ATM hoa hồng

03/05/2020 13:00 GMT+7

Trên những ban công ở Ý trong thời điểm đất nước này đóng cửa chấp nhận cách ly xã hội để chống dịch, người dân Ý cùng mở cửa, cất tiếng hát và nhảy múa để xua tan nỗi sợ và động viên tinh thần chiến đấu với dịch Covid-19 , chuyển lời cảm ơn đội ngũ y bác sĩ đang gồng mình căng sức ở tuyến đầu chống dịch.

Người dân New York (Mỹ) cũng làm thế. Tinh thần cần “món ăn” riêng của nó. Và đó là thiết yếu, thứ giá trị thiết yếu không quy ra thóc, không quy ra tiền.
Nhiều nghệ sĩ sân khấu tìm cách giữ giá trị nghệ thuật của nghề bằng sáng kiến “biểu diễn từ xa”. Hãy nhắc một chút về chương trình nghệ thuật rất đặc biệt Musica che unisce (Âm nhạc gắn kết tất cả) được phát sóng trực tiếp trên kênh truyền hình RaiUno (một kênh truyền thông rất nổi tiếng ở Ý) cũng như trên nền tảng YouTube. Một chương trình biểu diễn không hề có ánh đèn sân khấu lung linh huyền ảo, càng không có những tiếng hò hét cổ vũ, nhưng lại mang đầy tính nhân văn đến từ các nghệ sĩ Ý giữa tâm dịch. Rất nhiều gương mặt có tên tuổi và gạo cội trong nền âm nhạc Ý đều góp mặt trong buổi biểu diễn này. Chương trình biểu diễn tại nhà này là để quyên góp từ thiện cho CPD (Cục Bảo vệ dân sự) ở Ý, nơi của những người đang phải trực tiếp đối mặt với những tác hại khôn lường do đại dịch Covid-19 gây ra trên lãnh thổ đất nước này.
TvBoy, một nghệ sĩ ở vùng Palermo nước Ý, vẽ tác phẩm tranh đường phố Mona Lisa đeo khẩu trang, nhằm mục đích tuyên truyền và giáo dục đến người dân các nước châu Âu giữa tâm dịch bệnh.
Ngay trong khu cách ly, du học sinh ngành kiến trúc Nguyễn Tăng Quang truyền cảm hứng cho mọi người bằng bộ tranh mô tả cuộc sống trong khu cách ly. Giá trị nghề mà anh theo đuổi đã đắc dụng ngay trong hoàn cảnh khó khăn.
Những người làm việc và sinh sống với nghề nghiệp gắn liền với giá trị tinh thần đều luôn có ý thức cố gắng giữ gìn và phát huy những giá trị ấy trong mọi hoàn cảnh. Họ luôn cố gắng để những giá trị tinh thần mà mình theo đuổi chỗ đứng xứng đáng trong đời sống, phục vụ con người, kể cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
Vậy sao hoa Đà Lạt không thể trở thành quà tặng cho những người ở tuyến đầu chống dịch, cho cộng đồng đang đối mặt mỗi ngày với nỗi lo âu, mà phải chặt bỏ đến đau lòng? Sao không thể có ai cùng với người trồng hoa Đà Lạt dành chút thời gian và tâm ý để cắt xén vườn hoa hồng nhằm tạo hình, tạo chữ chuyển đi một thông điệp cộng đồng nào đó trước khi để hoa lụi tàn trong kiếp đời trang nhã của chúng? Sao không phải là những bó hoa tươi được gửi đến bệnh viện dã chiến, gửi đến khu cách ly như món quà tinh thần động viên đội ngũ y bác sĩ, chia sẻ nỗi buồn vui của đồng bào đang tuân thủ cách ly.
Tại sao không phải là người trồng hoa và những cơ sở kinh doanh hoa cùng những người yêu thích hoa kết hợp với nhau tổ chức các hoạt động thiện nguyện thấm đẫm tinh thần nhân văn mà không nhất thiết phải bằng gạo hay tiền.
Chẳng lẽ cứ dịch thì trái tim đóng cửa, cảm xúc lãng mạn cất kỹ vào kho. Hoa cứ mặc hoa. Nông dân Đà Lạt chặt bỏ hoa hồng nếu không tìm được đầu ra trên mạng xã hội với giá 1.000 đồng một bông. Thông tin nghe cứ như một nỗi đau.
Có sáng kiến nhân văn tuyệt vời như “ATM gạo”, thì tại sao lại không thể có sáng kiến “ATM hoa hồng”?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.