Ai về miệt thứ gởi tình về theo

23/05/2021 06:26 GMT+7

Từng biên tập rất nhiều bài thơ của Trương Hòa Bình, tôi yêu thơ anh vì cái tình đắm đuối sâu nặng với quê hương mình, rộng ra, với cả đất nước mình.

Tập thơ mới Tiếng vọng hồn sông núi (NXB Thông tin và Truyền thông) của anh cũng ăm ắp cái tình ấy.
Người sao, thơ vậy. Trương Hòa Bình thật thà đôn hậu bao nhiêu, thì thơ anh mộc mạc hồn nhiên mà sinh động bấy nhiêu. Đây là một đoạn thơ anh viết về... cá ở Láng Sen, đọc thấy mê luôn:
Cá tôm không mất tiền mua
Minh mông nước nổi rắn rùa
lội sông
Láng Sen cá lóc, cá bông
To hơn mười ký chạy rong từng bầy
Cá trê, cá cóc, cá cày
Cá rô, cá sặt tung chài bắt nhanh
Lòng tong, cá chốt, cá lăng
Lìm kìm bơi lội tung tăng
ngược dòng
Cá nheo, đối kến trên sông
Cá ba sa được nuôi lồng lớn mau
Cá vồ đém cá tra dầu
Bao nhiêu loài cá
đứng đầu mè vinh
Cá heo1 về theo cá linh
Cá trèn, cá trắm, cá chình khắp nơi
Bông lau, thát lát gọi mời
Cua đồng, cua rạm của trời cho ta
Lù đù nước lợ biển xa
Làm sao đến được Ram Sa
chốn này?
Cá hô trăm ký về đây
Biển Hồ trôi xuống những ngày nước dâng.
Chỉ một vùng đất nhỏ ở Nam bộ đã có bao nhiêu loài cá như vậy, làm sao mà người đọc không thèm được tới với miền hạ, rồi miệt thứ, những cái tên không thể khiêm nhường hơn, mà day dứt bao nhiêu là cảm xúc.
Tôi biết, nghề nghiệp chính của Trương Hòa Bình không phải làm thơ. Anh làm nhiều công to việc lớn khác nhau, cứ nghĩ, với người làm những công việc ấy, thì thiệt tình không có thời giờ làm thơ, quấn quýt với thơ. Nhớ có lần, Sáu Bình nói với tôi: “Đúng là công việc choán hết thì giờ của em. Nhưng vẫn còn hé một cửa hẹp: Cứ lên máy bay, người ta thì ngủ, còn em thì… làm thơ”. Rất nhiều bài thơ của Trương Hòa Bình được anh viết, hoặc là trên máy bay, hoặc vào canh khuya thanh vắng. Những lúc ấy, thơ chiếm lĩnh hoàn toàn tâm hồn anh.
Gần như các địa danh của đất nước mình đều có mặt trong tập thơ này của Trương Hòa Bình. Đó là kết quả những chuyến đi liên tục vì công vụ của anh tới các tỉnh thành, tới những vùng sâu vùng xa nhất của Tổ quốc. Sức đi, sức cảm, sức nghĩ, sức viết của anh thật kỳ lạ, dù anh khiêm nhường tự nhận mình yêu thơ, yêu nước mình mà làm thơ, vậy thôi. Thơ ấy, có lúc như nhật ký, có lúc như hồi ký, lại có lúc trải ra bát ngát như một bản trường thiên. Tâm hồn ấy thật đẹp, thật đáng yêu, chỉ cần đọc những bài thơ của nhà thơ này là thấy rõ. Từ cực Bắc Lũng Cú tới cực Nam đất Mũi Cà Mau đều in dấu chân Trương Hòa Bình, và những vùng đất yêu thương ấy đều có mặt trong thơ anh.
Người ta không thể làm thơ vì trách nhiệm, mà chỉ có thể làm thơ vì tình yêu. Tôi đã tới Cần Giuộc - quê Trương Hòa Bình, nơi con sông Vàm Cỏ Đông hợp lưu sông Vàm Cỏ Tây thành sông Soài Rạp, và tôi đắm đuối với cảnh đồng quê sông quê thế này:
Vùng hạ nước lợ bãi ngang
Mưa dầm gió dãi chang chang nắng hè
Cây đước, cây mắm, bần gie
Cho con đom đóm lập lòe bóng đêm
Cá bống, kèo, sả thơm kho tộ
Rượu Gò Đen đượm gió quê nghèo
Con cá ngát ăn trái bần chín rụng
Mắm còng thơm cà dĩa dưa leo.
Nhưng dù đi cùng trời cuối đất, rồi lòng anh cũng cứ nhớ về miệt thứ. Cái tên “miệt thứ” này, lần đầu nghe tôi không hiểu. Tìm hỏi mới biết, đó chính là miền Tây Nam bộ, “nơi quê hương tôi xa xôi Cà Mau” như câu ca từ trong bài hát Gửi Cà Mau của nhạc sĩ Lâm Quang Măng, tức Thanh Trúc, một nhạc sĩ quê Cà Mau nổi tiếng. Tôi và nhiều bạn bè quê Nam bộ của mình rất thích bài thơ Sông Trẹm của Trương Hòa Bình. Vẫn một điệu thơ mộc mạc mà chan chứa yêu thương, khiến người đọc chỉ muốn được tới ngay dòng sông có cái tên thương yêu đặc biệt miền Tây này:
Sông Trẹm
Xanh trong lục thủy
dòng sông Trẹm
Bát ngát hương đưa những
bông tràm
Đêm về da diết tình viễn xứ
Nghẹn ngào điệu lý
đất phương Nam
Nước biếc rừng xanh tràm thay lá
Bình minh ríu rít tiếng chim ca
Nhà sàn mấy cội miền quê vắng
Thuyền ai nhẹ lướt sóng bờ xa

