Bật mí bí mật 'công thức' của giải Oscar

28/02/2019 13:39 GMT+7

Hơn 90 năm, lễ trao giải Oscar là sự kiện quan trọng bậc nhất của Hollywood. Với từng ấy thời gian, các chuyên gia giải trí cho rằng có thể dựa vào đó mà tìm thấy một 'công thức' giành chiến thắng.

Chí ít các thống kê dẫn đến công thức này đã đúng trong tiêu chí chọn hạng mục giải Phim xuất sắc nhất của Oscar. Tỷ lệ đến 93% các xuất phẩm điện ảnh đoạt Best Picture of the Year từ trước đến nay đều là những phim chính kịch, trong khi các tác phẩm hành động và giả tưởng đoạt giải chỉ chiếm con số nhỏ nhoi, 2%. Một thiên lệch khó thể không chú ý.

Từ ngày Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tổ chức tại khách sạn Hollywood Roosevelt vào năm 1929 đến nay, cái tên Oscar đã được người ta quan tâm hơn khi tất cả những gì hào nhoáng và lộng lẫy nhất của nền công nghiệp điện ảnh của Mỹ đều được phô bày. Tuy nhiên, với những người trong cuộc, có vẻ hào quang rực rỡ ấy nay đã bắt đầu lu mờ. Giải Oscar năm 2018 có tỷ lệ thu hút khán giả truyền hình thấp kỷ lục, giảm gần 20% so với năm trước. Có nhiều bằng chứng cho thấy giải điện ảnh danh giá của Mỹ đang có vấn đề và xem chừng khán giả cũng đang “né” dần nó bởi thấy mình bị… lừa!
Phải chăng vẻ hào quang rực rỡ của giải Oscar đã bắt đầu lu mờ?  Ảnh: Reuters

Thực tế, Oscar có vẻ đúng là một "phi vụ" làm ăn béo bở. Theo nghiên cứu gần đây, trung bình mỗi hãng phim phải chi lố thêm 10 triệu USD để chạy đua cho chiến dịch Oscar. Nghe đến số tiền thì rất khủng nhưng thực sự không phải là một cú đầu tư tồi. Trong 4 năm vừa qua, những bộ phim đoạt giải xuất sắc đã bỏ túi thêm được 19 triệu USD phòng vé, chiếm hơn 42% tổng doanh số vé bán ra. Chẳng hạn phim The King Speech, ban đầu được dự đoán chỉ thu về 30 triệu USD, nhưng sau khi được đề cử và chiến thắng Oscar 2011, phim tiếp tục kiếm được hơn 400 triệu USD. Ngày nay, Oscar không chỉ là một lễ trao giải mà còn là một sự kiện để tiếp thị. Phim The Deer Hunter đoạt giải Phim xuất sắc nhất năm 1979, là xuất phẩm điện ảnh đầu tiên tận dụng giải Oscar như một chiến lược kinh doanh. Hãng Universal Studios từng lo lắng phim sẽ thất bại về mặt thương mại do nội dung ảm đạm và buồn bã. Họ quyết định chọn cách thu hút khán giả là tận dụng “chiêu trò” để giành cho được giải Oscar. Và tính toán ấy đã đúng.

Harvey Weinstein, đạo diễn kiêm nhà sản xuất phim dính tai tiếng quấy rối tình dục gần đây, từng có các chiến lược tiếp thị ấn tượng với mục tiêu là giành cho được Giải phim xuất sắc nhất Oscar. Qua bàn tay phù thủy của ông, Shakespeare in Love đã vượt mặt Saving Private Ryan của Spielberg, xuất phẩm rất được yêu thích lúc ấy, để rinh tượng vàng năm 1999. Việc Hollywood đổ rất nhiều quan tâm và tiền của vào sự kiện này không khó hiểu lắm, nhưng điều bất ngờ lại nằm ở một bí mật khác. Đó là, không khó để thắng Oscar miễn là bạn nắm được quy tắc của cuộc chơi, mà chìa khóa chính đều nằm cả ở những số liệu thống kê. Chẳng hạn, theo bảng thống kê của những tác phẩm đoạt giải phim xuất sắc nhất từ năm 1929, xác suất cho thấy cứ làm phim dài, lý tưởng nhất là trên hai tiếng đồng hồ, sẽ có cơ hội cao để chiến thắng. Chỉ 3 trong số 90 phim thắng hạng mục cao quý này ngắn dưới 100 phút, còn dài không tới 2 giờ cũng chỉ được 28 phim đoạt giải. Riêng 76% Best Picture từ năm 1960 đến nay đều phải chiếu trên 2 tiếng đồng hồ mới hết một suất.

