Bâng khuâng đỉnh Hiệp non Thần

31/03/2019 08:46 GMT+7

Chỉ có Trương Vĩnh Ký mới đọc đúng chữ thứ tư trong câu thứ 439 của Truyện Kiều là hiệp (Bâng khuâng đỉnh Hiệp non Thần) , còn các nhà phiên âm khác đều đọc nó thành giáp (Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần) và như vậy đã đọc sai.

Sở dĩ có sự đọc sai như trên là vì tiếng thứ tư của câu Kiều đó, chữ Hán viết theo bộ sơn [山] và thanh phù giáp [夾] thành
[峽] nên các nhà phiên âm kia đã dựa theo thanh phù này mà đọc nó thành “giáp”. Các vị này quên rằng chữ giáp [夾] còn hài thanh cho những chữ có âm hiệp nữa, như hiệp [俠] là dùng tài trí, sức lực mà giúp đỡ người khác; hiệp [挾] là cắp nách, cất giấu; hiệp [狹] là chật hẹp; hiệp [筴] là đũa cả, đũa bếp; hiệp [陜] là chỗ đất hẹp...
Chữ hiệp [峽] chưa bao giờ có âm “giáp”. Hiệp có nghĩa là kẽm núi. Đây chính là chữ hiệp [峽] trong tên của Đập Tam Hiệp mà Trung Quốc gọi là Tam Hiệp Đại Bá [三峽大壩]. Tam Hiệp gồm có Cù Đường Hiệp [瞿塘峽], Vu Hiệp [巫峽] và Tây Lăng Hiệp [西陵峽]. Đây là ba kẽm núi hùng vĩ trên dòng Trường Giang. Đỉnh Hiệp trong câu 439 thực chất là một cách nói theo hoán dụ để chỉ Vu Sơn, một dãy núi hùng vĩ mà ngọn núi chính là Ô Vân Đỉnh (Đỉnh Mây Đen). Bốn tiếng Vu Sơn Vu Hiệp từng được Đỗ Phủ nhắc đến trong câu thứ hai của bài Thu hứng thứ nhất: Vu Sơn Vu Hiệp khí tiêu sâm (bài này đã được Nguyễn Công Trứ dịch sang tiếng Việt). Còn Non Thần Thần Nữ phong [神女峰], ngọn núi đẹp nhất trong 12 ngọn đẹp ở Vu Hiệp, được người Trung Quốc mệnh danh là “Thế gian tối đa tình đích thạch đầu”. Một vài nhà chú giải của ta, vì không nắm được địa danh cụ thể, đã giảng rằng non Thần là “Thần Châu”, “Thần Sơn”, là “ba quả núi Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu”, trong khi mà đây hẳn hoi là Thần Nữ phong, đi chung với đỉnh Hiệp thành một cặp đôi hoàn hảo ngay tại địa một vùng địa lý cụ thể ở bên Tàu.
Hai địa danh đang xét tự nó đã nổi tiếng về cảnh quan mỹ lệ mà hoành tráng của nó nhưng nó càng nổi tiếng thêm về mặt văn học nhờ hai bài phú của Tống Ngọc là Cao Đường phúThần Nữ phú. Bài tựa Cao Đường phú của Tống Ngọc nói rằng vua nước Sở là Hoài Vương đi chơi ở đài tháp Cao Đường, mộng thấy cùng nhau chăn gối với thần nữ. Khi chia tay, thần nữ nói: “Từ đây, thiếp sớm thì làm mây núi Vu Sơn, tối làm mưa núi Dương Đài”. Về sau, người ta lấy hai tiếng mây mưa để chỉ chuyện chăn gối. Truyện Kiều có câu: “Mây mưa đánh đổ đá vàng” (Đá vàng chỉ sự kiên trinh). Ngay cả hai tiếng Cao Đường [高唐] cũng dùng để chỉ nơi mà nam nữ làm chuyện mây mưa lén lút.
Tóm lại, câu Kiều thứ 439 phải đọc là Bâng khuâng đỉnh Hiệp non Thần thì mới đúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.