Bài Xuân hay trên báo Sài Gòn xưa: Con trâu đầu đoàn đánh cọp cứu chủ

Vài cụ nông dân còn sống sót bây giờ ở miệt Cà Mau thường hay kể lại cho con cháu nghe một con trâu lạ đời của ông Hai Quánh hồi ấy.

Hồi ấy, cách nay có bảy chục năm, vùng Cà Mau toàn là rừng rậm. Trừ những ngọn rạch trời sanh hay do thú lớn con như voi, trâu nước lội thét biến thành sông lạch, mặt đất toàn là cây cối mọc bịt khừ.
Một hôm, không rõ từ đâu, có một gia đình gồm hai vợ chồng với hai người con trai, nhồi trên một chiếc xuồng ba lá, theo sau dòng một cặp trâu, tới ghé tại mé sông Ông Đốc. Họ vạch lau sậy leo lên bờ, nhìn tứ phía như chọn chỗ làm ăn rồi móc thuốc ra hút. Sau vài hơi khói để lấy sức làm, cả ba người đàn ông dùng rựa san bằng một khoảnh rừng rộng lối hai trăm thước vuông. Dọn xong nền nhà, sẵn cây ở kế bên, sẵn lá dừa nước mọc sát bờ sông, họ chia tay nhau đốn chặt để dựng lên một chiếc nhà nhỏ và một cái chái.
Cứ trông vào vóc vạc hình thù của người cha và hai người con trai, người ta biết ngay họ là những kẻ đã trải qua nhiều gian lao thử thách. Da họ nám đen, mình nổi đầy bắp thịt cứng rắn. Người ta nói họ gốc gác từ miền Trung vì sinh kế nên đặt gót phiêu lưu lần hồi cho đến mé sông Ông Đốc họ mới dừng bước. Và chỉ vì muốn đem ông để so sánh với một thứ cây dà chịu bền sương nắng ở rừng nầy là cây Dà Quánh, nên họ gọi ông là ông Hai Quánh vậy.
Thấy cuộc địa có nhiều triển vọng, gia đình ông Hai Quánh bắt tay phá rừng. Họ hạ cây, họ chặt lau sậy để vậy cho khô rồi châm lửa đốt. Miếng rừng vài tháng trước người đi cách nhau vài thước không thấy, nay đã biến thành một miếng rẫy phì nhiêu.
Không chỉ phải đối phó với thiên nhiên mà thôi, gia đình ông Hai Quánh còn phải đương đầu với thú dữ nhứt là cọp. Bọn chúa sơn lâm ở vùng Cà Mau hình như không vừa lòng với sự có mặt của ông Hai. Ngay những ngày đầu, chúng đã đến viếng nhà ông tới mấy con để dằn mặt.
Chúng đi rảo xung quanh nhà, hầm hừ dữ tợn. Cha con ông Hai Quánh vốn đã quen mặt với chúng từ ở miền Trung, họ mỗi đêm cứ đốt lửa lên rồi chông mác, dáo, chuẩn bị đối phó. Bọn cọp thèm nhứt là cặp trâu của ông Hai. Đêm nào nó cũng léo hánh tới bên chuồng thò tay vào quào móc hai con trâu. Nhưng hai con trâu của ông Quánh không phải như những con trâu khác nghe tiếng cọp rống thì phá chuồng chạy. Chúng nó cũng được trui rèn trong gian lao khổ hạnh, nên chúng giống chủ về cái gan lì.
Nhưng giặc đánh ra mặt dễ đối phó, chớ giặc núp lén rình mò làm sao ta có thể tránh nó mãi. Có lẽ bọn cọp tức mình vì không đả động được gia đình và hai con trâu của ông Hai nên sáng đó hai con cọp to lại chực sẵn ở rìa rừng miếng ruộng. Ông Hai Quánh vừa máng ách vào cổ con trâu Lộng rồi thì nó liền giựt đứt giây ách khịt khịt phóng tới một bụi rậm.
Ngay khi ba cha con ông Hai Quánh chưa hết ngạc nhiên, tức thì từ mé rừng hai con cọp to phóng ra, nhào tới tấn công ba cha con ông. Nhờ luôn luôn chuẩn bị vũ khí như mác và rựa, hơn thế họ đều là tay vỏ giỏi, họ liền xông tới chống cự cọp. Con trâu Lộng lao mình tới can ngăn hai con cọp bằng những cái vớt bằng sừng. Hai con cọp nầy hẳn đã từng trận mạc xông pha, nên nó không khiếp sợ, một con tách riêng để “đánh” với con trâu còn con kia thì vờn bộ với ba cha con ông Hai Quánh.
Cọp lừa thế nằm ngửa dùng hai chơn trước bóc đất vãi vào mặt ba người, cố ý làm đất cát lọt vào mắt cho không thấy đường, thừa cơ hội đó nó sẽ chụp.
Nhưng ba cha con ông Hai Quánh đâu phải là tay ngang. Họ dùng một tay che mắt, một tay cầm khí giới đương cự. Con cọp đánh với trâu nãy giờ cứ bị trâu đánh hất văng ra hoài, cố nhập nội để móc cổ con trâu, nhưng vô không được. Nó nhảy ra xa thở hổn hển, tìm thế hạ con trâu. Con trâu cũng mệt không tiến tới, cứ chong sừng chờ. Con cọp quyết giở một miếng tổ ra, nên nó phóng thật cao qua khỏi đầu trâu định bợ giò sau hay móc bụng. Nhưng ngay khi nó vừa rớt xuống thì con trâu Lộng cũng đã quay mình dùng cặp sừng nhọn hứng nó một cái lút cả tấc vào hông. Con cọp rống lên một tiếng rùng rợn, quặp đuôi nhảy tạt vào rừng mất dạng.
Hạ được một địch thủ rồi, con trâu Lộng nhào tới chém nhầu con cọp còn lại. Nó đánh nhầu như thế vì nó biết trận đánh nầy nó còn chủ nó tiếp nó. Bị đánh dồn quá, hơn nữa cọp đã thấy bồ nó đại bại rồi, nên nó cũng nhảy biến vào rừng.
Từ ngày đó, con Lộng được chủ nó tưng tiu như con. Nhờ chiến thắng của nó mà cọp ít hay bén mảng tới cuộc đất của ông Hai Quánh.
Con Lộng được 15 tuổi thì chết. Khác hơn những chú trâu khác, hễ trâu chết thì lấy da phơi khô đến bán lấy sừng làm tù và, thịt thì để ăn, con trâu Lộng được cha con ông Hai Quánh đào mộ ngay trong cuộc đất chôn cất tử tế. Họ còn đắp cho nó một núm mả thiệt cao y như của người ta. Ông Hai lấy dầu hắc vẽ vào mộ bia bằng cây ba chữ mộc mạc: “Lộng, nghĩa bộc”. 
(Dẫn theo cuốn Tùy bút - hồi ký - giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, Phạm Công Luận tuyển chọn và giới thiệu, Công ty văn hóa Phương Nam và NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM 2020).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.