Bài xuân hay trên báo Sài Gòn xưa: Tôi nhường còi ở Ma Ní

13/01/2020 06:38 GMT+7

Thượng tuần tháng năm dương lịch 1954, tôi được đề cử làm huấn luyện viên cho phái đoàn bóng tròn Việt Nam phó hội tại Ma Ní.

Ngoài vấn đề hướng dẫn kỹ thuật cho đoàn túc cầu, vai tôi còn mang nặng chức vị trọng tài quốc tế Việt Nam.
Sau hai ngày nhảy sóng dưới tàu Cambodge, phái đoàn Việt Nam tới Ma Ní vào một buổi chiều oi ả.
Mười một giờ rưỡi sáng hôm sau chúng tôi đưa anh em đi ăn trưa thì gặp ông Vọng cho tôi hay tôi đã được đề cử điều khiển trận A Phú Hãn, Miến Điện. Được tin nầy tôi tự nhiên thấy ngại. Vì thú thật khi ở nhà ra đi tôi không hy vọng sẽ được cầm còi. Vả mục đích chính của riêng tôi là chăm nom anh em, mặc dầu tên tôi đã được ghi vào danh sách những trọng tài quốc tế.
Nghĩ rằng đây là lần thứ nhất một trọng tài Việt Nam được Tổng cuộc Bóng tròn quốc tế đề cử điều khiển một trận chánh thức quốc tế ở hải ngoại nên tôi lo sợ nhiều hơn là hân hoan. Tôi e ngại rằng một sơ sót nhỏ nhặt sẽ làm mất thanh danh nước nhà trên sân cỏ nước người.
Khi ra đi chúng tôi quan niệm rằng với sự am hiểu tiếng Pháp chúng tôi có thể áp dụng nơi xứ người, nào ngờ khi đến đây, tiếng Pháp lại không có chỗ dùng. Và tôi đã gặp cái may mắn đầu tiên ở nước người. Tại bàn làm việc của ban tổ chức, tôi gặp được Brizard, đại diện Thông tấn xã Pháp tại Ma Ní. Tôi đã nhờ vả ông trong lúc ấy. Và cả về sau, suốt thời gian lưu trú ở Ma Ní, tôi được ông Brizard giúp đỡ rất nhiều.
Tôi không kể lại câu chuyện trận đấu chiều ấy. Chỉ biết rằng khi ở nhà, chúng tôi đặt tất cả hy vọng vào anh em cầu tướng, nhưng khi lâm trận lại cả một đổ vỡ. Lý do chính đã làm anh em mất bình tĩnh là khán giả Ma Ní do Hoa kiều chiếm đa số ra mặt khiêu khích, thêm vào đó trọng tài Cao Ly có ý thiên vị.
Riêng phần tôi, sau khi được xem cách điều khiển của trọng tài Cao Ly, Nhựt, Phi Luật Tân, tôi hết cả lo ngại về trận cầu tôi sẽ điều khiển. Đêm ấy khi về phòng, tôi lại trông mau sáng, mau đến giờ ra sân, để phô trương tài nghệ mình với khách bốn phương.
Bộ áo đen với phù hiệu Việt Nam (khi ấy tôi chưa có phù hiệu quốc tế) giày, vớ, đều cho vào túi da cả rồi. Tôi lại còn mang theo giấy tờ cần thiết để trình với ban tổ chức, như giấy chứng chỉ của Tổng cuộc Bóng tròn quốc tế. Sẵn sàng từ lúc chiều. Tôi không quên tìm quán uống cốc cà phê đen để cho tỉnh táo (đây là một thói quen của tôi trước mỗi khi ra sân cầm còi chơi, điền kinh, đá bóng).
Đúng giờ tôi đưa hai đội cầu ra trình với khán giả bốn giàn như khi còn ở sân nhà, được khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt (đây là lối trình bày mới và khác hơn 3 vị trọng tài ở ba trận trước: ở đây các hội ra chào khán giả rồi trọng tài túc còi nhập trận chớ không có cuộc trình diện chung).
