Ai được lợi từ hội sách?

23/03/2012 09:41 GMT+7

Hội sách TP.HCM, với định kỳ hai năm một lần, đã diễn ra đến lần thứ 7 kể từ năm 1998, được xem là một hoạt động văn hóa tạo dấu ấn tốt đẹp của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Hội sách TP.HCM, với định kỳ hai năm một lần, đã diễn ra đến lần thứ 7 kể từ năm 1998, được xem là một hoạt động văn hóa tạo dấu ấn tốt đẹp của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

 
Các bạn trẻ tham gia thi trắc nghiệm tại một gian hàng ở Hội sách TP.HCM 2012 - Ảnh: Thuận Thắng

Trên thực tế một vài địa phương khác, trong đó có Hà Nội, từng tổ chức hội sách nhưng không mấy thành công, nghĩa là không tạo được không khí hội hè lẫn doanh thu cao. Vì sao TP.HCM làm được điều này? Có nhiều lý giải, nhưng câu trả lời cuối cùng là "nhờ vào độc giả".

Ông Hứa Ngọc Thuận (phó chủ tịch UBND TP.HCM, trưởng ban chỉ đạo Hội sách TP.HCM lần 7) tỏ ra có lý khi phát biểu: "Chính người dân TP.HCM là đồng tác giả hội sách".

Nhưng đâu chỉ riêng người dân TP.HCM mà dường như bạn đọc khắp cả nước đã không bỏ lỡ cơ hội này đến với TP.HCM để tham quan và mua sách.

Như vậy nếu đặt câu hỏi: "Ai được lợi từ hội sách?" thì câu trả lời có vẻ như không khó.

Dễ thấy nhất là những người bán sách. Có thể nói hội sách là dịp bán sách tốt nhất, do vậy những đầu sách mới, sách của những tác giả mà tên tuổi đang "hot" thường được chọn dịp này để tung ra. Những sách tồn kho cũng sẽ được "thanh toán" trong dịp này. Tất nhiên, không phải đơn vị nào cũng đạt doanh thu cao, thậm chí có nơi lỗ nặng vì phải chịu chi phí mặt bằng, phí vận chuyển và nhiều khoản khác. Nhưng họ vẫn được cái lợi khác đó là khuếch trương thương hiệu.

Chẳng hạn với Chibooks, họ cho biết lần hội sách trước lỗ gần 100 triệu đồng nhưng lại được lãi về thương hiệu. Năm nay không tham gia hội sách nữa nhưng Chibooks vẫn chọn thời điểm hội sách để tung ra những chiêu PR cho kế hoạch phát triển.

Và nhiều đơn vị làm sách khác, dù không tham gia gian hàng hội sách, cũng tiếp thị sách và hình ảnh của mình vào dịp này.

Nơi được hưởng lợi từ hội sách nữa là đơn vị tổ chức. Việc cho thuê mặt bằng (trong công viên Lê Văn Tám) với giá trung bình 15 triệu đồng/gian (3x3m, trong sáu ngày), có thể nói ban tổ chức đã thu một số tiền không nhỏ (tổng cộng có 500 gian hàng cho thuê). (Xin mở ngoặc nói thêm là số tiền 15 triệu/gian chỉ là tiền mặt bằng, còn lại đều do đơn vị bán sách tự lo liệu. Nếu một đơn vị muốn có không gian khang trang thì phải thuê khoảng ba gian, cộng những chi phí khác thì số tiền hơn 60 triệu đồng).

Tất nhiên cái lợi của ban tổ chức không chỉ là tiền, mà đó là tạo dựng được một không gian văn hóa, mà tên gọi "Hội sách TP.HCM" đã trở thành thương hiệu, một dấu ấn đẹp cho thành phố.

Và người được hưởng lợi nhiều nhất có lẽ chính là bạn đọc. Không chỉ đến hội sách để có thể mua được nhiều sách hay, sách mới, sách giảm giá "cực sốc", người đến hội sách còn được thụ hưởng một không gian sách, trong mối tương tác từ những cuộc giao lưu, gặp gỡ, xin chữ ký nhà văn...

Ðến hội sách mới thấy có rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên, công nhân... Không chỉ mua sách cho mình, họ còn mua sách để trao tặng nhau, hoặc gửi tặng người ở xa. Những người già cũng có dịp thong dong dạo chơi trong "vườn sách", lựa những cuốn sách mình thích, ngồi trên ghế đá đọc say sưa.

Cũng có nhiều người đến hội sách chỉ đơn thuần là đi dạo, hòa mình vào không khí hội hè buổi tối. Ðó chính là nét đa dạng từ bạn đọc làm nên thành công của hội sách.

Cuối cùng, không thể không nói hội sách lần này được tổ chức trong bối cảnh lạm phát kinh tế cao, sách dễ thành một món hàng xa xỉ nếu như không có tình yêu thật sự. Ở đây chỉ có một điều băn khoăn là tính chất "hội" trong hội sách còn mờ nhạt, chưa có đột phá. Việc "phần nghe" chen lấn "phần nhìn" nhiều quá cũng làm độc giả cảm thấy khó chịu. Ðể hội sách không chỉ là chợ sách thì việc các gian hàng tranh nhau "phóng loa" quảng cáo cũng phải được điều tiết hợp lý.

