Bạc tóc làm áo dài bằng tóc

26/09/2010 05:21 GMT+7

Nhà tạo mẫu tóc Kim Quý - một trong những người làm tóc đầu tiên ở Hà Nội, đang hoàn thiện chiếc áo dài xe, kết, dệt bằng tóc của phụ nữ các dân tộc Việt Nam. Phía sau chuyện tạo tác áo dài tóc là một người phụ nữ đa đoan, bộc trực, dám làm hết mình để giành được những thứ mình đáng phải có.

Gửi thư xin tóc

Đó là số tóc chị thu thập từ khách hàng khi họ đến cắt tóc làm đầu ở cửa hàng trong suốt 30 năm làm nghề. Cũng có người chị phải gửi thư xin tóc. Nhiều người gửi lại cho chị kèm những lời động viên tin tưởng. Chị Quý luôn cố gắng tập hợp tóc của chị em phụ nữ 54 dân tộc. Có nhà báo, bạn bè đi công tác miền núi, chị lại nhờ họ mang tóc chị em dân tộc về.


Áo dài tóc trên cầu Thê Húc - Ảnh: Thái Phiên

Cách đây mấy năm, em SV Nguyễn Thị Hiền người Thái đang học tại Hà Nội. Hiền đến cắt tóc ở cửa hàng Kim Quý. Mái tóc Hiền đen, dài chấm lưng và nó đã trở thành chiếc mũ và hình rồng trên chiếc áo dài tóc của Kim Quý: “Tóc và áo dài đều là của phụ nữ, đều là vẻ đẹp Việt Nam. Nhưng nghĩ rộng ra, áo dài phải thể hiện được một hình ảnh của đất nước luôn mong muốn hóa rồng châu Á”.

Rốt cục, chị tạo hình bản đồ Việt Nam ở tà áo phía sau, đáy tà áo có hình đuôi rồng, ngụ ý vươn ra phía trước. Còn tà áo phía trước là hình rồng cách điệu. Chiếc khăn đội đầu cũng làm bằng tóc và xe, kết, tết hình Tháp Rùa. Chị mua tấm bản đồ VN năm 2010, áp vào áo để thêu cho chính xác. Đầy đủ, cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điểm Hà Nội và TPHCM đều thêu kèm quốc kỳ Việt Nam.

Ban ngày chị vẫn làm giám đốc công ty TNHH Dạy nghề Tạo mẫu tóc Kim Quý, giảng dạy, làm đầu cho khách, làm việc nhà. Phòng ngủ dường như là không gian riêng duy nhất của chị, là nơi chị làm áo dài. Phòng lợp mái tôn, chỉ khoảng 10 mét vuông, nằm trên tầng ba.

Chiếc giường chật hẹp, nhưng chị luôn đặt chiếc áo dài ở đó, khi ngủ cũng như khi đi vắng. 11 giờ đêm chị lại lôi áo dài tóc ra xe, kết, móc đến 2 giờ sáng. Trong 4 năm, chị chỉ ngủ 2 tiếng mỗi ngày. Lúc nào mệt quá cũng chỉ ngủ độ 3 tiếng/ngày.


Chị Kim Quý vẫn miệt mài hằng đêm hoàn thiện áo dài tóc - Ảnh: Xuân Phú

Khi chị dệt áo, có khoảng 20 người biết chuyện. Bà Kim Cúc - Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói VN, bà Phạm My - Tổng biên tập báo Tài nguyên- Môi trường, vợ chồng nhà báo Thu Nga (báo Hà nội mới), nghệ sỹ Văn Dương Thành, NSND Chu Thuý Quỳnh… đều động viên khích lệ chị. Nhưng, “từ tháng 11- 2009 đến giờ, áp lực đè lên tôi thật khủng khiếp. Khi áo dài công bố rộng rãi với công chúng, tôi mới làm được 70%, tiếng dè bỉu, tiếng gièm pha rất nhiều”.

Chiếc áo dài đang trong những đường móc cuối cùng. Nhìn lướt qua, chất liệu áo hơi giống len gai. Nhưng sờ vào lại mềm mượt, mát tay. Áo rất dày dặn. Kim Quý không bán đấu giá làm từ thiện như nhiều người khuyên, bởi làm từ thiện có nhiều cách, chị cũng đã và đang hăng hái làm từ thiện.

