Bảo tàng Vương Hồng Sển - 10 năm chưa thành

08/07/2013 03:20 GMT+7

Đã 10 năm trôi qua từ khi UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi căn nhà số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh để thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển... sự việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Trở lại Vân Đường phủ

Căn nhà trên vốn là tư gia của cụ Vương Hồng Sển, được cụ yêu mến đặt tên là Vân Đường phủ (Vân Đường là một trong những bút hiệu của cụ Vương).

Đó là ngôi nhà cổ (5 gian 2 chái, ngang 15 m, sâu 20 m) mà cụ đã bỏ công tìm kiếm và mua nguyên căn từ một vùng ven miệt Phú Xuân - Nhà Bè về dựng lại trên miếng đất 750 m2 gần chợ Bà Chiểu vào năm 1952. Cụ cũng đã bỏ nhiều công sức tạo bồi để căn nhà mang dáng dấp cổ xưa với những vật dụng trang trí đầy dấu ấn thời gian đặt ở những vị trí hài hòa, đắc địa... Ngày 9.12.1996, cụ Vương từ trần, linh cữu của cụ được quàn tại đây.

 
Vân Đường phủ - Ảnh: H.Đ.N

Còn nhớ, lúc đó khuôn viên ngôi nhà rợp đầy bóng cây: sầu riêng, sa pô chê, xoài... quý nhất là những gốc mai cổ thụ. Vậy mà sau này nghe nói vườn cây bị chặt bỏ trơ trụi, hoang tàn. Bây giờ, một bức tường xây cao sừng sững bao bọc lấy ngôi nhà cổ. Đi trên đường Nguyễn Thiện Thuật nhìn vào, chỉ thấy phần mái ngói của Vân Đường phủ nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, nhô lên khỏi tường rào là phần ngọn của một khóm chuối cảnh. Chiếc cổng sắt lúc nào cũng đóng im ỉm. Cách chiếc cổng khoảng 2 m, được trổ một cửa ngách trên tường rào để buôn bán cây kiểng. Một tủ kính với những chậu cây um tùm án ngữ ngay lối vào khuôn viên nhà cụ Vương.

Chúng tôi hỏi muốn vào thì đi đường nào. Người phụ nữ bán hàng chỉ vào con hẻm. Vậy là suốt dọc theo hông nhà cụ Vương bây giờ đã là dãy nhà cao tầng với những cửa nhôm cuốn đóng kín. Lối thông duy nhất vào nhà cụ Vương là… một quán ốc mà phần “hậu trường” của quán chính là ngôi nhà cổ của cụ Vương. Một thanh niên (nhân viên của quán) cởi trần chặn tôi lại ngay cửa, hỏi: “Đi đâu đây?”. Tôi đáp: “Xin cho gặp bà Vương Thị Việt Hoa” (bà Hoa là đại diện chính thức của gia đình cụ Vương). “Ở đây không có bà Hoa nào hết!”. Một phụ nữ khoảng 30 tuổi (chừng là chủ quán) nói: “Bả chuyển về ở bên Nguyễn Văn Đậu rồi”. Tôi xin số điện thoại, chị này móc trong người ra 2 máy điện thoại, bấm bấm, nghĩ sao đó rồi nói: “Mất số rồi”. Tôi xin vào chụp hình ngôi nhà cổ, chị khoát tay: “Có gì đâu mà chụp”!

Xem xét tính pháp lý của các quyết định

Ngày 7.6.2013, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận có cuộc họp với đại diện Sở VH-TT-DL, Sở Tư pháp, UBND Q.Bình Thạnh và Ban Pháp chế HĐND TP.HCM để giải quyết các vấn đề liên quan di tích nhà cổ dân dụng truyền thống của ông Vương Hồng Sển tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh, sau khi các quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực pháp luật.

Phó chủ tịch Hứa Ngọc Thuận kết luận chỉ đạo như sau: “1) Giao Sở VH-TT-DL thành lập Tổ công tác liên ngành để rà soát lại toàn bộ hồ sơ hiến tặng tài sản theo di chúc của cố học giả Vương Hồng Sển; 2) Xác lập chính xác tính pháp lý của các quyết định của UBND TP Số 54/QĐ-UB ngày 27.2.2003 về xác lập sở hữu nhà nước và Số 3874/QĐ-UB ngày 17.9.2003 về thu hồi căn nhà số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh để thành lập Bảo tàng Vương Hồng Sển; báo cáo, đề xuất Thường trực UBND TP xem xét, giải quyết” (cũng cần nói thêm ngoài 2 quyết định trên thì ngày 5.8.2003, UBND TP.HCM cũng đã ban hành quyết định xếp hạng ngôi nhà này là Di tích cấp TP và là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống).

Như vậy, sau 10 năm ban hành 2 quyết định kể trên, đến nay đích thân vị Phó chủ tịch UBND TP.HCM lại phải chỉ đạo “xác lập chính xác tính pháp lý” của các văn bản này. Vậy có cái gì “mắc míu” ở đây? (còn tiếp)

Ai đang sống,ai sở hữu căn nhà 9/1 Nguyễn Thiện Thuật ?

Chúng tôi đặt câu hỏi này với Phòng VHTT Q.Bình Thạnh thì được bà Lâm Thị Hoàng Oanh - Phó trưởng phòng, cho biết: “Trước đây, có đến 15 nhân khẩu đăng ký thường trú/tạm trú tại đây nhưng nay chỉ còn 3 hộ sinh sống, đó là gia đình các cháu nội của cụ Vương: cháu lớn tên là Vương Hồng Liên Hương (1983), ở nhà bán ốc. Các em là Vương Bảo Thành, Vương Hồng Bảo Minh đang đi làm ở các công ty (họ là con của ông Vương Hồng Bảo, mất năm 1998). Cả 3 chị em này đều có hộ khẩu chính thức”.

 
Cụ Vương Hồng Sển (phải)

Hà Đình Nguyên

>> Khám lớn Sài Gòn: quyển sách cuối cùng của Vương Hồng Sển
>> Kiểm tra, xử lý công trình bảo tàng vừa sử dụng đã hư hỏng
>> Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vào top 5 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á
>> Hơn 28 tỉ đồng đầu tư cho trưng bày tại Bảo tàng Hội An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.