Hôm ấy hai trọng tài Tây Ban Nha có quốc tịch Phi Luật Tân phụ trách làm giám biên cho tôi. Mặc dầu không hiểu Anh ngữ tôi cũng cố gắng tìm cách để họ hiểu được ý tôi trong những cử động để báo hiệu khi banh ra ngoài, bàn phạt góc hay việt vị.
Nhìn khán giả bao bọc bốn góc sân có trên 40.000 người dưới ánh đèn sáng như ban ngày, cỏ mềm dịu như tấm thảm nhung mà tôi tự nhiên ước ao một ngày gần đây sân Tao Đàn Việt Nam được như Ma Ní thì hay đẹp vô cùng. Cái cảm tưởng khi đứng trên sân lúc ấy là vậy. Và tôi chỉ nghĩ đến nó mà thôi.
Trong 25 người biểu diễn trong sân tối ấy (22 cầu thủ và 3 trọng tài), ngôn ngữ bất đồng, nhưng chỉ một bản điều luật Bóng tròn quốc tế, đã là mối cảm thông, là gạch nối liền giữa chúng tôi. Cầu thủ nước người được huấn luyện hẳn hòi nên chịu khép mình vào kỷ luật, đã giúp tôi dễ dàng thi hành phận sự.
Trong 80 phút giao tranh, không có một cầu thủ nào cự nự, phản đối, hay tỏ vẻ bất bình. Nên tan trận tổ chức, và vị đại diện Tổng cuộc Bóng tròn quốc tế lại mời tôi cầm còi trận thứ nhì, ngày mai giữa Hồi Quốc và Tân Gia Ba, và luôn cả trận thứ ba giữa A Phú Hãn - Hồng Kông.
Qua ngày chót Á vận, trận chung kết giữa Đài Loan và Nam Dương tôi lại được ban tổ chức đề cử điều khiển. Các phái đoàn và ban quản trị đã nhận xét tôi qua ba lần cầm còi, nên đã đồng thanh tán thành việc mời tôi điều khiển trận chung kết. Tôi đã đồng ý. Nhưng khi đến sân giờ chót, ban tổ chức lại yêu cầu tôi nên nhường lại “trận danh dự” nầy cho trọng tài Phi (là trọng tài của quốc gia tổ chức) và ngỏ ý muốn nhờ tôi làm giám biên giúp đỡ trọng tài.
Nhận thấy giải Á vận chơi trong 5 ngày, tôi lại điều khiển liên tiếp 3 trận trong 3 ngày, kết quả tốt đẹp, tôi rất lấy làm mãn nguyện, nên có ý muốn tỏ cho vị trọng tài Phi và ban tổ chức biết lễ độ và lịch thiệp là đức tính vốn sẵn của dân tộc Việt Nam, tôi vui vẻ nhận lời mà không hề có một cử chỉ gì tham cố. Nên họ đã rất vui mừng.
Vào thượng tuần tháng năm 1955 sau khi điều khiển giải túc cầu hội chợ quốc tế Cao Miên, tôi nhận được phù hiệu trọng tài quốc tế của Tổng cuộc Bóng tròn Quốc tế ở Thụy Sĩ gởi tặng. Báo chí ở đây đã nói nhiều về việc này, đã đề cao tôi nhiều quá. Nhưng không một ai thấu được nỗi sung sướng riêng trong lòng tôi khi tay tôi cầm tấm phù hiệu có mấy chữ Referee international, trí nhớ lại những ngày ở Ma Ní.
(Dẫn theo cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và nxb Văn hóa văn nghệ tp.hcm 2020)
 (Cách gọi ngày xưa chỉ Manila (Ma Ní) thủ đô của Philippines (Phi Luật Tân); A Phú Hãn (Afghanistan); Tân Gia Ba (Singapore); Hồi Quốc (Pakistan)...)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.