Ảnh quý về Hà Nội những ngày bi tráng

17/02/2017 05:45 GMT+7

Lần đầu tiên, những bức ảnh quý về thủ đô được chụp gần như ngay sau trận chiến bi hùng 60 ngày đêm được tập hợp. Triển lãm cũng có cả ảnh đối sánh những không gian đó.

Câu chuyện của 3 chàng tư sản
Từ cuối năm 2016, suốt nhiều tháng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo trăn trở trên phố cổ Hà Nội. Dù đã quen thuộc từng con phố, từng khúc quanh vỉa hè, từng cột đèn từ nhỏ, nhưng Nguyễn Hữu Bảo vẫn phải dồn nhiều công sức, dành nhiều thời gian, trở đi trở lại với những suy tư để tìm và chụp lại đúng các góc ảnh đã được chụp của góc phố xưa cũ đó trong một tâm thế khá đặc biệt. “Tôi đi tìm lại những nơi mà trước đây các ông Nguyễn Duy Kiên, Trần Văn Nhung, Trần Văn Vẽ đã chụp”, ông Bảo nói.
Các bức ảnh của những người này, theo ông Bảo: “Nhìn vào đó thấy ngay các ông chụp rất chuyên nghiệp. Những bức ảnh tuân theo luật bố cục, ánh sáng rất bài bản. Một bức ảnh đổ nát thế thôi nhưng vẫn đối xứng, có những góc chụp khác nhau để tạo ra chất bi tráng. Thông qua đó để thấy chất anh hùng ca cũng như sự khốc liệt của cuộc chiến”. Ông cũng cho biết đây là ảnh của 3 chàng tư sản, vì hồi đó chỉ có nhà giàu mới chơi ảnh.
Ảnh quý về Hà Nội những ngày bi tráng1
Họp chợ sau tản cư Ảnh: tư liệu triển lãm
Triển lãm Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ có nhiều hình ảnh mà 3 nhà nhiếp ảnh tư sản hồi đó chụp lại khi hồi cư về phố cũ, nhà xưa của mình sau những ngày Hà Nội “ầm ầm rung”. Trước đó, trung đoàn thủ đô đã rút quân để lại đô thành nghi ngút cháy sau lưng đêm 17.2.1947, mở đầu cuộc toàn quốc kháng chiến. Triển lãm còn có cả ý tưởng đối sánh bằng hình ảnh sau 70 năm. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo đã lần theo những hình ảnh cũ để chụp lại nhằm có được so sánh này. Chính vì thế, trên những tấm pano ảnh được trưng bày theo nhóm, ảnh xưa và nay của cùng một địa điểm.


Triển lãm Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ do Trung tâm tư liệu ảnh lịch sử Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử VN phối hợp với Trung tâm thông tin văn hóa hồ Gươm thuộc Ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc “trận chiến 60 ngày đêm của thủ đô huyết lệ” (17.2.1947 - 17.2.2017). Triển lãm diễn ra từ ngày 17.2 tại số 2 Lý Thái Tổ, Hà Nội và chưa dự kiến ngày kết thúc.
Hà Nội sau 60 ngày đêm huyết lệ là một cách nói về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm diễn ra vào cuối năm 1946 đầu 1947 tại thủ đô, được coi là sự kiện mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Đây là thời gian những người con Hà Nội đương đầu với quân Pháp để “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Từ nhà tắm công cộng đến Facebook
Cách đây chừng một tháng, nhiều nhiếp ảnh gia đã chia sẻ vài hình ảnh trong triển lãm này trên trang cá nhân để nhờ ai có thông tin thì cung cấp giúp. Nhiều bức ảnh do 3 nhiếp ảnh gia kể trên để lại không rõ địa chỉ. “Nhiều thông tin đưa tới không chính xác. Nhưng cũng có người đã giúp tìm lại được địa điểm căn cứ vào tọa độ và chi tiết còn lại của kiến trúc. Chẳng hạn, ảnh chụp một đoạn phố nhưng không biết là nơi nào. Một người nói đấy chắc chắn là ở Hàng Đồng vì ở đó có một kiến trúc cổ thò ra đến giờ vẫn còn. Tôi ra đó kiểm tra và thấy đúng như thế thật, một ngôi chùa thò ra một chút thôi. Facebook quả là lợi hại”, ông Bảo nhớ lại.
Mặc dù vậy, vẫn còn khá nhiều bức ảnh xưa chưa có ảnh đối sánh nên buộc phải ghi: “Cảnh đổ nát chưa xác định được địa điểm”. Ban tổ chức cũng hy vọng qua triển lãm sẽ tìm thấy những thông tin bổ sung.
Những câu chuyện ảnh cho thấy Hà Nội đã từng ra sao, dù đổ nát và thưa thớt bóng người. Có bức ảnh mô tả một Hà Nội hồi sinh lập tức khi người dân trở lại thủ đô sau tản cư. Đó là những buổi họp chợ với rất nhiều gánh hàng san sát nhau. Có cả bức ảnh mô tả những chiếc chõng tre được bày bán thế nào. Theo ban tổ chức triển lãm, đó chính là vật dụng được sử dụng nhiều nhất sau những ngày thủ đô kháng chiến.
Một bức ảnh khác lại cho thấy hình dung không gian của nơi đang định làm phố sách hiện nay. Thời năm 1925, nó có tên Rue Palais de Justice do nằm cạnh tòa án. Sau đó, con phố này đổi tên thành Rue Paul Simoni. Tới năm 1945, con phố được dùng làm nơi quy tập người chết trong chiến cuộc ở Hà Nội, đây cũng là lý do nó từng được đặt tên “chợ Âm phủ”.
“Bức ảnh chụp ở chợ Gạo cho thấy một nhà tắm công cộng. Hồi đó, ở đây còn có một khu xay xát gạo và người làm nghề xát gạo thường ra đó tắm. Nhưng người dân thủ đô cũng thích tắm ở đó. Tôi cũng vậy. Vì ở đó có nước nóng thường xuyên và cả vòi hoa sen nữa. Không phải nhà ai cũng được trang bị hai thứ đó. Vì thế nên tắm ở đây dễ chịu và ấm áp”, ông Hữu Bảo cho biết.
Cũng có cả bức ảnh chụp ngôi Trường Jean Dupuis, còn gọi là Trường Ke (Quai) vì ở gần đó có một cửa cống lớn. Bây giờ đây là Trường Trần Nhật Duật nhưng cửa cống lớn đó không còn nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.