Ẩm thực ngày hòa bình - Kỳ 5: Bún ốc, bia hơi Hà Nội

30/04/2016 09:40 GMT+7

Dĩ nhiên, ít khi người ta vừa uống bia hơi vừa ăn bún ốc. Tôi cũng vậy. Nhưng hoàn toàn có thể uống bia hơi, xong rồi ăn bún ốc.

Tháng 7.1975, tôi ra tới Hà Nội, về nhà cha mẹ mình, tạm kết thúc hành trình của “đứa con lưu lạc”. Thầy má tôi đúng là mừng hết lớn, thấy con mình còn sống, lại khỏe mạnh sau 5 năm không nhận được tin tức. Hòa bình rồi, vẫn chẳng thấy tăm dạng đứa con độc nhất ở đâu. Thầy má tôi nào biết, ngày mới hòa bình ấy, tôi còn mải mê thưởng thức ẩm thực những vùng quê khác nhau của miền Nam, nên mãi chưa về.
Nhà thơ Thanh Thảo (phải) và nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Ảnh: Trần Đăng
Ra Hà Nội, sau mấy ngày ở nhà với thầy má mình, tôi bắt đầu đi bộ qua cầu Long Biên, tìm thăm những người bạn cũ. Bạn của tôi ở Hà Nội thì nhiều, phải thăm nhiều ngày mới hết được. Và mỗi khi gặp bạn hiền, nhất là đã xa nhau 5 năm, thì việc đầu tiên phải tính là tới ngay… quán bia hơi. Dạo đó bia hơi Hà Nội vẫn rất sẵn, vẫn nguyên vẹn chất lượng và giá cả như hồi tôi sắp đi chiến trường. Nghĩa là ba hào một cốc vại, chất lượng thì thơm ngon mát lạnh hết ý. Chỉ phải cái xếp hàng. Thì xếp hàng, có sao đâu! Dạo đó chúng tôi “dắt lưng” được rất nhiều... thời gian, thời gian rảnh ấy mà. Cứ bình tĩnh xếp hàng, rồi cũng tới lượt mình mua.
Những người bạn uống bia hơi với tôi, gồm đủ thành phần, có những bạn từ hồi đi học đại học sơ tán như Nguyễn Minh Thuyết (bây giờ là giáo sư, nguyên đại biểu Quốc hội), có người vừa là bạn học vừa là bạn chiến trường, như anh Nguyễn Văn Đồng, có người là bạn thời tôi đi bộ đội làm ở buổi phát thanh Binh vận của Đài tiếng nói Việt Nam, có người là bạn thơ học trên lớp tôi như nhà thơ Trúc Thông, nhà thơ Trần Mạnh Thường… Và, dĩ nhiên không thể thiếu những bạn học lại “kiêm nghề bia rượu chuyên nghiệp” như nhà phê bình Định Nguyễn hay nhà thơ Lê Xuân Đố…
Chúng tôi có thể uống ở rất nhiều quán bia hơi khác nhau của Hà Nội, nhưng có hai quán chúng tôi hay uống, đó là quán bia hơi Đường Thành và quán bia hơi Cổ Tân (gần nhà hát Lớn). Bia hơi ở đó ngon có thương hiệu từ hồi chiến tranh, sau hòa bình vẫn vậy. Nếu là uống bia hơi Đường Thành, thì thường sau khi lai rai mỗi anh em dăm bảy vại vào buổi trưa, cảm thấy bụng đã hơi cồn cào, chúng tôi bèn kéo nhau đi ăn trưa ở quãng chợ Đồng Xuân, hoặc ở phố Hàng Khoai gần nhà Nguyễn Minh Thuyết. Còn nếu uống ở Cổ Tân, thì trưa đó chúng tôi kéo nhau tới chợ Hàng Da. Món thường ăn nhất của chúng tôi sau bia hơi là... bún ốc.
Bát bún ốc với nước dùng nóng hôi hổi, bao giờ cũng có màu vàng ươm, điểm phía trên là màu xanh của hành hương và rau mùi - Ảnh: Giang Vũ
Sao lại bún ốc? Đơn giản, vì bún ốc Hà Nội cực ngon, giá lại rẻ bất ngờ. Hồi ấy, giá mỗi bát bún ốc ngon lành nổi màu mè đình đám chỉ tầm hào rưỡi. Trong khi, nếu ăn phở, thì phải ba hào một bát, và hơi khó kiếm phở bò, vì Hà Nội lúc ấy khan hiếm thịt bò. Nhưng không hề khan hiếm ốc. Từ hồ Tây, ốc nhồi (ốc bưu) béo nhễ nhại được vớt lên vô thiên lủng, và đó là nguyên liệu chính để làm nên bát bún ốc. Tôi cũng không thể cân đo rằng giữa bún ốc chợ Đồng Xuân và bún ốc chợ Hàng Da, bún ốc nào ngon hơn? Sau này, được chơi với nhà văn hóa Đào Hùng (con trai cụ Đào Duy Anh), thì anh Đào Hùng nói với tôi là bún ốc chợ Hàng Da đậm đà hơn. Cũng có thể như thế, nhưng với tôi, bún ốc ở cả hai chợ nổi tiếng nhất nhì Hà Nội này đều ngon tới… không chịu nổi.

