8X 'làm mới' nhạc Trịnh

01/04/2019 07:24 GMT+7

Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ 8X 'làm mới' nhạc Trịnh theo cách của mình. Có người được 'người nhà' khen, nhưng có người vấp phải phản ứng gay gắt, thậm chí bị cho rằng đã 'phá' nhạc Trịnh.

[VIDEO] Hồng Nhung dẫn hai con hát giữa biển người trong đêm nhạc 18 năm nhớ Trịnh Công Sơn

Gây tranh cãi

Sau khi biểu diễn 2 ca khúc nhạc Trịnh hát theo phong cách jazz trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn - Gọi tên bốn mùa (hôm 30.3), ca sĩ Đồng Lan chính thức ra mắt sản phẩm được cô ấp ủ trong 6 năm qua và thực hiện từ đầu năm 2017: album nhạc Trịnh theo phong cách jazz Này em có nhớ, được hát song ngữ Việt - Pháp. Đã từng có những bài hát riêng lẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được chuyển sang một số ngoại ngữ khác, nhưng trọn vẹn một album được hát bằng tiếng Pháp thì Đồng Lan là người đầu tiên mạnh dạn thực hiện - việc làm rất có thể gây nhiều tranh cãi với người yêu nhạc Trịnh theo phong cách truyền thống.
Ca sĩ Đức Tuấn cũng vừa ra mắt đĩa đơn Dã tràng ca, nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh Trịnh Công Sơn, với phần hòa âm được nhạc sĩ Lê Thanh Tâm làm mới, mang hơi thở của âm nhạc đương đại. Anh cho biết sẽ cùng Lê Thanh Tâm tiếp tục dùng những chất liệu âm nhạc mới nhất, đương thời nhất trên cái nền vững chắc của âm nhạc cổ điển để ca khúc vừa có quá khứ vừa mang tinh thần của hiện tại và tương lai, phù hợp hơn với nhịp thưởng thức của khán giả hiện đại
Ca sĩ Tùng Dương cho rằng khán giả cần mở rộng tâm thế thưởng thức nhạc Trịnh Ảnh: T.L
Cuối năm 2018, nghệ sĩ Hà Lê ra mắt MV Diễm xưa với ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bản phối mang âm hưởng của world music với nhiều nhạc cụ như kèn, trống, cùng giọng hát mang màu sắc R&B của Hà Lê đã khiến ca khúc nhận được những bình luận có phần sỗ sàng từ khán giả, nhưng bên cạnh đó cũng có những nhận xét bày tỏ sự thích thú trước “phiên bản mới”. MV Diễm xưa nằm trong dự án Trịnh Contemporary mà Hà Lê vừa ra mắt. “Trịnh Contemporary không dừng lại ở cover những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà tôi muốn đem lại một âm hưởng mới mẻ, nhưng vẫn trong lành từ những lời nhạc, giai điệu bất hủ mà bậc tiền bối để lại”, Hà Lê chia sẻ. Trong tháng 5 tới, ca sĩ Tùng Dương sẽ đứng trên sân khấu cùng danh ca Khánh Ly trong đêm nhạc Trịnh Công Sơn Người về bỗng nhớ. Một giọng ca đương đại, ma mị cùng với giọng hát được coi là “tượng đài của nhạc Trịnh” khiến nhiều người có thể đặt câu hỏi về sự kết hợp giữa họ.

Mở rộng tâm thế thưởng thức nhạc Trịnh

Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ, danh ca Khánh Ly muốn anh là nghệ sĩ đồng hành cũng là bởi bà muốn âm nhạc Trịnh Công Sơn được yêu mến ở nhiều góc độ, được làm mới với nhiều cách khác nhau và được hát với tâm thế của nghệ sĩ đương đại. “Nhạc Trịnh là lịch sử. Nhưng nếu cứ giữ mãi tâm thế ngày xưa để làm nhạc Trịnh như thế, thì nhạc Trịnh không được tưới tắm hồn trẻ, tinh thần mới mẻ. Trong khi đó, cuộc đời luôn cần những dư vị, luồng gió mới”, Tùng Dương nói. Theo anh: “Nhiều khán giả có thể chưa thích nghi ngay, nhưng việc tạo nên diện mạo mới cho lối viết đã được mặc định của Trịnh Công Sơn là cần thiết. Và trong sự mặc định ấy phải tìm ra những sự không mặc định để làm cho tươi mới, mở rộng với những điều đó. Khán giả cần mở rộng tâm thế thưởng thức nhạc Trịnh”.
Ở khía cạnh khác, nhạc sĩ Thanh Tâm chia sẻ: “Với sự tiến bộ từ học thuật của âm nhạc, khả năng chơi nhạc đến thẩm mỹ âm nhạc… sau một thời gian dài không lẽ chúng ta lại làm y chang cái cũ, trong khi những giai điệu xưa đã hay, đẹp như thế”. Theo anh, sự tiến bộ được áp dụng ở đây là làm mới, giúp người nghe cảm thấy nghe lại tác phẩm xưa với tinh thần hết sức mới mẻ, với sự trau chuốt tốt nhất có thể của người thực hiện hôm nay.
Nhìn nhận vấn đề này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đưa ý kiến: “Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật luôn đòi hỏi rất cao tính sáng tạo, cá tính riêng của mỗi nghệ sĩ. Việc mỗi nghệ sĩ khi thể hiện tác phẩm, không chỉ riêng của Trịnh Công Sơn, luôn muốn tìm tòi những điểm mới mang dấu ấn cá nhân của mỗi người là điều rất bình thường”. Anh cho rằng: “Khoan bàn đến chuyện thành công hay chưa, khán giả đồng tình hay không, việc “thổi” những điều mới mẻ vào trong một tác phẩm đã cũ, đã quen tai người nghe là điều các nghệ sĩ nên làm”.
Tuy nhiên, “làm mới” không phải là làm thế nào cũng được, không phải cố tình làm nhạc Trịnh quá khác biệt. Theo Tùng Dương: “Người nghệ sĩ khi sáng tạo phải thực sự hiểu ý đồ, tư tưởng bao trùm của người nhạc sĩ để không tạo ra những khác biệt quá xa”. Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cũng nhìn nhận: “Nghệ sĩ muốn sáng tạo thì phải hiểu được cái mình định làm mới từ nhiều góc độ, từ tác phẩm, đến âm nhạc, nội dung, thông điệp, chất liệu làm mới và làm như thế nào để có sự hòa quyện giữa cũ và mới”.
“Việc làm mới nhạc anh Sơn, hay hát nhạc Trịnh theo cách cảm của các bạn trẻ hôm nay, đương nhiên sẽ có người chê, người thích. Nhưng với âm nhạc, chê không có nghĩa là dở, khen cũng không thể đánh giá là hay, mà tùy vào cách cảm, sự thẩm thấu của mỗi người. Với âm nhạc của anh Sơn, ca sĩ nào thích hát ra sao, không ai có quyền cấm; khán giả họ sẽ tự có quyền chọn lựa của mình. Các thế hệ trước, hay như chúng tôi, cũng cần uyển chuyển, linh động, phải tìm hiểu để biết tuổi trẻ hôm nay đang làm gì, nghe ra sao để mình có thể hiểu âm nhạc của họ và ngược lại. Hiểu nhau, để thấy mỗi lứa tuổi, mỗi thế hệ có những tâm tư khác nhau, cách đón nhận khác nhau, để thấy rằng đừng nên khép kín hay đóng khung âm nhạc”. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.