Áo dài tóc là tâm huyết, công sức của riêng chị, bởi vậy, Kim Quý nói sẽ mang sang nước ngoài trưng bày ở các triển lãm hay cuộc thi tạo mẫu.


Chị Kim Quý cùng người mẫu và áo dài tóc

Đưa áo dài chu du thiên hạ, Kim Quý muốn quảng bá hình ảnh quê hương đất nước, quảng bá áo dài, còn chị - ở cái tuổi 60 không cần làm thương hiệu nữa. PR để làm gì khi con cái đều có nghề nghiệp đàng hoàng, không thèm theo nghề của mẹ.

Vượt qua ly hôn và…bao cấp

Những năm 1980 đang là thời bao cấp, Hà Nội lúc đó khổ hơn nông thôn, nghề tóc chưa phát triển. Thế mà Kim Quý đã có ý định gom tóc của khách hàng để làm cái gì đó có ích. Hơi lạ. Kim Quý là thế, nghĩ sớm, đi trước. Chị làm biển hiệu sáng choang từ hồi đó. Nghệ sỹ tới tấp đến làm tóc ở cửa hàng chị.

Từ tháng 11- 2009 đến giờ, áp lực đè lên tôi thật khủng khiếp. Nếu không cứng thần kinh là nhặt lá bánh rồi. Áp lực ở đây là gì? Khi tuyên bố, tôi mới làm được 70%, tiếng dè bỉu, tiếng gièm pha rất nhiều. Hiện, tôi đang khâu thêm tóc màu để làm nổi bật đường biên giới đất nước trên tà áo. Mũ, hài đi kèm cũng đều dệt bằng tóc.
Năm 1993, một hội thảo diễn ra ở số 27 Trần Xuân Soạn, bàn về Việt Nam một năm sau đổi mới. Tóc Kim Quý, bánh đậu xanh Nguyên Hương đại diện cho khối ngoài quốc doanh được mời dự. Tham luận của Kim Quý nói về nghề làm tóc ở Thủ đô, trong đó đặt ra những vấn đề khá mới.

Năm 1992, hôn nhân của Kim Quý bắt đầu trục trặc. Kim Quý ly dị đúng dịp Tết. Rời khỏi nhà gần như tay trắng. Học trò chị là T vận dụng xuất sắc bài marketing thầy dạy cho để tận thu khách hàng ruột của thầy. Chơi họ để tiết kiệm tiền với một người ở phố Hàng Bông, chị lại bị lấy hết sạch tiền.

Ngày còn đông khách, chị đông bạn lắm. Có 40 người bạn gọi là thân. Chị đề nghị cả 40 người bạn cho vay mỗi người 10 đô la để chị lập nghiệp lại, sau một năm sẽ trả. 36 người lặn mất hút, đến tận giờ vẫn không thấy bóng dáng, chị cũng quên tên của họ rồi.

Còn lại 4 người, trong đó có ông Đăng Trung - phóng viên báo Tiền phong, cho vay 200 đô la. Bà Chu Thúy Quỳnh - NSND ngành múa cho vay 200 đô la, bà Bích Liên buôn đồ cổ ở Thợ Nhuộm cho vay 100 đô la, một người bạn nữa cho vay 10 đô la. Từ số tiền ấy, chị thuê ở 16 Trần Quốc Toản để lập nghiệp lại. Và cũng từ đó, chị sống độc thân.

Từ hồi trẻ, Kim Quý đã có một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt lắm rồi. Mười lăm tuổi rưỡi, chị viết quyết tâm thư bằng máu xin vào bộ đội, thuộc E 274, E234, E212 quân chủng Phòng không - Không quân bảo vệ Thủ đô. Mẹ chị khóc rấm rứt: “Cả nhà đã có 2 quân nhân rồi, thêm con nữa thì khổ lắm”. Được sự giải thích của cán bộ khu đội, mẹ chị mới vui vẻ cho anh em chị cùng nhập ngũ.

