Bản đồng ca của những miền xa vắng nhất

27/12/2020 07:06 GMT+7

Đọc 46 bài tản văn vào chung khảo cuộc thi viết Thương nhớ miền Trung , tôi có cảm tưởng như được đi một chuyến về thăm miền Trung - một quê hương mà tôi đã nghĩ là quá chừng quen thuộc.

Nhưng những tản văn này không hề lặp lại những điều quen thuộc! Nếu nhắc đến miền Trung, ta thường nhớ sông Hương, hồ Than Thở, biển Nha Trang... thì qua 46 bài viết này, một miền Trung trọn vẹn hơn hiện lên với những địa danh xa xôi: Núi Hòn Dung, suối Cối, sông Bến Sạn, đồng Bà Tây, sông Chống Gậy, núi Lạc Sơn, xóm Tu Bông... Tựa hồ tất cả những góc khuất xa vắng nhất đang cùng cất tiếng trong một bản hòa ca có cả quá khứ và hiện tại, cả yêu thương và tự hào, đồng thời cũng rất nhiều âm hưởng xót xa!
Chợ quê mùa lụt ẢNH: NGUYỄN ĐĂNG TRƯỜNG

Chợ quê mùa lụt

ẢNH: NGUYỄN ĐĂNG TRƯỜNG

Đó là những âm hưởng của cơn mưa miền núi Tình Giang: “…mưa ở vùng đất này luôn làm những con đường lở lói, thứ đất của núi, nặng mùi rễ cây và xương người…” (Ngôn ngữ đất).
Rồi những cơn lụt: “…nước ngập vô tới nhà, ngập lên cửa sổ, người làng điêu đứng giữa đêm. Ông Hội chủ làng phải lần tìm đường, túm vào những bụi cây đến đình làng đánh vài hồi trống. Tiếng trống thúc lên, giữa mưa bạt ngàn mưa và nước về xối xả” (Tiếng trống làng mùa lũ).
Người đọc dường như cũng cảm nhận được cái nóng thiêu đốt khi nghe tả tiếng con cúm núm con, lạc mẹ và khát nước, kêu thảm từng hồi trên cánh đồng khô hạn. Trong cơn nắng dài, mọi thứ đều chói rực lên như bừng cháy, “những tháp Chăm cũng giống như chiếc lá đỏ trên nền trời… Ngay cả bộ lông của những chú cừu hiền lành lâu nay xốp như bông cũng quắt lại, úa đỏ...” (Nơi miền đất khát).
Còn đây là những cơn bão hung tàn ở Thanh Hóa, nuốt chửng cả đoàn thuyền cá ngoài khơi, để lại trên bờ những người đàn bà “run run đứng kiên cường trước sóng, mặc gió xô đẩy vẫn bất khuất nghèn nghẹn thương nhớ gọi: “Mình ơi… con ơi… và có thể sẽ thêm phần: cháu ơi…” (Ngóng biển).
Trong những trang viết này có rất nhiều ký ức về hành trình Nam tiến của dân tộc. Đó là những chuyện kể đời này sang đời khác: “...phát quang lau sậy lập xóm, lập làng, rồi dựng miếu, xây đình, hàng năm tổ chức lễ hội đua thuyền, tế thần, thờ cúng tổ tiên” (Người xóm Câu). Những đứa trẻ lớn lên trong “Xóm Mới”, “đêm lạnh rút cả mái tranh xuống đắp” ngày thì “cùng nhau chạy chân không trên cát bỏng, đạp lên xương rồng, bắt nhông nướng ăn bên những ngôi mộ hoang” (Tới đây đất nước lạ lùng). Trong gần ngàn năm, người Việt đã đi bằng mồ hôi nước mắt qua dải đất miền Trung trước khi đến phương Nam trù phú. Trong ngàn năm ấy, miền Trung đã nhiều lần trở thành chiến trường phân tranh khốc liệt, vì vậy mà nỗi đau còn mãi trong tiếng chim kêu “Quê hương đứt ruột!” (Tiếng chim quê ngoại) hay trong giọng hò da diết của người góa phụ già trong một đêm buồn (Người ra đi mang cả giọng hò)…
