Bất động - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Túc giật mình thức giấc, nhẹ nhàng đưa ngực khỏi miệng đứa con gái bốn tháng tuổi. Nằm duỗi thẳng người cho đỡ nhức mỏi, Túc không biết mình đã ngủ quên bao lâu trong lúc cho con bú.

Bóng tối đã tràn vào căn phòng tự lúc nào. Tiếng thạch sùng tặc lưỡi não nề. Ngoài đường xe cộ tự nhiên im bặt. Đám người tát cá đồng cũng đã ngồi thu lại bên đống lửa. Mùi cá nướng thơm lừng. Túc như cảm nhận được cả vị của những hạt muối trắng mà những người nông dân dùng chấm cá, mằn mặn trong cuống họng.
Giờ này mọi con đường đều dẫn về nhà. Người ta quây quần bên nhau ăn một bữa cơm, uống một cốc trà, kể vài ba câu chuyện vụn vặt trong ngày. Có người chỉ thèm chạy xe nhanh về nhà để rúc vào gối chăn mà ngủ. Vậy mà những người đàn ông như chồng Túc giờ này có khi đang say sưa rượu bia đâu đó còn chẳng nhớ mình có nhà để trở về.
Túc ngồi bất động trong bóng tối nghe tiếng rơi của từng cánh đào tàn. Rồi Túc hướng mắt về phía giá sách để chứng kiến từng câu chuyện cựa mình. Tiếng nói của các nhân vật lao xao, xì xào bên tai Túc. Có người đàn bà nào đó đang than với Túc về sợi dây chuyền mới đứt. Người đàn ông nào đó ngao ngán thở dài trước một cuộc hôn nhân. Có đứa trẻ nào đó vừa cất tiếng gọi “mẹ ơi” khiến Túc giật mình tưởng con gái mình trở giấc. Có ai đó loạt soạt bước ra từ những trang sách bị ken cứng, khẽ cúi xuống hỏi Túc: “Sao chị ngồi một mình trong bóng tối thế này?”. Túc không rõ đó là đàn bà hay đàn ông, nhiều hay ít tuổi. Bóng người ngồi xuống cạnh Túc như đang chờ đợi.
Túc ngồi tựa vào ghế và bắt đầu kể chuyện về một con muỗi nhỏ. Một con muỗi chết tiệt nào đó đã lọt vào phòng ngủ nhà Túc và cứ quanh quẩn mãi không đi. Nó khiến vợ chồng Túc cãi nhau mỗi đêm. Tiếng cười bỗng vang lên, hình như không chỉ bên cạnh Túc mà râm ran lan khắp từng ô trên giá sách. Chị nói sao, cãi nhau chỉ vì con muỗi thôi ư? Vợ chồng chị rảnh thật, đời còn bao nhiêu thứ phải lo. Phải! Đời còn bao thứ phải lo vậy mà đêm nào cũng vậy. Hễ tắt điện đi là cả nhà lại nháo nhào vì nghe thấy tiếng muỗi bay vo ve. Con gái lớn hét lên: “Mẹ ơi. Muỗi”. Túc đang nghiêng người cho con gái nhỏ bú vội nhắc chồng lấy màn. Nhưng chồng đang mải cắm mắt vào màn hình điện thoại, giả điếc hoặc ậm ừ cho qua. Câu cửa miệng của chồng mỗi khi Túc bảo làm việc gì đó luôn là “để tí nữa”, hoặc “để ngày mai”. Mai dài hơn thuổng. Nhiều cái ngày mai ấy trôi qua mà công việc vẫn còn nguyên vẹn. Nhà vẫn bẩn, chuồng chim không dọn, cây mua về chưa trồng. Cái thang sắt dựng trong nhà vẫn để chình ình dù nó có thể đổ xuống gây nguy hiểm cho con bất cứ lúc nào. Nên con muỗi chỉ là cái cớ để Túc xả cơn bực dọc với chồng. Ngày hôm sau con muỗi lại vo ve. Vợ chồng Túc lại cãi nhau vì tại sao cái lỗ thủng trên màn ngày càng to, muỗi vào đốt đứa con gái nhỏ sưng cả má. Xỉu sẽ mắng đứa con gái lớn vì nó là thủ phạm chuyên lấy ngón tay ngoáy vào lỗ thủng mỗi ngày. Đứa lớn bật khóc, đứa nhỏ cũng khóc theo. Cả nhà Túc gầm nhau như bầy hổ. Tối hôm sau con muỗi vẫn vo ve. Cứ như thể nó xuất hiện ở căn phòng này chỉ để phá vợ chồng Túc vậy. Để bao ngột ngạt dồn nén của một cuộc hôn nhân có cớ mà bùng nổ. Thậm chí đã nhiều lần Túc nghĩ đến chuyện ly hôn.
