Bất ngờ lòng đất - Kỳ 6: Bí ẩn ngôi nhà cổ nghìn năm

11/08/2015 06:31 GMT+7

Những phát hiện lẻ tẻ của người dân đã giúp giới khảo cổ mở liên tiếp các cuộc khai quật và chạm tay đến ngôi nhà sàn cổ niên đại thế kỷ thứ 1, nhưng rồi những bí mật từ tro than ấy vẫn như đang thách đố...

Những phát hiện lẻ tẻ của người dân đã giúp giới khảo cổ mở liên tiếp các cuộc khai quật và chạm tay đến ngôi nhà sàn cổ niên đại thế kỷ thứ 1, nhưng rồi những bí mật từ tro than ấy vẫn như đang thách đố...

Khu vực từng phát lộ nhà sàn cổ ở di chỉ Mậu Hòa - Ảnh: H.X.H
Khu vực từng phát lộ nhà sàn cổ ở di chỉ Mậu Hòa - Ảnh: H.X.H
Từ bình gốm, lần ra nhà cổ
Cuối năm 1997, một người dân ở làng Mậu Hòa (xã Duy Trung, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) nhặt được chiếc bình hình trứng nguyên vẹn đã mang đến Phòng VH-TT H.Duy Xuyên. Tại khu đất trước chùa Mậu Hòa, trong khi làm nhà, ông Phạm Đông phát hiện một bộ linga - yoni bằng sa thạch liền khối nằm lẫn trong đống gạch ngói Chăm đổ vỡ... Những phát hiện “lẻ tẻ” ấy từ phía người dân đã tạo manh mối cho Phòng VH-TT H.Duy Xuyên mở cuộc đào thăm dò di chỉ Gò Cấm - Mậu Hòa hồi tháng 10.1998. Cũng từ đây, các nhà nghiên cứu bắt đầu nghĩ về một “di chỉ Trà Kiệu thứ 2”.
TS Nguyễn Kim Dung (Viện Khảo cổ học) đã có báo cáo chi tiết về 2 đợt khai quật di chỉ Gò Cấm vào các năm 2001, 2002 tại Mậu Hòa với tư cách trưởng đoàn khai quật, với sự hợp tác của TS Yamagata Mariko (Nhật Bản), TS Ian C.Glover (Anh). Trước đó, họ đã thám sát phía tây bắc di chỉ. Tất cả chỉ để giải tỏa những thắc mắc “chưa thể giải đáp” mà nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Kim Dung vẫn thường xuyên thảo luận, rằng có hay không những di tích khảo cổ học mang tính chất Trà Kiệu tại Quảng Nam?
Nhưng nhà sàn bằng gỗ bị cháy nằm trọn vẹn trong 2 hố đào đã đẩy câu chuyện đi xa hơn rất nhiều so với ý định ban đầu, thậm chí có nhà nghiên cứu nhìn nhận đây là phát hiện quan trọng mang tầm khu vực Đông Nam Á. Đó là nhà gỗ nằm trong di tích có niên đại cuối thế kỷ 1 - đầu thế kỷ 2, diện tích sàn khoảng 100 m2, được ghép bằng những tấm ván rộng, bên dưới có chân kê bằng gỗ nguyên cây cắt phẳng. Tường nhà buộc đứng bằng những cây que nhỏ và trát đất sét rất dày, mái che ngói âm dương với kỹ thuật làm ngói điển hình của giai đoạn nhà Hán...
“Chưa từng thấy ở đâu”
Đã ngót 13 năm kể từ ngày chạm đến tro than Mậu Hòa, TS Nguyễn Kim Dung (nghỉ hưu năm 2008) vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với di chỉ phát lộ sàn nhà cháy và nhất là thành đông Trà Kiệu, nơi bà đang chỉnh lý hồ sơ khai quật. “Tôi đã trình bày nhiều lần về công năng nhà gỗ này và nhận được sự đồng thuận của các nhà khảo cổ quốc tế. Có thể đây là một trạm kiểm soát giao thông và buôn bán giữa vùng biển và miền núi qua nhánh sông Bà Rén. Tuy nhiên, còn phải nghiên cứu nhiều hơn nữa và căn cứ vào các tư liệu lịch sử thành văn”, TS Dung nói.
