Albert Sallet và xứ Quảng

03/09/2021 18:00 GMT+7

Căn cứ những tác phẩm nghiên cứu và ghi chép trong lý lịch, bác sĩ Albert Sallet có một sự nghiệp gắn bó với Quảng Nam về nhiều lĩnh vực từ những năm đầu thế kỷ 20.

Bác sĩ Albert Sallet sinh ngày 17.9.1879 tại La Souterraine, một làng quê miền trung nước Pháp. Năm 21 tuổi (1900), ông tốt nghiệp Trường chăm sóc sức khỏe ngành Hải quân và Thuộc địa ở tỉnh Bordeaux. Năm 1903, ông được điều sang Đông Dương với công việc y sĩ trưởng của quân đội thuộc địa tại Trung Kỳ.

Lý lịch 'trích dọc'

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhờ tự học ngôn ngữ dân gian bản địa, Albert Sallet đã dày công nghiên cứu điền dã và ghi chép khá sâu sắc về tín ngưỡng dân gian, tập tục của các sắc dân, nhất là Chăm và Đại Việt trên lãnh thổ xứ Trung Kỳ, đặc biệt ở Quảng Nam.
Năm 1913, mười năm sau khi đến Quảng Nam, ông đã cùng với linh mục Léopold Cadière, lập ra Hội những người bạn của Huế xưa (Association des Amis du Vieux de Hué), quy tụ những người thông thái trong các viên chức ưu tú Pháp và Nam triều nhằm bảo tồn những giá trị vật thể và phi vật ở miền Trung. Đóng góp của ông trong việc khám phá và bảo tồn những phế tích Chămpa và tín ngưỡng dân gian rất quan trọng.
Là bác sĩ nhưng Albert Sallet còn say mê các môn khảo cổ học, dân tộc học, thực vật học, dược liệu học với những công trình điều tra cây thuốc nam như mã đề, hà thủ ô..., nghiên cứu từ tổ chim yến đến phương thuốc chữa bệnh bằng những con cua hóa thạch. Ông còn viết các chuyên khảo về Ngũ Hành Sơn, Bà Nà…
Năm 1922, Albert Sallet xin giải ngũ để toàn tâm toàn ý vào hoạt động văn hóa và bảo tàng. Năm 1926, ông được Trường Viễn đông Bác cổ cử trông nom kiểm soát việc xuất cảng những tác phẩm nghệ thuật của xứ Đông Dương, rồi sau đó, giữ chức quản thủ Phân viện bảo tàng cổ vật Đông Dương tại Đà Nẵng, sau này trở thành bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chàm.
Chính thời gian này, Albert Sallet đã khám phá một văn khắc chạm vào chân đá ven bờ sông Thu Bồn. Văn khắc bị chôn vùi trong một bãi cát, một trận lũ quét đã xói cát trôi đi và phơi bày ra khi nước rút cạn xuống.Tháng 6.1926, Albert Sallet được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp ủy quyền cấp giấy chứng nhận chỉ danh đối với những cổ vật chưa được đăng ký.
Hồ sơ của Albert Sallet cho thấy tuy tín ngưỡng của ông là đạo Thiên Chúa, nhưng đức tin tôn giáo không còn đủ ràng buộc trí phán đoán, óc phân tích luận lý của một nhà khoa học. Ông đã viết: "Những tâm hồn Ki-tô giáo chúng ta do thâm nhiễm một tính di truyền vô thức của một đức tin già cỗi nên khó hiểu được sự dụng công kiêu kỳ và sự hy sinh khắc khổ của những tu sĩ hành thiền trên núi Ngũ Hành Sơn. Họ có những nguyện cầu, nghi lễ tôn giáo của họ; cách sống của họ, xa lìa những nhu cầu vật chất, và sự thanh tịnh của họ hầu như khó bị quấy rầy bởi cung cách thế tục …”. Những đam mê tìm hiểu các hình thái tín ngưỡng khác nhau tại xứ sở thuộc địa, đặc biệt với dân tộc Chăm, Sallet đã không được sự ủng hộ của chính quyền thuộc địa và cả các lãnh đạo tôn giáo.
Năm 1922, ông có lệnh đổi sang thuộc địa Madagascar, nhưng ông từ chối và xin giải ngũ ở lại thành phố Đà Nẵng. Sau đó ông trở thành quản thủ Bảo tàng Chàm (nay là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Do đời sống khó khăn và một lời khuyên của bà Rémusat (Bảo tàng Guimet - Pháp), bác sĩ Albert Sallet quyết định đưa gia đình trở về Pháp vào năm 1931. Ngày 7.2.1948, tại quê hương mình, ông qua đời vì bệnh, hưởng thọ 70 tuổi.

