Anh đã để lại cho đời rất nhiều điều tốt đẹp

08/05/2017 07:22 GMT+7

(Tưởng nhớ anh Việt Phương) Đối diện với trang giấy lúc này để viết những dòng tiễn biệt anh, tôi tự trách mình sao lại không biết những ngày qua anh đã nằm trong bệnh viện.

Để đến lúc anh từ biệt mọi người bước sang bên kia bầu trời, khi mà báo chí đăng tin anh qua đời thì trong tôi trào dâng những cảm xúc vừa đột ngột, vừa vô cùng tiếc nuối. Tự giận mình sao không biết để tới thăm anh, có lẽ đã được nghe những lời chuyện trò, tâm sự. Nếu không phải là những câu chuyện vô cùng thi vị của cuộc đời thì cũng thu nhận, học hỏi được những tri thức quý giá mà anh đã chiêm nghiệm, đeo đuổi suốt cả cuộc đời.
Anh Việt Phương, như mọi người đều biết, là thư ký, trợ lý lâu năm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính mến. Sau này với chức danh chuyên gia cao cấp, anh là thành viên chủ chốt trong tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải. Anh thường xuyên tham gia sinh hoạt trong Hội đồng Lý luận T.Ư. Là người như cách nói dân gian: "Vua biết mặt, chúa biết tên", được nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước trọng dụng và yêu mến. Với tài năng, đức độ và uy tín của mình, anh còn được đồng chí, đồng nghiệp nhiều thế hệ nhất là văn nghệ sĩ, trí thức, thanh niên mến yêu, kính trọng.
Mọi người biết và yêu mến những vần thơ anh viết đầy chất nhân văn và minh triết. Biết và yêu mến cách nói chuyện vô cùng cuốn hút của anh. Biết, yêu mến và kính trọng anh về cách thức tự học, tự trang bị cho mình một kho tàng tri thức khổng lồ Đông, Tây, kim, cổ. Và càng thêm yêu mến anh về sự lạc quan, giản dị trong cuộc sống thường ngày, đức tính và phong thái nhẹ nhàng, trầm tĩnh đầy chất nhân văn.
Tôi quen biết và gặp anh chủ yếu trong công việc, trong hội họp. Nhiều lần đến thăm khi anh và gia đình còn ở trong căn hộ hơn hai mươi mét vuông khu tập thể Giảng Võ (Hà Nội) để mời anh giảng bài, nói chuyện cho các lớp bồi dưỡng kiến thức về Chủ nghĩa xã hội và công cuộc Đổi mới ở nước ta. Rồi cùng anh sinh hoạt trong tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong Hội đồng Lý luận T.Ư cùng khá nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhất là vào những năm tháng đất nước ta đang ra sức tháo gỡ khó khăn trên con đường Đổi mới.
Vốn tri thức mà anh tích lũy không biết từ bao giờ sao mà rộng, mà sâu, mà phong phú đến vậy. Giống như những người hiểu sâu, biết rộng xưa nay, anh biết nên nói cái gì, lúc nào, với ai. Có lẽ bởi thế có lúc anh đã kìm nén những điều nhiều người muốn được nghe anh nói. Bởi ở anh đó là lý luận, là thực tiễn, là sự chiêm nghiệm, sự từng trải không chỉ từ khi anh viết những vần thơ Cửa mở năm 1970 khi mái tóc anh hãy còn xanh. Đến lúc anh cho in những vần thơ ngân lên như một tiếng reo vui Cửa đã mở năm 2008, mái tóc trên đầu anh đã bạc.
Tôi lần giở đọc lại những câu mở đầu tập thơ Cửa mở có ghi lời đề tặng của anh: Ơi cách mạng ta yêu mình từ bé/Như trẻ thơ yêu mẹ tự trong nôi/Ta chưa hiểu những lẽ đời dâu bể/Chỉ thấy xa xa vòm sáng rạng ngời. Và khổ thơ cuối trong tập thơ Cửa đã mở: Thơ trong chiều sâu nỗi đau/Đời như con tàu rẽ sóng/Bọt sủi lềnh bềnh mơ mộng/Đằng xa mở rộng chân trời.
Trước sau, dù khó khăn, vui buồn thế nào đi chăng nữa, thế giới quan trong thơ anh, niềm tin, lẽ sống của anh vẫn luôn tươi sáng. Mọi người rất yêu, đang đọc và sẽ còn đọc những câu thơ đẹp, minh triết của anh.
Anh đã để lại cho mọi người, cho cuộc đời rất nhiều điều tốt đẹp. Cho dù lúc sống anh luôn khiêm nhường và có phần lặng lẽ, nhưng khi ra đi, anh có biết chăng những người yêu quý, nhớ thương, kính trọng anh thật đông đảo biết nhường nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.