tuy tuổi gần thất thập nhưng ông A Jar vẫn còn nhanh nhẹn và rất hồn nhiên, vui tính. Ông bảo người dân tộc thiểu số phải hồn nhiên, còn hồn nhiên nghĩa là còn giữ được hồn dân tộc mình.
Cái chữ cũng làm no cái bụng
67 năm về trước, cậu bé A Jar người Xê Đăng cất tiếng khóc chào đời giữa đại ngàn Đăk Hà (Kon Tum). Chưa đầy hai tuổi, cậu mồ côi mẹ. 5 năm sau, A Jar lại mất cha khi vừa chớm nhận cảm hứng sử thi từ đấng sinh thành.
Mồ côi cả cha lẫn mẹ, A Jar lớn lên bằng tình yêu của người dân trong làng, nhất là trong những đêm ngập tràn hơ mon (kể khan, một thể loại hát kể sử thi). A Jar rất chăm học, vì vậy cậu luôn tìm mọi cách để làm quen với con chữ. Năm 1974, A Jar tốt nghiệp Trường quốc gia hành chính Sài Gòn. Tiếng Pháp là ngoại ngữ đầu tiên ông học ở Huế từ hồi lớp 6. Còn tiếng Anh, ông tự học thời trung học phổ thông. Ông thạo cả tiếng Kinh và Ba Na.
Cũng vì ham học mà A Jar phải... ăn bám vợ do không thiết tha gì với nương rẫy. Con nheo nhóc, vợ buồn, A Jar biết nhưng bởi “cái chữ nó cứ luẩn quẩn trong đầu mình mãi nên chẳng có thời gian cầm cuốc cầm rựa”. Một lần nhà hết gạo, A Jar lang thang và trách mình bỏ vợ con đói khổ. Trong lúc chán chường, ông may gặp mấy người khách nước ngoài đang tìm đường đến vài điểm du lịch liền nhận làm người hướng dẫn. Lần đó ông được trả 150.000 đồng tiền thù lao và chạy ngay đi mua bao gạo hết 120.000 đồng. Nghe ông kể lại, vợ trố mắt ngạc nhiên “Thế cái chữ nó cũng làm no cái bụng à?”.
Sau lần đó, A Jar “bắt mối” làm hướng dẫn viên du lịch cho khách nước ngoài. Công việc này giúp cho vợ con ông khỏi sợ bị đói. Cái bụng được no, ông dành nhiều thời gian và công sức cho việc dịch những câu tục ngữ, sử thi của người Xê Đăng và Ba Na cho thỏa lòng đam mê và để “muốn nhiều người biết đến nó, biết đến văn hóa, văn nghệ của dân tộc mình”.
Còn ai dịch sử thi ?
Ông A Jar bắt đầu dịch sử thi vào cuối những năm 1980. Đến năm 1994 thì ông có bài đăng báo đầu tiên, đó là một truyện cổ do ông ghi chép và dịch in trên Báo Kon Tum. Những năm sau đó, trên tờ báo địa phương này và một số báo về văn hóa thường xuất hiện cái tên A Jar dưới mỗi bài dịch với những câu chuyện, tục ngữ, lễ hội của người Ba Na, Xê Đăng. Sau đó, ông được Trung tâm văn hóa thông tin triển lãm Kon Tum thuê dịch các bản sử thi. Tiền công tuy ít, nhưng A Jar vẫn say mê làm việc vì được thỏa lòng mong muốn. Những lúc rảnh hay nghe ở đâu có những câu chuyện sử thi hay là ông tìm đến, ghi chép lại để về dịch. Tuy vậy, ông bảo rằng ông không phải là người sưu tầm mà phần lớn chỉ dịch sử thi từ sưu tầm của những người lớn tuổi thuộc nhiều sử thi như A Lưu, A Bek, Y Nhéo...
Từ tháng 10.2001 đến năm 2007, dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây nguyên do Viện Khoa học xã hội VN phối hợp với một số tỉnh Tây nguyên và phụ cận được thực hiện. Nhờ bạn bè và một số thông tin khác, A Jar đã gặp và làm việc với PGS-TS Võ Văn Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN trong 5 năm ròng rã. Từ những đoạn băng ghi âm được giao, A Jar mở lên nghe lại, ghi chép ra và chuyển ngữ từ Ba Na, Xê Đăng sang tiếng Việt. Ông bảo thời gian đầu rất khó khăn: “Trước đây đã dịch nhưng là... dịch chơi. Nay người ta yêu cầu mình phải dịch cho hoàn chỉnh, bài bản. PGS-TS Trọng phải mất hơn một năm trời kèm cặp, mình mới tiến bộ hơn đấy”. A Jar cho biết có lần ở Kon Tum người ta phát hiện 2 bộ sử thi liên hoàn của người Ba Na và Xê Đăng, mỗi bộ có đến 100 tác phẩm.
Sáu năm sau ngày dự án trên kết thúc, dù mong muốn nhưng A Jar rất khó khăn trong việc tiếp tục dịch sử thi vì không có tiền. Giọng ông chùng xuống: “Mình mong nhà nước nên nhanh chóng tiếp tục công việc này, bởi những người thuộc sử thi hầu hết đã già yếu. Mình sợ mai này mình chết thì sẽ không còn người dịch sử thi nữa”.
Ông bảo ông đang có một niềm vui nho nhỏ là “mang tin tức đến cho đồng bào”. Rồi ông giải thích, đó là phụ trách dịch những tin, bài cho tờ báo ảnh dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số của Báo Kon Tum, mỗi tháng 1 số, tiền công 1 triệu đồng. Hằng tháng, Báo Kon Tum chuyển tin, bài bằng tiếng Việt đến và A Jar dịch sang tiếng Ba Na, Xê Đăng.
PGS-TS Võ Văn Trọng nói: “Tôi đánh giá cao những bản dịch của ông A Jar, tuy ban đầu còn nhiều khiếm khuyết. Ông ấy là người chịu khó, ham học và rất giỏi, rất am hiểu văn hóa các dân tộc ít người ở Kon Tum. Có lẽ những điều này giúp ông thành công khi dịch sử thi nếu so với người khác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.