Dấu ấn của Albert Sallet ở Quảng Nam

Ngoài bản dịch Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam, tập X, năm 1923 (Bulletin des Amis ou Vieux Hue) mà tôi có trong tay, các tài liệu khác còn cho thấy những công trình dài hơi nghiên cứu có chiều sâu ở Quảng Nam của ông như Hội An xưa, Núi Bà Nà, Yến sào và tổ của chúng...

Bìa cuốn Bulletin des Amis ou Vieux Hue

ẢNH: T.Đ.T

Các nhà nghiên cứu từng nói rằng Albert Sallet là nhà Quảng Nam dân tộc học. Thời gian lưu trú khá lâu trên đất Quảng Nam, Đà Nẵng, ông đã lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để đến với những di tích, đời sống dân gian của mảnh đất này bằng tất cả tình yêu của mình. Những ghi chép, khảo tả và nhận định của ông đã được nhiều nhà nghiên cứu về sau tham khảo vì sự sâu sắc của nó.Có thể nêu ra đây một ít dẫn chứng:
Về Ngũ Hành Sơn, ngòi bút ông khai quật cả một ẩn chứa tâm linh phi vật chất của một danh sơn: “Truyền thuyết về Ngũ Hành Sơn thì nhiều và lịch sử khá dông dài. Nếu người ta thêm đó là tất cả một truyền thống phong kín, cả việc chúng giữ gìn, duy trì tất cả tín ngưỡng thờ cúng của Trung Kỳ xưa, bảo đảm cho vương quốc, rồi thì tất cả cái thế giới núi đá này dường như tự biểu hiện là linh hồn của xứ sở.Vâng, đó là những nơi chốn tôn kính… nhất là vì tâm hồn người An Nam dường như bắt nguồn từ đó những bước đi trong cuộc đời. Như thế, những cụm núi này cần được biết đến nhiều hơn...”.
Đối với nền văn minh Chăm-pa ở Quảng Nam, ông viết: “Đất Quảng Nam, nơi ghi dấu tất cả phế tích rải rác của nền văn minh cổ kính, vẫn tồn tại như là đất Chàm đặc thù nhất. Những nơi tôi xúc tiến thiên nghiên cứu này, là nguồn tư liệu thu nhập được trong những ngày lưu lại ở Đà Nẵng và bốn năm lặn lội sưu tầm trong tỉnh Quảng Nam. Lịch sử tự nó sẽ soi sáng dần, truyền thuyết tự nó phai mờ dần, trong khi mổ xẻ lý luận chúng, thì đồng thời những tín ngưỡng thuần cảm tính cũng nhạt nhòa dần, và các lưu dấu Chàm rất có thể không còn tồn tại gì khác hơn là những phiến đá cùng những di chỉ đỏ chói gạch vụn tan tành, tiêu ma dần dần. Thần linh và ma quỷ, những ám ảnh không còn làm kinh hãi: các đền đài, mộ tháp sẽ được duy trì, giữ gìn…”.
Với Bà Nà, Albert Sallet điều tra nghiên cứu các nguồn động thực vật học, những mô tả phong cảnh tại đây cho thấy ngòi bút ông thật sự sinh động: “Toàn cảnh phía đông trải dài trong một vẻ đẹp kỳ lạ. Trong khi, tầm nhìn hướng bắc dường như vấp phải một rào cản khổng lồ của những dãy tường núi Ải Vân; nhưng ở bên kia những đỉnh núi giăng dài, người ta còn nhận thấy được lờ mờ màu xanh tái của chân trời trùng dương, và, theo các vịnh biển lớn lao, người ta dự đoán những bãi cát xa xa, tận bên kia, trong vùng cận Huế, những đầm phá lặng yên... Phía đông, nhìn tổng thể, mở ra một khung cảnh vô tận… Biển khơi lặng yên, mọi người tham dự vào cuộc sống náo nhiệt của con vịnh ấy, nhộn nhịp những đoàn thuyền đến từ các làng chài ở Hóa Ổ, Thanh Khê và những làng khác gần Đà Nẵng…”.
Thật là những câu văn hay!