Trên giá sách những cái đầu thò ra. Họ tranh nhau nói:
- Tôi biết được lý do chị muốn ly hôn. Có phải vì chồng chị ngoại tình? Người thứ ba là lý do của một nửa những cuộc hôn nhân tan vỡ.
- Tôi thì nghĩ chị ấy muốn ly hôn vì không tìm được tiếng nói chung. Người ta chẳng vẫn thường nói thế đấy thôi.
- Nghe mơ hồ quá. Tôi cho rằng người ta ly hôn vì những thứ vụn vặt tầm thường. Một bà cụ đã 84 tuổi còn quyết định ly hôn chỉ vì chồng không chịu chia sẻ việc nhà? Trên mạng xã hội có lan truyền một câu chuyện cảm động về hôn nhân. Một cô gái đã kể với bạn mình rằng: “Ba mẹ ly hôn vì ba gảy tàn thuốc lá vào chậu lan mẹ trồng”...
Về cơ bản chồng Túc là người đàn ông tử tế. Có hiếu với bố mẹ, yêu thương các con và chẳng làm hại đến ai. Nhưng Xỉu có cái tật hay bày bừa, nói mãi không sửa nổi. Túc chán ngán cảnh cứ đi sau Xỉu để dọn dẹp đủ thứ. Từ cái tăm xỉa răng, tờ giấy lau tay dính đầy dầu mỡ đến quần áo, giày dép đầy bùn đất. Cứ bạ đâu vứt đấy, nhà chẳng khác gì đống rác. Tính Túc ưa gọn gàng, sạch sẽ nên biết bao lần cãi nhau với Xỉu. Có lần Túc vừa dọn dẹp vừa khóc nức nở. Vì không biết mình còn phải sống chung với một kẻ bừa bộn cho đến khi nào? Hết đời ư? Túc đâu phải cái máy hút bụi hay một con rô bốt dọn nhà. Túc còn hai đứa con, chợ búa cơm nước và ti tỉ thứ việc không tên. Xỉu đi làm được gặp gỡ bạn bè, được đi đây đi đó. Sáng cà phê, chiều quán nhậu. Còn thế giới của Túc chỉ quanh quẩn trong nhà. Nên Túc không chịu đựng được khi thấy khoảng không gian chật hẹp của mình Xỉu cũng không tôn trọng. Khi thương nhau người ta sẽ vì nhau mà sống. Túc luôn tự hỏi, Xỉu có bao giờ thương khoảng trời của vợ?
Bất động - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang1

Minh họa: Tuấn Anh

- Anh ta bày đủ thứ lên giá sách. Chỗ của chúng tôi có đinh, búa, rượu bia. Cả dao cạo râu, vài cái bao cao su nhét chỗ này một cái, chỗ kia một cái. Chúng tôi đứng nép chặt vào nhau, chẳng ai muốn chạm vào những đồ vật ấy. Chỉ khi nào chị dọn dẹp chúng tôi mới thấy dễ thở.
- Mà giá sách chính là nơi chị yêu quý nhất trong nhà, có đúng không?
Túc ngồi bất động. Không gian yên lặng đến mức có thể nghe thấy vài sợi tóc cựa mình. Túc mới ngoài ba mươi, vậy mà thỉnh thoảng đã có vài sợi tóc trắng trên đầu. Xương to, người mập, lại thêm khuôn mặt đã nhàu nhĩ quá rồi, nên Túc dẫn con gái đi chơi mà từng có người tưởng nhầm là bà cháu. Túc soi mình vào bóng đêm nhìn thấu từng tế bào đang chết dần mòn trên cơ thể. Những bộ quần áo xộc xệch cũng muốn rời bỏ mình đi. Túc làm sao có được lòng kiêu hãnh của những cánh hoa đào? Ngay cả khi đã tàn thì tiếng rơi vẫn đủ làm lòng người xao xuyến. Xỉu từng bảo: “Thì em cứ cười đi xem có chết ai không. Mặt lúc nào cũng khó đăm đăm bảo sao mà chẳng nhanh già”. Lâu lắm rồi không có ai nói Túc nên cười nhiều. Mười bảy năm trước, cô bạn thân học cùng lớp cấp 3 có ghi trong cuốn lưu bút: “Nhớ phải cười thật nhiều. Vì cậu cười rất đẹp”. Mà thật ra con người ta ai cũng vậy, đẹp nhất khi cười. Vậy mà bao lâu rồi Túc không cười, những nụ cười hồn nhiên đúng nghĩa. Cười vui vẻ thoải mái. Cười mà lòng không mệt. Cười chẳng phải để xã giao hay làm hài lòng ai đó. Cười vốn là một phản ứng tự nhiên của con người thể hiện trạng thái cảm xúc thoải mái, vui mừng. Một đứa trẻ mới sinh ra cũng đã được bà mụ dạy cười. Người ta có thể khiếm khuyết thứ này thứ khác trên cơ thể mình nhưng không bao giờ mất đi nụ cười hay tiếng khóc. Ấy mà có những người như Túc dần tự đánh mất nụ cười của chính mình.
