Ấn tượng áo dài: Những tà áo dài trên mặt trận ngoại giao

06/03/2017 07:00 GMT+7

Trong cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, hình ảnh những phụ nữ VN trong tà áo dài mềm mại đi khắp nơi làm công tác ngoại giao đã gây ấn tượng đặc biệt với giới báo chí và nhân dân các nước.

Những “kẻ thù” khả ái
Trong hồi ký, bà Nguyễn Thị Bình, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của VN, gọi ngoại giao là một mặt trận đặc biệt của cuộc chống Mỹ cứu nước, một nhiệm vụ nặng nề, “một trang rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động của tôi”.
Hoạt động ngoại giao của bà Nguyễn Thị Bình bắt đầu từ những chuyến đi ra nước ngoài đầu thập niên 1960. Lúc ấy bà từ vai trò thư ký của bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, được đưa về bộ phận đối ngoại của Ban Thống nhất, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN ra đời. Tháng 6.1962, tà áo dài VN xuất hiện tại Đại hội thanh niên sinh viên quốc tế ở Ba Lan, khi bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn đại biểu sinh viên miền Nam VN.
Tháng 3.1963, đoàn đại biểu phụ nữ giải phóng miền Nam VN gồm 3 đại biểu do bà Nguyễn Thị Bình với danh nghĩa Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam dẫn đầu dự Đại hội phụ nữ thế giới tại Moscow (Liên Xô). Hàng ngàn đại biểu các nước trong hội trường sững sờ khi nghe những người phụ nữ VN mảnh mai trong tà áo dài nói về sự tàn khốc của cuộc chiến tranh ở miền Nam VN. Cả hội trường lặng đi, sau đó là những giọt nước mắt xúc động. Tại hội nghị này, lần đầu tiên hai đoàn phụ nữ miền Nam và miền Bắc VN gặp đoàn phụ nữ Mỹ, mở đầu cho những cuộc gặp gỡ sau này, giữa những người phụ nữ ở hai trận tuyến có chồng, con phải tham gia cuộc chiến tranh VN.
Tháng 7.1965, tại Jakarta (Indonesia), đoàn miền Nam do bà Bình dẫn đầu gồm 5 chị và đoàn miền Bắc cũng 5 chị, gặp đoàn phụ nữ từ nhiều bang nước Mỹ sang để “tìm hiểu gương mặt của kẻ thù”. Phía đoàn Mỹ kinh ngạc khi “kẻ thù” lại là những người phụ nữ khả ái trong tà áo dài mềm mại, tha thướt. Nhiều phụ nữ Mỹ đã bật khóc khi nghe những “tà áo dài” VN kể về nỗi đau khổ phụ nữ và trẻ em VN phải gánh chịu trong chiến tranh. Kết quả cuộc gặp gỡ lịch sử ấy là một bản tuyên bố thật xúc động đòi chính phủ Tổng thống Mỹ Johnson chấm dứt cuộc chiến tranh ở VN.
Cuối năm 1965, bà Nguyễn Thị Bình lại dẫn đầu đoàn phụ nữ giải phóng miền Nam VN sang châu Âu. Sau khi dự khóa họp Hội đồng Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới tại Áo, đoàn được phụ nữ Pháp mời dự đại hội. Cùng tham gia đoàn có Mã Thị Chu, Nguyễn Ngọc Dung và Phạm Thanh Vân (Bình Thanh). Bốn “tà áo dài” sử dụng ngôn ngữ Pháp thành thạo để lại ấn tượng tốt đẹp trên đất Pháp.
Tà áo dài tại Hội nghị Paris
Những “tà áo dài” tham gia ngoại giao cấp nhà nước chính thức từ sau cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968, khiến Tổng thống Nixon chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với chính phủ VN Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN.
Sự kiện bà Nguyễn Thị Bình nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN tại Hội nghị Paris gây ra “cơn bão” với giới truyền thông quốc tế. Trước đó vài hôm, báo chí được tin đã săn lùng hình ảnh và tiểu sử của người phụ nữ trưởng đoàn “Việt Cộng”. Các dì từng tham gia đoàn đàm phán xúc động nhớ lại: “Phi trường Orly nước Pháp ngày 4.11.1968 sôi động hẳn lên khi phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam VN mà đại diện là một phụ nữ với gương mặt khả ái, vóc dáng thanh mảnh trong tà áo dài xuất hiện với phong thái trầm tĩnh, đĩnh đạc. Trước báo chí thế giới, chị đã đọc lời tuyên bố nói lên thiện chí của mặt trận khi đến bàn hội nghị”.
Suốt những năm Hội nghị Paris về VN (1968 - 1972), bên cạnh bà Nguyễn Thị Bình còn có 4 “tà áo dài” thanh mảnh đầy trí tuệ, bản lĩnh: Đỗ Duy Liên, Nguyễn Thị Chơn, Nguyễn Ngọc Dung, Phạm Thanh Vân (Bình Thanh). Tần suất làm việc của năm “nữ tướng” dày đặc. Ngoài những phiên họp thứ năm hằng tuần, các thành viên trong đoàn tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới đến tìm hiểu lập trường của Chính phủ ta; trả lời những câu hỏi nhạy cảm của báo chí. Họ không chỉ đi khắp nước Pháp mà còn thay phiên nhau đi các nước châu Âu, châu Mỹ giới thiệu giải pháp 10 điểm của Chính phủ cách mạng tại bàn Hội nghị Paris...
Những căng thẳng, thử thách với những người phụ nữ ấy thật quá sức tưởng tượng. Chỉ một cái tên gọi, một khái niệm đưa ra bàn hội nghị, trong các cuộc họp báo, cũng khiến các chị thức trắng đêm trăn trở, thảo luận. Khi đó điều kiện vật chất của ta còn rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bình đã chia sẻ trong hồi ký: “Chúng tôi sống rất đạm bạc. Có những nhà báo muốn quay phim cảnh sinh hoạt, ăn ở của trưởng đoàn “Việt Cộng”, chúng tôi kiên quyết từ chối, lấy lý do phong tục VN không cho phép đưa công khai sinh hoạt riêng tư của phụ nữ. Thực tế là chúng tôi khó lòng cho họ xem chỗ ở của tôi và Bình Thanh, trên gác thượng sát mái, chỉ có hai cái giường sắt như ở bệnh viện. Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu, tôi tìm cách đối đáp cho qua chuyện...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.