Những nghiên cứu giá trị về tín ngưỡng dân gian xứ Quảng

Quay lại với tác phẩm Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam có thể thấy Albert Sallet không bỏ sót địa phương nào, hỏi chuyện nhiều người dân, các thầy đồ ở địa phương, từ núi Hải Vân đến giáp ranh Quảng Ngãi. Ông khảo tả những di tích, di vật Chàm còn lại hoặc đã được Đại Việt hóa. Vừa cho thấy sự kế thừa trong thờ cúng cũng như các mặt trái của nó từ việc thiếu hiểu biết, tin vào những đồn đoán để đi tìm vật báu, phá vỡ nhiều tác phẩm nghệ thuật của tiên dân…
“...Mặc dù có sự phá hoại tàn khốc đối với biết bao linh thần Chàm bởi do hận thù chiến tranh hoặc oán ghét tầm thường, dầu sao tâm linh tôn giáo của người An Nam vẫn sống trở lại và vẫn mượn biết bao chủ đề nghệ thuật bị phế bỏ đó đây để làm đối tượng thờ phụng… Nhiều địa điểm thờ phụng trước kia, nay đã trở lại linh thiêng…”, ông khái quát.

Một trang trong cuốn Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam

ẢNH: T.Đ.T

Sallet còn đi sâu phân tích việc thờ các “bà” như “bà Chúa Ngọc” là tước hiệu của nữ thần Thiên Y A Na như tại Diêm Phổ, Tam Kỳ; Phong Thử, Điện Bàn với bài vị Chúa Ngọc ngạn thượng sơn thần; Chúa Ngọc ở chùa Linh Ứng, Dương Nương ở Hà Thanh và các “bà Thái Dương” ở những nơi khác cũng được các triều đại phong kiến Việt Nam sắc phong. Đó là những vị nữ thần linh thiêng có tính cách “phò hộ được xem là thân thiện, rộng lượng và cứu người” trong các cộng đồng người An Nam.
Trong nghiên cứu của mình, Sallet đặc biệt ấn tượng với truyền thuyết bà Phố Thị (ngôi chùa thờ bà Thái Dương phu nhân) ở Thăng Bình (Quảng Nam). Ông cho đây là câu chuyện liên quan mật thiết giữa hai dân tộc Chàm và Việt. Bà Thái Dương theo chồng chinh chiến, bị đuổi đến gần chợ Kế Xuyên thì bị người Chàm (Hời) giết. “Quyền lực linh thiêng của bà Thái Dương vẫn thể hiện bằng ân đức phù hộ, nhất là đối với những người bệnh hoạn hay đối với xóm làng bị ôn dịch. Vào lúc đại nạn, người ta cầu nguyện với bà”, Sallet nhấn mạnh. Nhưng sự tương hợp giữa ân đức của một liệt nữ An Nam và cái gốc gác làng Thái Dương (đồng nghĩa với Thiên Y A Na) của bà là một điều đáng suy nghĩ!
Đọc tác phẩm này của Sallet, cuối cùng ta thấy rõ điều này, “lịch sử bật sáng, chuyện cổ phai mờ, các tin tưởng hão huyền cũng giảm bớt và các kỷ niệm Chàm sẽ tồn tại trong bản thân các hòn đá, những địa điểm của những viên gạch vụn mỗi ngày một mất mát dần. Thần linh ma quỷ lảng vảng và trù yểm từ cõi âm không làm cho ta phải sợ, đến các đền miếu sẽ không còn là nơi cấm kỵ đối với người nào”. Albert Sallet đã kết luận như vậy ở cuối thiên nghiên cứu của mình cách đây tròn một thế kỷ, quả chẳng phải là điều dễ dàng vào lúc ấy.
Nhưng tôi thì tin rằng, người Quảng vẫn nói câu cửa miệng: "Có kiêng có lành!". Kiêng là cung kính, biết ơn chứ không phải sợ hãi. Trong sự cung kính ấy, những lễ cúng đất, cúng tá thổ và cúng âm linh đầy nhân văn của người Quảng là các nghĩa cử tri ân cho đến ngày nay. Bởi vậy, đọc tác phẩm của Albert Sallet giúp ta hiểu thêm về những khía cạnh tín ngưỡng dân gian của xứ Quảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.