Ẩm thực ngày hòa bình - Kỳ 4: Cháo vịt quê tôi

Tháng 6.1975, sau 21 năm tôi lại được 'đánh đường về quê'. Quê tôi ở cạnh đường số Một, lại có một cây cầu nhỏ tên là cầu Giắt Dây, nên cũng dễ tìm, dù ngày rời quê tôi mới lên 8 tuổi.
Thường, chúng tôi mỗi người chỉ xơi một bát, vì tiền túi cũng hữu hạn. Nhưng nhiều hôm, có rủng rỉnh một tí, chúng tôi làm mỗi người hai bát bún ốc, mới… hả dạ. Bún ốc Hà Nội, kỹ thuật nấu nướng thế nào tôi không biết, nhưng ăn vào tới đâu biết… ngon tới đó. Bún ốc thì phải ăn với ớt bột. Và bát bún ốc với nước dùng nóng hôi hổi, bao giờ cũng có màu vàng ươm, điểm phía trên là màu xanh của hành hương và rau mùi (rau ngò ta). Bún ốc cũng thích hợp ăn kèm với rau chuối thái sợi, khế chua, và những thứ gì nữa tôi không nhớ hết. Chỉ biết, tuy chỉ có hào rưỡi một bát, nhưng bát bún ốc kèm nhiều “phụ kiện”, và các mẹ các chị bán bún ốc phải rất kỳ công khi chuẩn bị những “phụ kiện” ấy để bát bún ốc gồm đủ lệ bộ. Và khi ăn, thực khách phải… toát mồ hôi, mồ hôi mẹ mồ hôi con ròng ròng tuôn chảy. Thế mới hết ý.
Bún ốc cũng thích hợp ăn kèm với rau chuối thái sợi... - Ảnh: Giang Vũ
Bây giờ nhớ lại, tôi cảm thấy sau khi uống bia hơi vào buổi trưa, thì không món ăn nào dằn bụng mà vừa ngon vừa rẻ cho bằng món bún ốc. Ở Nam bộ cũng có rất nhiều ốc bưu, quê tôi cũng không hiếm, nhưng vì sao chỉ bún ốc Hà Nội là ngon vô địch? Điều này, chỉ có thể giải thích bằng lịch sử văn hóa của ẩm thực, và phải do những nhà văn hóa sành ẩm thực cỡ Đào Hùng hay Trần Quốc Vượng mới cắt nghĩa được. Ngày xưa, thì phải Thạch Lam hay Vũ Bằng mới tả làm nổi vị bát bún ốc, ta chỉ cần đọc văn là đã thấy nó hấp dẫn cỡ nào, và ăn nó vào mùa nào mới đúng điệu. Vì còn phải chọn mùa con ốc… béo, mùa mà thời tiết hạp với tính hàn hay tính ôn của bát bún ốc và các loại phụ kiện kèm theo. Tôi đúng là khá mù mờ về khoản này, nên chỉ biết… ăn, chỉ biết ngon chứ không thể giải thích cho ra ngọn ra ngành, ra tấm ra món được. Cũng chẳng sao. Miễn mình ăn thấy ngon, ăn thấy… đã, là ổn rồi.
Hà Nội ngày mới hòa bình ấy, có nhiều cái mới, chỉ riêng bia hơi và bún ốc là vẫn cũ, “vũ như cẩn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.