Chưa kể có những buổi tập văn nghệ diễn ra ngay trên sân khấu chính khiến tiếng ồn xâm chiếm cả nhà hội thảo. Làm sao để các không gian hội thảo (mở trống) không bị tiếng ồn quấy nhiễu, làm sao tạo cảm giác thoải mái để người tham gia hội sách được thăng hoa cùng sách... Ðó có lẽ là điều cần làm một cách chuyên nghiệp hơn nữa.

Sách hay trong hội

Ðược sự đặt hàng của Công ty sách Thời Ðại, dịch giả Nguyễn Ước dành hai năm để dịch 25 cuốn sách (in thành 20 tập) của Kahlil Gibran (NXB Văn Học). Kahlil Gibran sinh năm 1883 tại Libăng, ông là một triết gia, thi sĩ và được gọi là nhà tiên tri, "bậc thầy khả ái"... Ðối với độc giả VN, Kahlil Gibran từng được yêu mến thông qua những tác phẩm được dịch rải rác trước năm 1975. Nhưng đây là lần đầu tiên tác phẩm Kahlil Gibran được in gần như toàn bộ: Bí ẩn trái tim, Ðịnh mệnh thi sĩ và đám rước, Ðôi cánh tư tưởng, Nhã ca tình yêu...

Cũng được chuẩn bị khá công phu, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Ðông Tây chọn hội sách để tung ra Tủ sách Ðông Tây tác phẩm, trong đó có những tác phẩm khá nổi tiếng được chuyển ngữ bởi dịch giả mới, như cuốn Hoàng tử bé của Antoine de Saint - Exupéry (Châu Diên dịch), hay cuốn Zaches tí hon mệnh danh Zinnober của E.T.A. Hoffmann (Quang Chiến dịch). Tủ sách cung cấp trở lại những tác phẩm văn chương kinh điển từng được yêu mến với bìa đẹp hơn, trình bày trang nhã hơn.

Cuốn Nước Nga 2050 chiến lược đột phá cách tân (TuVan Books & NXB Thế Giới) của hai tác giả B.N. Kudức và Yu.V.Yakovéts (Nguyễn Quốc Thao, Ðỗ Ðức Thịnh, Mai Nhật Lan dịch) được xem là một cuốn sách khá "nặng ký" không chỉ vì dày hơn 700 trang, mà ở những vấn đề tác giả đề cập. Sự đột phá cách tân của nước Nga được đặt ra ở thời điểm năm 2050, được xem là trách nhiệm và mang tính định mệnh của nước Nga. Khái niệm văn minh hậu công nghiệp nhân sinh được chọn làm cơ sở để làm chìa khóa mở những cánh cửa đột phá. Một cuốn sách nghiêm túc, thú vị.

Một cuốn sách có hàm lượng thông tin và tri thức bổ ích đối với đối tượng sinh viên là cuốn Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại của Ben Wildavsky (Ðại học Hoa Sen và NXB Trí Thức; Tô Diệu Lan dịch). Chọn đúng thời điểm hội sách để tung ra còn nhiều sách hay đang chờ đến tay người đọc.

Hội sách giảm giá tối đa 3 ngày cuối

Theo thông tin từ ban tổ chức Hội sách TP.HCM lần 7-2012, trong ba ngày cuối hội: 23, 24, 25-3, các gian hàng được giảm giá tối đa đến 50% (mức khuyến mãi tối đa theo quy định của Sở Công thương).

Ðây là thời điểm chờ đón của cả bạn đọc và các đơn vị tham gia hội sách. Một số gian hàng sẽ giảm đến mức tối đa đối với một số loại sách.

Trong những ngày cuối này, các đơn vị tổ chức một số hoạt động nhằm thu hút bạn đọc đối với sản phẩm của mình như: gian hàng Công ty Phan Thị tổ chức giao lưu với nhà văn Nguyễn Quang Sáng vào tối 22-3 nhân dịp phát hành bản truyện tranh Chiếc lược ngà do đơn vị này thực hiện.

Công ty Phương Nam tổ chức giao lưu và ký tặng cùng tác giả Tâm Phan (9g và 18g ngày 23-3) nhân dịp phát hành bản Hồi ký Tâm Phan.

19g30 ngày 23-3, Công ty sách Thái Hà tổ chức cuộc giao lưu với Ðỗ Nhật Nam - dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam - có tác phẩm tiếng Anh Tớ đã học tiếng Anh như thế nào?

Ngày 24-3, giáo sư - BS Nguyễn Chấn Hùng và BS Ðỗ Hồng Ngọc giao lưu với độc giả chủ đề "Mấy bài thuốc quý" (9g, NXB Tổng Hợp TP.HCM tổ chức); nhà văn Nguyễn Huy Thiệp giao lưu và mắt cuốn Vong bướm (15g30, Công ty Nhã Nam tổ chức).

Ngày 25-3, Công ty Phương Nam tổ chức cuộc tọa đàm "Mang tinh hoa văn học đến với mọi người" (9g).

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.