Kim Quý gốc ở Hải Phòng, nhưng gắn bó với Hà Nội gần nửa thế kỷ. Hà Nội 12 ngày đêm năm 1972, chị là người vẽ tiêu đồ máy bay trên kính mê- ca. Hai tay đánh tiêu đồ như múa với cả 10 đầu ngón tay. Trí nhớ khá tốt, bây giờ chị vẫn nhớ và vẽ lại được cả những kỷ niệm, những hình ảnh quê hương từ lúc ba tuổi. Ánh mắt nhanh và thẳng thắn.

Kim Quý không bao giờ để phí thời gian. Ở chiến trường, chị vẫn học văn hóa, học vẽ, học đàn ghi-ta, măng- đô- lin. Chị cũng là một cây tấu hài trong đơn vị. Còn bây giờ, người phụ nữ 58 tuổi vẫn sống một mình. Chị tự làm lấy mọi việc, coi như thể dục. “Tôi thấy như thế là hạnh phúc”- Kim Quý nói.

“Cái thay đổi của tôi bây giờ là biết chấp nhận. Tôi chỉ muốn nói với mọi người tôi là người Việt Nam yêu nước. Chấm hết. Tôi luôn dạy học trò rằng, khi các con ra trường trước tiên các con phải là một công dân tốt”.

Làm tóc cho Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa

Năm 1990, khi Diệu Hoa đến nhà đề nghị chị chải cho kiểu tóc để đi thi, chị đóng cửa phòng bảo Hoa trút bỏ xiêm y, hướng dẫn cách đi đứng cho Hoa, rồi bày cách phát huy những điểm mạnh của hình thể mình trước ban giám khảo. Một kiểu đầu không thể hợp với áo bơi, áo dài và áo vũ hội được. Mỗi phần thi Hoa được chị Quý tạo một kiểu đầu riêng! Đêm Hoa đăng quang, chị khóc.

Theo nhà tạo mẫu Kim Quý, nhiều người nổi tiếng đã góp tóc cho áo dài của chị: NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Lê Dung (góp nhiều lần), ca sỹ Thanh Lam, Hồng Nhung, Hoa hậu Hà Kiều Anh, họa sỹ Văn Dương Thành, phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến, vợ chồng nghệ sỹ múa Đặng Hùng- Vương Linh, Thanh Bạch- Xuân Hương... Nhiều lắm. Gần nhất là bà Vũ Thị Mai- Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội.
Sau Diệu Hoa, chị không làm tóc cho hoa hậu nữa, chỉ tài trợ giải Mái tóc đẹp trong cuộc thi Hoa hậu báo Tiền phong năm 1992. Năm 1998, Kim Quý mới bắt đầu dạy tạo mẫu tóc. Rồi đi học thêm nghề tóc ở nước ngoài. Chị dạy có giáo án hẳn hoi, có bài kiểm tra lý thuyết, bài vẽ, có chấm điểm.

Khi tuyển sinh có nhiều khóa, học phí từ 800 ngàn đến 34 triệu đồng. Nhưng thực ra trò nào ham học mà có hoàn cảnh khó khăn thật sự thì nộp 6 triệu đồng, chỉ cần viết lời hứa danh dự học thành nghề sau này trò nào có hiếu nhớ thì trả, không trả thì coi như thầy giúp. Chị nói làm thế để các trò biết quý giá trị của đồng tiền.

Kim Quý bảo, trong tất cả các nghề, chỉ có hai nghề chị không làm là ăn cắp và gái bán hoa. Đan lát thêu thùa, rồi chuyển ngành về làm công nhân Dệt 8- 3, làm cô nuôi dạy trẻ, rồi bóc lạc, cắt via nhựa (cắt những cái gai xung quanh bông hoa nhựa), nấu kẹo dồi, kẹo vừng, kẹo lạc đến bánh đậu xanh mang nhập cho hàng nước…

Khách mới vào lần đầu, ngó đầu tóc chị tưởng bà chủ ăn chơi lắm: một chỏm tóc đen giữa mái đầu màu bạch kim. Hóa ra không phải. Tóc chị bạc. Chị cho tý thuốc bóng để đỡ nham nhở chứ không phải nhuộm. “Làm xong cái áo dài tóc, đầu tôi bạc hẳn đi”- Kim Quý thở dài.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.