Bảo tàng đóng cửa đầu tuần để… tiết kiệm

14/06/2017 10:00 GMT+7

Từ tháng 6 này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ đóng cửa vào thứ hai hằng tuần để tiết kiệm chi phí cả về vật chất lẫn con người.

Do thu không đủ chi
PGS-TS Lưu Anh Hùng, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN, luôn đánh giá cao ưu thế vượt trội của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) so với các bảo tàng khác: “Đó là một bảo tàng có nhiều ưu thế. Thứ nhất, hiện vật phong phú và rất đẹp. Thứ hai là ở vị trí đắc địa. Thứ ba là bản thân kiến trúc tòa nhà đó cũng rất chuẩn, rất chỉnh. Những điều đó là ưu thế so với nhiều bảo tàng khác. Thứ nữa là trực thuộc Bộ VH-TT-DL, do đó nhận được nhiều kinh phí”.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chưa bao giờ Bảo tàng Lịch sử quốc gia lọt vào danh sách các điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong thị trường du lịch nước ta. Trong khi đó, những bảo tàng luôn được đánh giá cao là Bảo tàng Dân tộc học VN, Bảo tàng Phụ nữ VN (Hà Nội), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM). Đã vậy, từ tháng 6 này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ đóng cửa vào ngày thứ hai trong tuần. “Chúng tôi đóng cửa thứ hai hằng tuần. Thông báo cho bên du lịch cũng đã gửi trước. Tiết kiệm là một bài toán phải tính”, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nói.
Cũng theo ông Cường, để vận hành cả 7 ngày trong tuần, bảo tàng phải nuôi bộ máy rất nhiều người, không chỉ tốn kém tiền làm thêm giờ mà còn dẫn đến nguy cơ vi phạm luật Lao động do không đủ lượng người để cân đối. “Ví dụ khâu thuyết minh của tôi chỉ có 6 người thôi mà họ cứ phải làm liên tục, mà đào tạo thuyết minh thì không phải dễ. Thuyết minh hầu hết là hợp đồng, biên chế hạn chế, nên mình phải lo chế độ cho người ta. Tôi thấy như thế nên phải chỉnh”, ông Cường nói. Chưa kể việc vận hành còn kéo theo bộ máy truyền thông, bảo vệ, điện máy. Bảo tàng hiện có 2 khu vực trưng bày, mỗi khu vực trưng bày đều phải có 7 - 8 bảo vệ.
Tại bảo tàng này, hiện tỷ lệ khách nước ngoài và trong nước đang tương đương nhau. Khách nước ngoài chủ yếu là từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, Pháp. Bảo tàng miễn phí vé vào cửa cho trẻ em, thu vé người lớn 40.000 đồng/vé, một mức giá không cao, cũng không thấp so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, khoản thu về quá ít so với chi cũng khiến bảo tàng khó cân đối. “Mùng 2 tết, chúng tôi vẫn mở cửa, anh em không nghỉ tết. Năm vừa rồi, mùng 2 tết có khoảng 500 khách nước ngoài, bán vé được khoảng 20 triệu đồng. Nếu chi thì không đủ. Mở như thế vì tính chất phục vụ chính trị thôi, còn không đủ về mặt kinh tế. Ngày thường thứ hai cũng thế thôi, không bảo đảm về kinh tế. Nếu khách đông, tôi sẵn sàng mở đến đêm ngay”, ông Cường khẳng định.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) luôn thu hút du khách tham quan. Ảnh: Ngọc Dương
Không thể thụ động chờ khách đến
Ông Phạm Hà, Tổng giám đốc của Luxury Travel, cho biết hiện nay hầu hết các bảo tàng ở VN đều đóng cửa vào thứ hai. Điều đó rất bất tiện cho du khách đi du lịch vào ngày này. “Lý do không đủ kinh phí nên không mở cửa là bất hợp lý. Bảo tàng cần tổ chức các hoạt động sôi động và đổi mới nhằm thu hút khách để tăng thu. Cả Bảo tàng Dân tộc học VN và Bảo tàng Phụ nữ VN đều đang làm rất tốt các hoạt động này”, ông Hà nói.
PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học, cho rằng Bảo tàng Lịch sử quốc gia nên tăng cường các hoạt động để thu hút khách nhằm tạo ra doanh thu thay vì đóng cửa để tiết kiệm. Một ví dụ là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) đã mở cửa liên tục trong tuần, thu hút số lượng khách rất lớn. “Tôi nghĩ tìm cách thu hút khách đến mới là cách tối ưu”, ông Bình nói.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh không đóng cửa vào thứ hai hằng tuần do rất nhiều du khách đến đây tham quan. Theo báo cáo của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, trong năm 2016, bảo tàng đã đón tiếp được 1.461.640 lượt khách tham quan, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách trong nước đạt 350.819 lượt, khách nước ngoài đạt 1.110.821 lượt. Khách truy cập website của bảo tàng đạt 580.879 lượt. Theo số liệu của Sở VH-TT TP.HCM, trong năm 2016, Bảo tàng Tôn Đức Thắng thu hút 205.023 lượt khách, Bảo tàng TP.HCM 308.533 lượt.
Trong khi đó, quầy hàng lưu niệm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn khá khiêm tốn. Các mặt hàng ở đây ngoài một số sách do bảo tàng thực hiện, không có gì nổi trội hơn nếu so với các quầy lưu niệm khác ở phố cổ. Bảo tàng cũng chưa có các dịch vụ tương tác nổi bật dựa trên thế mạnh là các bảo vật của mình. Cũng phải nói, đây chính là đơn vị nắm nhiều bảo vật quý hiếm, nhiều bảo vật quốc gia nhất so với mặt bằng chung cả nước. “Phòng khám phá của bảo tàng hiện đã có các hoạt động như in hoa văn trên mặt trống đồng, dập hoa văn lá đề hình rồng Lý trên giấy dó, xâu chuỗi thời tiền sử thành đồ trang sức giống của cư dân Sa Huỳnh, Đồng Nai. Tuy nhiên, các hoạt động này còn khá đơn giản, chủ yếu dành cho trẻ em”, một nhà nghiên cứu giấu tên nói.
Hiện tại phố đi bộ tuy có nhiều hoạt động, tăng thu rất nhiều cho các khu vực xung quanh nhưng chưa tác động gì tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia. “Phố đi bộ không kéo khách về cho bảo tàng. Họ mới đi ở phố cổ, chưa gắn với điểm tham quan bảo tàng”, ông Cường nói. Tuy nhiên, trong khi chờ phố đi bộ mở ra tới bảo tàng, bản thân bảo tàng cũng phải bổ sung các dịch vụ để có thể hút khách.
Việc đóng cửa vào ngày thứ hai của bảo tàng này còn đặt ra một vấn đề. Đó là Bộ VH-TT-DL đang muốn hoàn thiện không gian mở cho Nhà hát Lớn Hà Nội để phục vụ khách du lịch, theo đó sẽ thiết lập cả tour kết nối các công trình như Bảo tàng Mỹ thuật VN, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Nhà hát Lớn Hà Nội. Vì thế, việc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đóng cửa vào thứ hai với lý do tiết kiệm nguồn lực chắc chắn sẽ là một trở ngại lớn cho ý tưởng này của Bộ.
TP.HCM gấp rút nâng cấp các bảo tàng
Sau đợt “vi hành” 7 bảo tàng tại TP.HCM của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, chiều 13.6 tại TP.HCM, Sở VH-TT TP.HCM đã tổ chức buổi họp khẩn với lãnh đạo các bảo tàng do Phó giám đốc Sở VH-TT Trần Tuấn Anh chủ trì để lắng nghe các ý kiến phản ánh những vướng mắc còn tồn tại và quyết định phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo những bảo tàng đang bị xuống cấp.
TP.HCM đồng ý thực hiện dự án đầu tư xây dựng hệ thống kho lưu trữ, trang thiết bị cần thiết và khẩn trương triển khai hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Các đơn vị: Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM... chuẩn bị trong thời hạn 3 tháng các đề án chi tiết để trình HĐND và UBND TP.HCM xin kinh phí nâng cấp cải tạo, vướng mắc ở đâu phải báo cáo lãnh đạo Sở VH-TT tháo gỡ ngay. Thực hiện dự án xây dựng khu trưng bày đa năng và phòng trải nghiệm cho học sinh tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, tu bổ di tích bảo tàng này và đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên... Những việc này nhằm thu hút khách tham quan trong và ngoài nước, đồng thời bảo vệ các hiện vật quý.
Công Sơn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.