Bắt đầu hành trình giải mã bí ẩn lăng mộ Quang Trung

08/10/2016 06:51 GMT+7

Hôm qua (7.10), Viện Khảo cổ học phối hợp Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế tiến hành mở hố đào thăm dò khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân (P.Trường An, TP.Huế).

Ngày đầu tiên, đoàn đã đào thăm dò 3 hố (ở khuôn viên chùa Vạn Phước 2 hố và ở khuôn viên vườn nhà ông Nguyễn Hữu Oánh 1 hố, thuộc khu vực ấp Bình An, P.Trường An). Trong ngày đoàn chỉ mới đào xuống khoảng 40 cm, thu được một số hiện vật sành sứ, gạch, ngói...
Vị trí các hố đào là các khu vực mà trước đó nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã phát hiện nhiều hiện vật, dấu vết của các bức tường thành, đá táng chân cột... mà ông cho là dấu tích của cung điện Đan Dương thời Tây Sơn.
Có mặt trực tiếp tại hố đào thăm dò ở khuôn viên vườn nhà ông Nguyễn Hữu Oánh, PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, cho biết: “Đợt này đoàn sẽ tiến hành đào, thu thập thông tin hiện vật của các tầng văn hóa cho đến tầng sinh thổ (tầng đất chưa có sự tác động của con người). Nếu phát hiện dấu tích kiến trúc của cung điện Đan Dương hay các tầng văn hóa khác, sẽ báo cáo đề xuất với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để có hướng xử lý tiếp theo”. Cũng theo ông Liêm, công việc mở hố thăm dò diễn ra thuận lợi, nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng sự hợp tác đồng thuận của trụ trì chùa Vạn Phước cũng như gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh.
Hơn một tháng trước, trong quá trình đào đất để đặt đường ống thoát nước, thuộc dự án xử lý nước thải TP.Huế, tại con đường bê tông gần nhà ông Nguyễn Hữu Oánh (thuộc khu vực gò Dương Xuân) các công nhân phát hiện 4 viên đá táng chân cột, trong đó 2 viên ở vị trí gần con đường vào chùa Vạn Phước, có kích cỡ khoảng 50 x 60 cm, đường kính chân cột khoảng 22 cm; 2 viên ở vị trí gần nhà ông Oánh có kích cỡ lớn hơn và đường kính chân cột lên đến khoảng 30 cm. Ông Oánh cho biết trước đây gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình trong khu vực khi làm nhà đã phát hiện rất nhiều gạch, ngói và đá táng chân cột tương tự với nhiều kích cỡ khác nhau.
Vì vậy ông rất hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đào thăm dò khảo cổ trong khuôn viên đất của gia đình mình, nếu quả thực tìm thấy di tích vương triều Tây Sơn thì gia đình ông sẵn sàng hợp tác với ngành chức năng và chính quyền địa phương để có hướng phát huy, bảo tồn giá trị di tích.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết ông đang theo dõi và phối hợp chặt chẽ với đoàn thăm dò khảo cổ. Ông Xuân cũng cho hay ông vừa hoàn thành công trình nghiên cứu về cung điện Đan Dương trên cơ sở những nghiên cứu trước đây cùng những cứ liệu mới. “Công trình sẽ được công bố trong vài tuần tới”, ông Xuân nói.
Những ngày tiếp theo, đoàn sẽ mở thêm 2 hố đào ở khuôn viên chùa Thiền Lâm và nhà ông Lê Trung Hiếu (cũng thuộc gò Dương Xuân, ấp Bình An, P.Trường An).
Đào thăm dò khảo cổ tại mặt trước chùa Vạn Phước (gò Dương Xuân, P.Trường An, TP.Huế)
Thu thập hiện vật tại hố đào thăm dò trong khuôn viên nhà ông Nguyễn Hữu Oánh
Hố đào thăm dò sau lưng chùa Vạn Phước
Thu giữ hiện vật gạch từ lớp đào đầu tiên của hố thám sát tại trước chùa Vạn Phước
Hiện vật thu được từ hố đào thăm dò tại vườn nhà ông Oánh
Ông Nguyễn Hữu Oánh với những viên đá táng chân cột phát hiện tại công trường đào đặt ống thoát nước của dự án nước thải TP.Huế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.