Túc đứng dậy bật một bản nhạc không lời. Ngoài trời hình như có mưa. Miền Bắc mùa này hay có mưa phùn kèm theo cái lạnh se sắt hệt như thời tiết của những ngày Túc còn thơ ấu. Trong căn nhà không cửa, mái lợp lá cọ, tường bằng đất trộn rơm, mấy anh em Túc hay chui vào ổ ngủ. Một cái ổ bằng rơm thơm mùi đồng ruộng. Nằm đó vật lộn chơi đùa, ngó qua kẽ hở vết nứt của tường để dõi theo mấy chú chim sâu luồn trong tán cây trước nhà. Những đôi mắt đen láy nhìn bầu trời lúc nào cũng tươi vui dù mưa hay nắng. Dù rét cắt da cắt thịt. Dù cả mùa đông dài chỉ có một chiếc áo khoác mặc cho đỡ lạnh. Dù bữa ăn chỉ có cơm độn sắn, ít rau rừng, cá tép bắt dưới con mương nhỏ gần nhà mang về kho mặn. Chị em Túc chưa bao giờ thấy mình nghèo khổ hay buồn tủi. Tranh nhau từng miếng cháy đáy nồi nhai giòn tan trong khoang miệng, cười nắc nẻ. Nhà chẳng có gì ngoài sắn, cũng không sao. Sắn ruôi phơi khô mang hấp cơm. Sắn thái khúc ngâm vài ngày cho có mùi thum thủm mang ra luộc. Sắn nghiền bột làm bánh, mẹ rán bằng lá chuối vẫn cứ ngon. Ngon nhất vẫn là sắn nướng, tuốt bỏ cái xơ dài, đổ vào lõi ít mỡ lợn thì thơm bùi không tả sao cho hết. Muốn đổi bữa thì mấy anh em mang rổ đi đãi hến dưới mương, về nấu canh khế chua. Mẹ mua được mấy ngàn tiền tiết lợn đông, thái từng miếng mỏng ăn dè.
Anh em Túc may mắn vì có mẹ lúc nào cũng sống rất lạc quan. Mẹ yêu cái đẹp đến mức giữa kẽ nứt của bức tường đất bà cũng trồng vào đó một khóm hoa. Loài hoa cối xay vàng nở ngạo nghễ trước đời, khiến Túc nhìn bầu trời qua vết nứt thấy thêm phần thi vị. Mẹ hay nói “chẳng ai cấm người nghèo quyền sống sao cho tử tế”.
Người ta cứ nghĩ nghèo thì chỉ lo cho cái bụng nhưng mẹ thì không. Tóc mẹ thơm lắm, mùi hoa bưởi hoa chanh. Túc thích được rúc vào mớ tóc mềm mượt ấy mà hít hà cho đến khi ngủ quên tự lúc nào. Trong chiếc làn đi chợ về của mẹ ngoài dúm kẹo bột làm quà cho các con, nhiều khi còn có thêm quả thị hay quả gấc. Thị thì để cửa sổ cho thơm. Gấc thì mẹ để làm dầu dưỡng tóc, dưỡng môi. Mỗi ngày đi làm đồng về mẹ mất nhiều thời gian kỳ cọ móng tay chân để trôi đi thứ phèn đỏ quạch. Quần áo cả nhà tuy ít ỏi nhưng mẹ dạy các con cách giữ gìn cho sạch sẽ. Những chỗ rách trên quần áo đều được mẹ bích kê tỉ mỉ đẹp mắt với hình hoa lá chim muông. Mỗi lần có đoàn văn công về diễn trong doanh trại bộ đội gần nhà là dù bận mấy mẹ cũng gắng đi làm đồng về sớm. Tắm giặt thơm tho, cơm nước xong xuôi mẹ dẫn chị em Túc đi xem diễn. Tóc mẹ búi cao hở chiếc gáy trắng ngần. Chỗ gáy trắng mẹ xịt tinh dầu bưởi. Trong nhà chẳng có gì quý giá bằng mấy lọ tinh dầu của mẹ. Tiền đâu mà mua, toàn là tự tay mẹ chưng cất cả. Mẹ giống như một ẩn số khiến ai tiếp xúc lâu cũng thấy tò mò. Mẹ như bông hoa quỳnh nở kiêu sa giữa cuộc đời cơ cực. Nên bố dù rất đào hoa nhưng cả đời không thể nào rời mắt khỏi mẹ. Túc cứ nhìn cái gáy mẹ mà đi theo...