Cô thôn nữ áo bà ba trắng
Nụ môi xinh má lúm đồng tiền

Cho qua hỏi đường về miệt thứ
Bậu thiệt thà nở nụ cười duyên
Đường về miệt thứ truân chuyên
Anh về miệt thứ hay
miền Cà Mau?
Dòng sông con nước lao xao
Bao nhiêu miệt thứ là bao nỗi niềm
Ơi câu hát chạnh lòng xa xứ
Bài hát buồn dạ cổ hoài lang
Nỗi buồn chia cách đôi phương
Phu thê đôi ngả đêm trường lệ chan
Nghe chuyện tình xưa lòng đau đáu
Mười hai thương muối mặn
gừng cay
Bây giờ đời đã đổi thay
Thương yêu sóng sánh chợt say men tình
Tôi về xứ Năm Căn Ngọc Hiển
Tình yêu em chắp cánh đầu đời
Em hôn tôi vị mặn bồi hồi
Hương biển quyện mùi hương
con gái
Chiều thưa thớt nắng vàng
miền hạ

Hương Cà Mau nhè nhẹ
mênh mông

Đầm Dơi nghe rừng chim ríu rít
Sáo sổ lồng sáo đậu bờ sông
Sông Gành Hào chảy qua
Cái Nước

Về “Bãi Bùng”2 sóng vỗ ngàn sao
Bình minh lên mặt trời đỏ rực
Mũi Cà Mau như mũi con tàu
Đất nước ta hình cong chữ S
Gánh hai đầu một dãy Trường Sơn
Phía tây núi phía đông là biển
Vũ trụ nào thái cực càn khôn
Ta tới đây nơi cùng trời cuối đất
Cột cờ Thăng Long lồng lộng
xanh cao
Nghe trong gió vọng tiếng hồn
non nước
Đã kéo dài Lũng Cú đến Cà Mau.
Vâng, kéo dài Lũng Cú đến Cà Mau, đó là đường đi của tập thơ Trương Hòa Bình.
---
1 Cá heo: Loài cá nhỏ có tiếng kêu eng éc, nước lũ về theo cá linh.
2 Tên gọi khác của mũi Cà Mau, thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.