Các tượng vàng Oscar luôn mang về doanh thu khủng cho các nhà sản xuất  Ảnh: AFP

Câu hỏi đặt ra là tại sao Viện hàn lâm lại “kết” các bộ phim dài? Câu trả lời rất đơn giản vì những bộ phim dài có vẻ quan trọng hơn. Oái oăm là từ “quan trọng” ở đây không hàm ý phim đánh dấu được một thành tựu về điện ảnh nào đấy, mà chỉ vì có lắm điều tiếng, lùm xùm hay, dở, chung quanh bộ phim. Đó cũng là lý do vì sao nhiều tay tiếp thị của các hãng phim rất chăm chỉ tạo chuyện showbiz về Oscar cho phim mình, từ chi tiết diễn viên chuẩn bị vào vai ra sao đến những khó khăn ở hậu trường. Phim có cơ hội đoạt giải hay không nhất nhất đều nằm ở tầm “quan trọng” họ làm được cho xuất phẩm dự tranh, nghĩa là phim gây được hiệu ứng mạnh cỡ nào trong cộng đồng.

Nỗi ám ảnh về chuẩn “quan trọng” cho phim cũng lý giải vì sao các bộ phim chính kịch thường là vua của mùa giải Oscar. Chưa hết, diễn viên đóng phim chính kịch có tỷ lệ ẵm tượng vàng cao gấp 9 lần so với vào vai ở các thể loại phim khác. Trải qua hơn 90 năm lịch sử giải Oscar, phim khoa học viễn tưởng và kinh dị chưa bao giờ giành được giải phim xuất sắc nhất. 2001: A Space Odyssey hay Psycho của Alfred Hitchcock đều trắng tay, thậm chí còn không được vào danh sách đề cử. Xem thế mới biết, thực sự đang có một "công thức" để giành giải Oscar, thứ công thức đáng lẽ không nên tồn tại, nhất là lại hiện hữu trong một sự kiện nghiêm túc nhằm tôn vinh thứ nghệ thuật thứ 7 danh giá của nhân loại là điện ảnh.

Không ai bị "giết" nhưng giải Oscar đang tự chết dần? Ảnh: AFP
Chính vì những lẽ trên mà nay ở Hollywood đã xuất hiện một thuật ngữ nghe khá lố bịch là “câu giải Oscar”. Một bộ phim câu giải Oscar luôn gắng rập khuôn "công thức" này để giành chiến thắng, vừa có danh vừa có tiền. Mô-típ chung là phim được chuyển thể từ nguồn tư liệu nổi tiếng, dựa trên một câu chuyện có thật. Thậm chí, để tốt hơn chúng còn bao gồm các trường đoạn phim chính kịch với trang phục xa hoa, lồng ghép chuyện đời có tính lịch sử của các nhân vật quan trọng và có thể kiếm thêm điểm nhờ sự hiện diện của các vai khuyết tật. Kể từ năm 1980, 89% phim đoạt giải Oscar hạng mục xuất sắc nhất chí ít cũng phải có một trong năm tiêu chí vừa kể.

Các phiếu bình bầu giải Oscar thường được dồn cho những phim thành công về mặt thương mại lẫn mức độ giật gân với nhiều sự kiện nổi sóng hậu trường. Thế nhưng, kiểu bình chọn này hóa ra lại gây sự nhàm chán. Bởi vì những thành phần được đề cử và thắng giải dường như năm nào cũng quay đi quần lại từng ấy khuôn mặt, với kết quả trao giải xem ra ai cũng đoán trước được. Kể từ năm 1970, 71% phim thắng giải xuất sắc nhất đều có một đạo diễn hoặc một diễn viên nào đó trước đây đã từng được đề cử. Chưa hết, giải Oscar còn bị các hãng phim khổng lồ thống trị. 52% phim xuất sắc nhất đã đến từ sáu hãng phim lớn của Hollywood. Còn nếu tính cả “ông kẹ” MGM với nhiều studio tiếng tăm, tỷ lệ này phải lên tới 81%. 

Không bị ai “giết” nhưng giải Oscar đang tự chết dần. Những gì khởi đầu như một dịp kỷ niệm tôn vinh thành tựu vĩ đại của nền công nghiệp điện ảnh, nay đã biến thành một chiến lược kinh doanh, là chiến trường cho các hãng phim cạnh tranh nhau vì lợi nhuận. Và đối tượng phải chịu đựng sự thoái trào này nhiều nhất không ai khác hơn là chính khán giả, những người phải bỏ công sức, thời giờ và tiền bạc ngồi xem, mà chẳng nhận được thứ gì mang tính sâu sắc hay giải trí như các hãng phim đã hứa hẹn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.