Tự nhiên Túc nhớ mẹ. Vài tháng nay Túc ít liên lạc về nhà vì sợ phải trả lời câu hỏi “con có ổn không?”. Có đêm Túc nằm mơ thấy mình búi tóc cao, mặc một chiếc váy hoa, đi đôi giày cao gót màu hồng cùng mẹ lẫn vào đám đông. Lại có đêm Túc mơ thấy mùi tinh dầu hoa bưởi trên mái tóc trắng phau của mẹ. Mẹ giờ đã ngoài bảy mươi tuổi, vẫn trồng rau, nuôi gà, thả cá. Lúc thảnh thơi mẹ thong thả đạp xe lên chùa. Đời mẹ dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng chẳng bao giờ vội vàng, tất bật. Mẹ bước xuống giường là tóc phải gọn gàng. Bước ra đường là quần áo phải chỉnh tề, thơm tho. Bước về nhà phải khoan thai, tươi rói. Mẹ hay nói với mấy cô con gái: “Đàn bà kiểu gì cũng phải đẹp, ngay cả khi đi ngủ”.
Có lúc ngồi tựa vào tường thở dốc sau khi đã lau dọn mấy tầng nhà, Túc tự hỏi, rốt cuộc sạch sẽ quá để làm gì, khi không thể giữ được người đàn ông ở lại. Khi ngày nào Xỉu cũng tìm cách bước ra khỏi nhà cho đến lúc ngày tàn đêm cạn. Đã bao lâu rồi Túc không dành thời gian ngắm nhìn một bông hoa? Dù có lúc Xỉu nhắc: “Hôm nay hoa trên sân thượng nở nhiều”.
Túc không mấy khi bước chân lên sân thượng. Đó là thế giới của Xỉu, Túc chẳng muốn bận tâm. Những lúc không bù khú rượu chè Xỉu thường quanh quẩn trên đó với đứa con gái lớn. Tiếng con hát bố cười. Tiếng huýt sáo véo von vọng xuống từ sân thượng thỉnh thoảng cũng khiến Túc dịu đi vài cơn bực dọc. Xỉu lười gì thì lười nhưng sẵn sàng vác từng tải đất nhỏ qua mấy tầng lầu hay phóng xe đi vài chục cây số để tìm về một giống hoa ưng ý. “Bụi hồng cổ Hải Phòng bông to như cái bát con. Trời càng ấm màu hoa càng đỏ tươi, thơm lắm”. “Anh trồng một chậu quỳnh. Sẽ có hôm thức cả đêm chờ quỳnh nở”. “Nhớ hôm anh mơ thấy có một đứa nhỏ được sinh ra giữa một bông hoa thì ngày hôm sau em báo có thai. Anh biết thể nào mình cũng sinh một cô công chúa. Vậy mà đã gần bốn năm rồi quỳnh vẫn chưa ra hoa…”. Có những câu Xỉu nói lúc say, cứ nói dù chẳng nghe Túc đáp lại câu nào.
Túc đứng dậy chầm chậm bước từng bậc thang lên sân thượng. Mở cửa ra, gió ập vào lạnh tái tê. Qua ánh điện đường hắt vào, Túc thấy những bông hoa đang ngủ. Mùi hương hoa đã dần khép lại. Không có âm thanh nào, cả tiếng các nhân vật lẫn tiếng mối mọt trên giá sách. Túc đứng nhìn xuống đường, mưa xiên xuống những vệt dài ảm đạm. Chỉ còn vài chiếc xe lao vội vã trên đường khuya khoắt. Giờ này chắc Xỉu cũng sắp về...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.