Hầu hết các bài viết đều dành những dòng thiết tha nhất để nói về mẹ. Những người mẹ quê nhịn ăn nhịn mặc nuôi con khôn lớn (Mẹ gánh con đi, Mẹ và đời cát, Những chuyến nguồn của mẹ...). Cảm nhận về quê hương gắn liền với tất cả những gì thuộc về mẹ, như mùi lá nén quê mùa trên tóc, mùi khói tỏa ra từ thân thể, hay ngọn núi Mái Nhà trong mắt đứa trẻ nghèo có mẹ đi làm ăn tha phương (Mùi khói - mùi của mẹ tôi, Vết dấu không tên)... Cũng hòa quyện với hình ảnh mẹ, là những món ăn đạm bạc mà có sức cuốn hút đến ám ảnh: nồi cá kho, chén mắm, dĩa rau, chiếc kẹo đường, tô canh cá đồng mùa lụt, món nhút thập cẩm, thẩu dưa món... (Dưa món của mạ, Xốn xang hương nhút, Chợ quê ngày lụt, Mẹ tôi xa xứ, Thương nồi cá kho mía, Những chén mắm của mạ, Rau nhót quê tôi...). Món ăn của mẹ có hương vị của tình yêu vô tận, nên về sau đứa con khôn lớn “xa quê lâu năm, được đi đây đi đó, được ăn nhiều món ăn đắt tiền… vậy mà vẫn cứ thèm, cứ nhớ mùi vị các món ăn từ bàn tay mạ” (Nhớ mạ nơi khói bếp chiều xưa)...
Cuộc sống ở miền Trung bây giờ nhiều nơi đã đổi thay. Khách sạn, siêu thị, nhà cao tầng đã mọc lên, xóa dần những “Xóm Câu” ngày xưa. “Ngọn đèn dầu quê” nay đã thay bằng điện thắp sáng, đường bê tông đã vào tận ngõ. “Cây cô đơn” giữa cánh đồng nay không còn cô đơn, quán Mộng Cầm thuở trước giờ đã mang gương mặt khác… Bến đò Cồn trên sông Hương nay nằm cạnh con đường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,“Em đi qua chuyến đò lắng nghe con sông nằm kể...” (Ai về Phan Thiết, Những bến đò ngang trên sông Hương). Nhiều người miền Trung lại tiếp tục đi xa, đến những miền trong và ngoài nước. Không phải vì miền Trung không có đất sống, mà vì con người thời nay đã có nhiều chân trời để lựa chọn. Đi đến đâu người miền Trung cũng vẫn chịu thương chịu khó, vẫn luôn đem theo ký ức không quên về cơn mưa, cơn nắng ở quê nhà (Thương những mùa mưa thơ dại). Cuộc sống dù đầy đủ hơn xưa, nhưng nếu gặp khó khăn, sẽ vẫn sống bằng tình thương và đạo nghĩa “... Anh là người có một chén cơm thì sẽ dành cho cha già trước. Rồi tới con. Xong là vợ. Cuối cùng mới là bản thân” (Làm dâu miền Trung).
Thật khó chấm chọn bởi mỗi bài đều có những chỗ phát tiết lung linh, những dáng nét đặc biệt của một vùng đất, và nhất là cái tình thì đều tha thiết như nhau. Nhưng dù sao trong một cuộc thi, cũng phải dựa trên tiêu chí chung để chọn ra những áng văn tiêu biểu nhất. Nhớ những ngôi nhà không đóng cửa là chuyện về cuộc sống ở buôn Leck, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk, nơi mà luật tục đủ bảo đảm sự bình an, nơi tâm hồn con người không có chỗ cho những điều xấu ác. Một đời lá nén muối rang là ấn tượng về mùi thơm dân dã của người mẹ xứ Quảng - mùi thơm của thứ lá cây khiêm tốn nhưng chính là vị thuốc, là món ngon, gắn liền với tình nghĩa duyên nợ, với niềm vui sống trong cả đời người. Đánh động cả tri thức lẫn cảm xúc của người đọc, là chuyện về một mảnh “đất yêm” có khả năng duy trì sự sống (Bóng râm giữa “sa mạc”), với hình ảnh có thật về một vùng đất khô cằn nhưng ẩn chứa một mạch nước ngầm không bao giờ cạn.
Cuộc thi đã đóng lại, nhưng những suy nghĩ về quá khứ và tương lai của vùng đất này vẫn còn mở ra. Thương nhớ miền Trung, vì vậy không chỉ là thương nhớ, mà còn khơi dậy một tâm nguyện thiết tha của người Việt: giữ cho quê hương một mạch sinh tồn trong lòng đất, và ngay giữa lòng người…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.