Sự dè dặt của vị trưởng nhóm nghiên cứu càng khiến cho ngôi nhà cổ thêm bí ẩn. Báo cáo kết thúc đợt khai quật, nhóm vẫn “chưa thể kết luận” về cấu trúc và chức năng của ngôi nhà, vị trí của chủ nhân, mật độ phân bố nhà trên toàn bộ di chỉ. Thậm chí, họ cho biết chưa đủ điều kiện kiểm chứng khu vực này có liên quan đến sản xuất ngói theo phương pháp thủ công ngoài trời hay không, ngoài một điều chắc chắn: Gò Cấm - Mậu Hòa là di chỉ cư trú. Cũng đã có nhà nghiên cứu kết nối sự kiện này với chi tiết trong sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết khoảng năm 1553) để đoán định về loại hình nhà sàn tránh hổ dữ ở vùng này, qua đoạn:
“…Hóa Khê và Cẩm Lệ/Ngăn cá sấu bằng rào/Lỗi Sơn và Chiếm Sơn/Đóng cửa ngừa mãnh hổ/Đàn bà mặc áo Chiêm/Con trai cầm quạt Tàu”.
Mặc dù vậy, TS Nguyễn Kim Dung vẫn đang lưu giữ cảm xúc của lần đầu chạm đến một di chỉ “chưa từng thấy ở đâu”, và xen lẫn chút tiếc nuối. “Đấy là bằng chứng rất giá trị về kiến trúc, đặt cho chúng ta các câu hỏi về thời điểm du nhập kỹ thuật sản xuất ngói du nhập miền Trung, rồi sau đó được bản địa hóa ra sao. Nhưng càng ngày càng thấy khó khăn về kinh phí. Tôi và đoàn chuyên gia Nhật Bản vừa ghé thăm di chỉ Gò Cấm. Ngay đến mái che bên trên nơi phát lộ sàn nhà cổ cũng đã bị bão thổi tung mất rồi”, bà Dung tâm sự.
Bên trên các tấm ván lớn, cột nhà và mẩu tro than Mậu Hòa khoảng 40 cm bây giờ là phơi phóng của người dân, mặc dù UBND tỉnh đã công nhận di tích cấp tỉnh và khoanh vùng bảo vệ từ tháng 11.2005. Cạnh đó là sân bóng và nơi dựng các đụn rơm. Xe tải nặng bị cấm tiệt vào khu vực này, vì sợ tổn hại sàn nhà cổ bên dưới… Bí mật mà ngôi nhà cổ Mậu Hòa nắm giữ, những tưởng đã được hé lộ phần nào, lại tiếp tục chìm vào “giấc ngủ” dài như đã từng im lặng hơn 2.000 năm.
Sự kiện phát hiện nhà cổ và nhiều vật dụng ở di chỉ Mậu Hòa ngày 26.11.2001 đã được nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc liệt kê vào “niên biểu Quảng Nam” trong cuốn Người Quảng Nam (NXB Trẻ - 2012), cùng với hơn 370 sự kiện lịch sử - văn hóa tiêu biểu của xứ Quảng kể từ năm 982 khi Lê Hoàn tiến quân vào tận kinh đô Indrapura (nay là Đồng Dương, H.Thăng Bình) cho đến năm 2010.
Tác giả Lê Minh Quốc bình luận: “Đây là phát hiện rất quan trọng với ngành khảo cổ học VN vì từ trước đến nay, nhà cổ ở VN chỉ được nhìn thấy trên các trống đồng ở phía bắc hoặc hình vẽ trên các tháp Chăm tại miền Trung”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.